ThienNhien.Net – Phó mặc quy định, lời kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã, địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang mọc lên nhan nhản các nhà hàng, khu du lịch bày bán đặc sản về thịt thú rừng.
Cần gì cũng… đáp ứng
Vì lợi nhuận nhiều nhà hàng, quán ăn trên khắp địa bàn tỉnh Đắk Lắkđã bất chấp pháp luật, vô tư bày bán các sản phẩm được chế biến từ động vật hoang dã quý hiếm. Điều đáng nói, những cơ sở này lại được nhiều người biết đến, thậm chí rất nổi tiếng vì có những món đặc sản được coi là đặc trưng của khu vực. PV báo Người Đưa Tin đã khảo sát và thâm nhập vào một số nhà hàng lớn ở TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) để ghi nhận.
Theo giới thiệu của người quen, nhà hàng có tên B.R. nằm trên đường Nguyễn Thị Định (TP.Buôn Ma Thuột) nổi tiếng các món đặc sản thịt thú rừng. Lần theo địa chỉ trên, PV nhanh chóng tiếp cận nhà hàng này. Khi PV bước vào, một nhân viên nam vui vẻ chào hỏi. Với kịch bản đã được lên sẵn, PV vờ hỏi: “Ngày mai em có một đoàn khách từ TP.HCM lên đây công tác nên muốn đặt tiệc ở nhà hàng. Đây là đoàn khách quý nên thực đơn cần những món đặc sản về các món thịt thú rừng…”.
Không một chút do dự, anh nhân viên nhanh nhảu: “Dạ! Nhà hàng em có nhiều đặc sản thịt rừng như, chồn, rắn, rùa, baba… tất cả đều là thịt tươi sống mới được nhập về. Chồn có giá 1,7 triệu/kg, nếu khách đi 5 người thì đặt con khoảng 2kg là được 4 món: Lòng, dồi hấp, nướng, xào măng…”.
PV tỏ vẻ nghi ngờ về tính chuẩn xác của món ăn, nhân viên liền dẫn tôi xuống nhà bếp. Tại đây, có hai người đàn ông đang làm thịt một con chồn. Chỉ vào bát huyết đặt ngay gần đó, một trong hai người đàn ông quay sang cho biết: “Ở đây chúng tôi làm toàn hàng tươi sống mới bắt trong rừng về, không hề có đồ ướp lạnh. Đây là con chồn 2,7kg chúng tôi vừa cắt tiết xong. Anh có ăn không? Giờ tôi ra bắt làm luôn cho…”.
Thấy khách chần chừ, người đàn ông này tiếp lời: “Ngoài chồn, ở đây còn có rùa cũng ngon lắm, người bình thường không có tiền ăn đâu, giá 6 triệu/kg lận, chỉ những đại gia mới ăn nổi thôi”. Nói rồi người này lấy chìa khóa vào trong vườn bắt chồn cho một khách hàng khác vừa đặt.
Trong lúc PV đang loay hoay xem các đầu bếp của nhà hàng chuẩn bị làm thịt con chồn thì nhân viên của nhà hàng đã gọi thêm một người đàn ông đến và cho biết đó là chủ nhà hàng. Người đàn ông này tư vấn thêm: “Ở đây ngoài chồn, rắn, rùa, baba cũng có nhiều loại thịt thú rừng khác nữa như: Kỳ đà giá 600 ngàn đồng/kg; nhím sống 500 ngàn/kg. Riêng rắn thì nhiều loại từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Đặc biệt có cả rắn hổ mang chúa giá 1,2 triệu đồng/kg, baba 800 ngàn/kg. Hay cháu muốn ăn tê tê thì có giá 3,5 triệu đồng/kg nhưng phải đặt trước, hôm qua chú mới làm 1 con cho khách. Ở đây nhà hàng chú làm giá rẻ mà ngon, đảm bảo hàng rừng thật chứ chú không nói bậy, khách đến đây chọn, cân hàng rồi mới làm”.
Người này thao thao bất tuyệt giới thiệu về các đặc sản khiến PV choáng váng khi thấy độ phong phú về động vật quý hiếm mà nhà hàng này “sưu tầm” được.
