ĐBSCL trước thách thức an ninh nguồn nước

ThienNhien.Net – Theo Ủy ban về Nước của Liên Hợp Quốc (UN-Water), an ninh nguồn nước không đơn thuần là khả năng tiếp cận được nguồn nước của một cộng đồng dân cư. Thay vào đó, an ninh nguồn nước của một quốc gia, một khu vực chỉ được đảm bảo khi cộng đồng dân cư có đủ nguồn nước với chất lượng cần thiết cho phép “duy trì sinh kế, phục vụ nhu cầu cá nhân, phát triển kinh tế xã hội và bảo tồn các hệ sinh thái.” Nói cách khác, an ninh nguồn nước không chỉ ở việc chúng ta có thể khai thác được bao nhiêu nước mà còn ở việc chất lượng nguồn nước đó có đảm bảo cho sinh hoạt, cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, vận chuyển hàng hải, và cho mục đích bảo tồn các khu rừng cùng hệ thủy sinh hay không?

Hạn hán ở ĐBSCL khiến hàng ngàn ha lúa và hoa màu của người dân bị thiệt hại (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

An ninh nguồn nước là một vấn đề có liên hệ mật thiết đến nhiều khía cạnh xã hội, từ nhân quyền (quyền được đảm bảo các nhu cầu tối thiểu để duy trì cuộc sống và sự thịnh vượng của con người/human well-being), sản xuất lương thực – thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái cho đến khía cạnh ổn định chính trị – xã hội. Vì vậy, đảm bảo an ninh nguồn nước chính là nhiệm vụ trọng tâm nhất cho phép mỗi quốc gia đạt được những mục tiêu an ninh lớn hơn về lương thực, kinh tế, phát triển bền vững và trật tự xã hội.

Theo cách tiếp cận này, có thể thấy rằng an ninh nguồn nước ở ĐBSCL đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trước thập niên 2000, ĐBSCL được xem là khu vực có an ninh nguồn nước cao nhất Việt Nam. Tài nguyên nước ở vùng đồng bằng châu thổ này khá đa dạng, gồm nước mặt (sông, hồ, biển), nước ngầm và nước mưa, với trữ lượng rất dồi dào và chất lượng đảm bảo cho các nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên.

Tổng hợp các số liệu thống kê từ các địa phương cho thấy ĐBSCL có trữ lượng nước dưới đất cao bậc nhất nước ta với mức 10-13 tỷ m3/năm, trong đó trữ lượng khai thác cấp A khoảng 110-120.000 m3/ngày đêm, cấp B khoảng 300-350.000 m3/ngày đêm và cấp C là trên 600.000 m3/ngày đêm. Tài nguyên nước mặt lại rất phong phú nhờ nguồn nước từ sông Mê Kông đổ về liên tục, mùa mưa kéo dài 4-6 tháng và mạng lưới sông rạch, kênh đào dày đặc. Các nguồn cung từ nước sông Mê Kông và nước mưa theo mùa không chỉ đáp ứng 70-80% nhu cầu sinh hoạt của hơn 10 triệu dân trong vùng mà còn đóng vai trò quyết định trong sản xuất (thau chua, rửa mặn) và bảo tồn các hệ sinh thái trọng yếu. Riêng nguồn nước từ sông Mê Kông còn chứa đựng nguồn dinh dưỡng thiết yếu và tài nguyên cát sông dồi dào. Ngoài ra, nguồn nước mặt ven biển và cửa sông còn là một tài nguyên quan trọng cho hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản và sự mở rộng của hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Tuy nhiên, từ giữa cuối thập niên 2000 trở lại đây, nguy cơ mất an ninh nguồn nước ở ĐBSCL ngày rõ rệt. Nguồn nước ngầm hiện bị suy thoái và ô nhiễm nghiêm trọng trên diện rộng. Mùa mưa diễn biến không còn theo quy luật, kéo theo những thay đổi đáng kể về phân bố lượng mưa và trữ lượng nước mưa, theo hướng giảm dần. Đặc biệt, những năm bị ảnh hưởng của hiệu ứng El Nino, phần lớn vùng ĐBSCL chìm trong “cơn khát” do khô hạn và mùa mưa bị rút ngắn. Đáng ngại hơn, nguồn cung nước trọng yếu nhất cho ĐBSCL nằm ở sông Mê Kông lại đang bị chặn dòng vô tội vạ từ thượng nguồn, khiến cho lưu lượng dòng chảy không ổn định và trữ lượng phù sa về đồng bằng liên tục giảm mạnh.

Số liệu từ Ủy hội sông Mê Kông cho thấy cuối thập niên 1990, lượng phù sa về đến ĐBSCL vẫn rất cao, đạt 140-160 triệu tấn/năm, nhưng đến đầu thập niên 2010 chỉ còn lại 70-75 triệu tấn/năm và dự báo sẽ còn tiếp tục giảm mạnh trong những năm tới. Thiếu hụt phù sa từ sông Mê Kông đổ về đã dẫn đến sạt lở nghiêm trọng trên hầu hết các sông rạch, cửa sông và bờ biển khắp đồng bằng với tổng chiều dài gần 1.200km[1]

Bên cạnh vấn đề thiếu phù sa, một số vùng nước lợ nuôi tôm ven biển ở Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu… và vùng biển Tây thuộc Kiên Giang cũng trở nên ô nhiễm khiến dịch bệnh xuất hiện liên tục, gây thiệt hại với quy mô hàng trăm nghìn hecta mỗi năm.

