ThienNhien.Net – Năm 2016, thiên tai xảy ra với mức độ đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn cả nước, gây thiệt hại lớn về người và của, ảnh hưởng tăng trưởng của nền kinh tế, làm mất đi hai tỷ USD, tương đương gần 1% GDP của cả nước. Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai ngày càng cực đoan, trong mùa mưa, lũ năm nay, đòi hỏi công tác phòng, chống phải được đặc biệt quan tâm.
Cảnh báo lũ sớm, lũ lớn
Theo Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư Hoàng Đức Cường, mùa mưa bão năm nay, trên Biển Đông bão khả năng xuất hiện sớm và nhiều hơn so trung bình nhiều năm (TBNN), ảnh hưởng nhiều đến khu vực phía nam. Thêm vào đó, mùa mưa năm 2017 trên sông Cửu Long đến sớm. Lượng mưa tháng 6 và tháng 7 ở khu vực thượng lưu sông Mê Công ít hơn so TBNN, hạ lưu xu hướng mưa sẽ nhiều hơn. Tây Nguyên và Nam Bộ mưa sẽ nhiều hơn trong các tháng 8, tháng 9.
Do mưa lớn, lũ đầu nguồn sông Cửu Long khả năng đến sớm, đến cuối tháng 7, mực nước trên sông Tiền tại trạm Tân Châu, sông Hậu tại trạm Châu Đốc có khả năng ở mức 2,5 đến 3 m. Đỉnh lũ năm 2017 tại đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng tương đương TBNN và ở mức báo động 2, báo động 3 (sông Tiền tại Tân Châu 4 đến 4,5 m, sông Hậu tại Châu Đốc 3,5 đến 4 m). Điều đáng nói, tuy đỉnh lũ ở mức TBNN nhưng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lũ lên nhanh hơn bình thường, do mưa lớn tập trung kết hợp điều tiết dòng chảy từ thượng lưu. Thời gian xuất hiện mực nước cao nhất trong năm có khả năng vào nửa đầu tháng 10-2017.
Trước nguy cơ về khả năng lũ sớm, lũ lớn, Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai nhận định, trường hợp xảy ra lũ sớm (7-2017) tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thì cấp độ rủi ro thiên tai còn ở mức thấp. Tuy nhiên, những vùng thấp trũng ngoài đê bao của các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, Long An sẽ bị ngập. Khi có lũ lớn (tháng 10-2017), với hệ thống đê bao như hiện nay, cần đặc biệt quan tâm các vùng đê bao xung yếu, vùng trũng, vùng ven sông, vùng cù lao… các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An. Thực tế cho thấy, tuy lũ chưa về nhưng nhiều điểm đã và đang sạt lở, nguy cơ sẽ tiếp tục sạt lở khi có mưa, lũ lớn do xu thế giảm của hàm lượng và tổng lượng phù sa từ sông Mê Công, góp phần tăng nguy cơ sạt lở ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Phát huy nội lực, chủ động phòng, tránh
Nhằm giảm thấp nhất thiệt hại do lũ, ngập lụt có thể gây ra, các nhà khoa học cho rằng, các địa phương cần theo dõi sát tình hình thời tiết, thủy văn lưu vực sông Mê Công thông qua bản tin dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, để chủ động ứng phó kịp thời. Đặc biệt, cần quan tâm vùng đê bao xung yếu, vùng trũng, vùng ven sông, vùng cù lao… nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các cụm, khu dân cư, vùng sản xuất nông nghiệp; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó thiên tai, lũ lụt…
Tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ: Để có kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp quốc gia tốt, chúng ta không chỉ dựa vào chuyên gia và nguồn vốn nước ngoài, mà cần biết cách huy động các chuyên gia trong nước, các bộ, ngành, địa phương cùng chung sức xây dựng. Tuy nhiên, công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua còn nhiều hạn chế, trong bối cảnh kế hoạch Phòng chống thiên tai cấp quốc gia chưa xây dựng xong, mặc dù Luật Phòng chống thiên tai ra đời từ năm 2014. Có thực trạng, một số bộ, ngành còn chưa quan tâm xây dựng kế hoạch phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, việc thực hiện phương châm “Bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) còn mang tính hình thức ở nhiều nơi.
Thêm vào đó, cần xác định việc phòng, chống thiên tai không chỉ là của cả hệ thống chính trị mà phải dựa vào người dân, doanh nghiệp, với tinh thần trước hết là bảo đảm an toàn cho chính mình và gia đình. Cần rà soát xây dựng phương án nhiệm vụ ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các bộ, ngành, địa phương năm 2017. Đặc biệt, địa phương xây dựng sát thực tiễn tình hình, phát huy tốt vai trò thường trực của các lực lượng.
Từ thực tiễn trong những năm có lũ lớn cho thấy, công tác phòng, chống thiên tai phải lấy phòng ngừa là chính, phải dựa vào người dân và chính quyền cơ sở. Bởi vậy, đầu tư trong giai đoạn phòng ngừa sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so giai đoạn ứng phó, khắc phục hậu quả.
Trước mắt, các bộ, ngành từ T.Ư đến địa phương cần triển khai ngay việc rà soát công trình phòng, chống thiên tai, khu dân cư, vùng kinh tế trọng điểm, cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng hoặc tăng nguy cơ rủi ro thiên tai, công trình đang thi công để chỉ đạo, xây dựng phương án, bố trí vật tư, nhân lực, xử lý bảo đảm an toàn… Đề xuất hỗ trợ ứng phó khẩn cấp đúng quy định của Chính phủ đã ban hành; rà soát, xây dựng thực hiện kế hoạch di dời dân vùng có nguy cơ cao rủi ro thiên tai; chuyển đổi sản xuất phù hợp đặc điểm tự nhiên của khu vực và tình hình thiên tai…