Rời nhà hàng trên, PV tiếp tục tìm đến một nhà hàng khác có tên C.S. trên đường Mai Hắc Đế. Vẫn kịch bản cũ, khi PV hỏi về thịt thú rừng thì được một nhân viên nhà hàng này dẫn đến gặp người quản lý. Tuy nhiên, người quản lý của nhà hàng tỏ vẻ dè chừng nên cẩn thận dò hỏi: “Em làm ở đơn vị nào? Ai giới thiệu em tới đây?”.
Sau một vài câu hỏi kiểm tra, người này tỏ vẻ tin tưởng cho biết: “Ở đây có chồn, dúi, rắn giá 650 ngàn đồng/kg, kỳ đà giá 450 ngàn đồng/kg, nhím 350 ngàn đồng/kg, tất cả đều tươi sống. Nếu sang trọng hơn thì ăn tê tê giá 3,5 triệu/kg. Đối với con tê tê có thể chế biến thành các món hấp, lòng dồi, cháo…”.
Quản lý nhà hàng giải thích thêm: “Chỗ anh hơi xa trung tâm nhưng đồ ăn thì tương đối chuẩn. Riêng tê tê, ở Sài Gòn người ta bán tới 7 triệu đồng/kg đấy, chồn thì hơn 2 triệu/kg. Nếu em muốn ăn chồn với tê tê thì phải gọi trước một hôm, còn lại, em đến lúc nào cũng đảm bảo có hàng tươi sống. Em hỏi thì anh nói cho biết vậy thôi chứ những món này không có trong thực đơn của quán đâu, người ta phát hiện được là bắt chết…”.
Cơ quan chức năng nói gì?
Cũng theo ghi nhận, ngoài việc đưa những động vật hoang dã lên bàn nhậu, hiện nay các mặt hàng là sản phẩm được “chế biến” từ động vật hoang dã còn được bán trôi nổi trên thị trường như: Sừng tê giác, móng cọp, móng beo, lông đuôi voi, ngà voi… Những sản phẩm này được bày bán công khai ở những gian hàng lưu niệm trên đường Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh (TP.Buôn Ma Thuột). Chúng cũng được người dân đồn thổi nhiều quan niệm về tâm linh khiến trở nên đắt đỏ…
Trao đổi với PV về tình trạng mua bán, giết mổ động vật hoang dãquý hiếm, ông Đỗ Quang Tùng – Giám đốc vườn Quốc Gia Yok Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Tất cả các hành vi săn bắt, buôn bán, giết mổ động vật hoang dã quý hiếm trái pháp luật phải được xử lý nghiêm. Đối với các đối tượng vi phạm hành vi trên, tùy theo mức độ, cơ quan chức năng sẽ xử phạt theo quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng trên địa bàn phải có trách nhiệm kiểm tra, quản lý và ngăn chặn các trình trạng mua bán, săn bắt, giết mổ động vật quý hiếm. Khi phát hiện sự việc phải báo cho đơn vị kiểm lâm gần nhất để phối hợp xử lý”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đào Chí, Chi cục phó chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk thông tin, bộ Công Thương vừa có công văn triển khai kết quả hội nghị quốc tế về chống buôn bán trái phép các loại động, thực vật hoang dã. Thực hiện chỉ đạo, chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã có công văn yêu cầu các đội Quản lý thị trường thực hiện nghiêm túc”.
Lãnh đạo chi cục Quản lý thị trường Đắk Lắk cũng cho biết sẽ tiến hành kiểm tra, khảo sát thị trường. Theo đó, nếu phát hiện cơ sở, tổ chức nào có dấu hiệu vi phạm như tàng trữ, buôn bán, giết mổ động vật hoang dã hay các vật phẩm liên quan động vật hoang dã, chi cục Quản lý thị trường sẽ báo cáo cho cơ quan kiểm lâm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm
Để chống buôn bán trái phép các loại động, thực vật hoang dã, ông Nguyễn Đào Chí cho hay, sẽ thực hiện nhiều giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật. Tăng cường quản lý địa bàn, chủ động phối hợp với các cơ quan liên ngành tại địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động bày bán, buôn bán qua mạng, quảng cáo, sử dụng trái phép mẫu vật sừng tê giác, ngà voi… trong thị trường nội địa. Đặc biệt, chú ý các lối ra vào là cửa khẩu bao gồm cả hàng không và đường bộ. Tích cực phối hợp với cơ quan truyền thông thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng chống buôn bán trái pháp luật các loài động vật hoang dã. |