Ba yếu tố uy hiếp an ninh nguồn nước Đồng bằng Sông Cửu Long

Từ quan điểm nghiên cứu an ninh môi trường kết hợp diễn biến thực tế ở ĐBSCL, có thể thấy tình trạng mất an ninh nguồn nước gây ra bởi ba yếu tố trực tiếp gồm nguyên nhân từ biến đổi khí hậu, nguyên nhân bên ngoài, từ phía thượng nguồn và các nguyên nhân nội tại – do chính chúng ta gây ra. Các nguyên nhân này có nguồn gốc và mức độ tác động khác nhau, tuy nhiên khi xuất hiện cùng thời điểm sẽ tạo ra tác động cộng hưởng rất nghiêm trọng. Điều này lý giải tại sao vùng đất từng được mệnh danh là “thế giới sông nước” hay cái nôi của “văn minh sông nước – miệt vườn” nhưng chỉ trong vài năm trở lại đây đã mau chóng đối mặt với thách thức mất an ninh nguồn nước một cách báo động.

Nguyên nhân tự nhiên

Biến đổi khí hậu đang tạo ra những thay đổi đáng kể về thời tiết và môi trường ở ĐBSCL. Tình trạng xuất hiện liên tục các hiệu ứng thời tiết cực đoan như khô hạn kéo dài (El Nino) cùng với thay đổi chế độ và lưu lượng mưa trung bình năm đã làm thiếu hụt nghiêm trọng lượng nước ngọt cần thiết tích trữ cho vùng. Trong khi đó, sự gia tăng mực nước biển cho phép nước mặn ngày một xâm lấn vào sâu trong nội địa, nhất là vào thời điểm mùa khô. Kết quả là nguồn nước ngầm và nước mặt ở các sông, hồ sẽ không tránh khỏi bị nhiễm mặn và lan tỏa ra phạm vi xung quanh. Chẳng hạn, vào thời điểm hạn lịch sử năm 2016, nước mặn đã mau chóng xâm nhập vào tận các xã thuần ngọt ở Trần Văn Thời (Cà Mau) và Chợ Lách (Bến Tre). Do không nắm được diễn biến này, nhiều hộ dân theo thói quen đã lấy nước từ các kênh rạch để tưới tiêu dẫn đến thiệt hại trên diện rộng.

Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng biến đổi khí hậu là một quá trình diễn ra chậm rãi. Vì vậy, tình trạng mất an ninh nguồn nước diễn biến đột ngột ở ĐBSCL cần phải được xem xét nhiều hơn ở hai nhóm nguyên nhân sau đây.

Nguyên nhân từ thượng nguồn sông Mê Kông

Đập thủy điện, các hồ chứa nhân tạo và các dự án chuyển nước trên dòng chính sông Mê Kông liên tục được triển khai trong hai thập kỷ trở lại đây là nguyên nhân trực tiếp gây ra thực trạng mất an ninh nguồn nước ở ĐBSCL. Như đã đề cập, các dự án này không chỉ khiến lưu lượng nước ở hạ lưu sông Mê Kông bị biến động, mà đáng quan ngại hơn chất lượng của nguồn nước cũng không đáp ứng được các yêu cầu đảm bảo sinh kế, phát triển và bảo tồn sinh thái.

Cụ thể, lượng phù sa sông Mê Kông liên tục bị giữ lại khi đi qua các bậc thang thủy điện Theo tính toán mô hình, nếu cả 9 con đập dòng chính trên lãnh thổ Lào tiếp tục được triển khai, tổng lượng phù sa vốn có của sông Mê Kông khi về đến ĐBSCL giảm chỉ còn 5-7% (tương đương 10-13 triệu tấn/năm). Lượng phù sa này rõ ràng không đáng là bao so với nhu cầu tối thiểu 120-130 triệu tấn/năm để làm màu mỡ các cánh đồng và bồi đắp, duy trì hình dạng bờ biển ở ĐBSCL.

Thêm vào đó, các hồ thủy điện dù với công nghệ nào cũng tạo ra sự biến đổi chắc chắn không thể phục hồi đối với hệ thủy sinh trên sông Mê Kông. Cụ thể, một lượng lớn các loài cá sẽ không thể di chuyển tự do giữa các vùng để di trú và sinh sản. Theo các nghiên cứu Costanza (2014) và Chiang Rai (2015) cho kịch bản Lào sẽ xây dựng 6-9 đập thủy điện cho thấy bản thân Lào cũng sẽ bị ảnh hưởng với mức tổn thất trong ngư nghiệp giảm từ 220.000 tấn/năm còn 40.000 – 50.000 tấn/năm. Nhưng là nước cuối nguồn, Việt Nam sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng nhất: sản lượng đánh bắt ngư nghiệp của Việt Nam giảm từ 340.000 tấn xuống còn 60.000 tấn/năm và mức tổn thất kinh tế của Việt Nam từ thất thoát phù sa là khoảng 120-205 triệu USD/năm lần lượt với kịch bản 6 và 9 đập thủy điện ở Lào.

Một vấn đề rất đáng lưu tâm nữa chính là tình trạng ô nhiễm phát thải từ các đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp ở thượng nguồn. Do nhu cầu thúc đẩy giao thương và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, hàng loạt cảng sông, công xưởng và nhà máy do Trung Quốc tài trợ đang và sẽ được triển khai dọc sông Mê Kông thuộc Lào, Thái Lan và Campuchia. Một phần lớn chất thải, nhất là chất thải công nghiệp giấy, khai khoáng… ở Lào và Campuchia, khi đổ vào sông Mê Kông sẽ gây ra ô nhiễm nguồn nước, phơi nhiễm vào nguồn thủy sinh (các đàn cá di trú), từ đó sẽ lan tỏa dần về hạ lưu. Sự hiện diện gia tăng và mở rộng ảnh hưởng kinh tế mau chóng của Trung Quốc ở các nước dọc sông Mê Kông cùng với các bài học về Formosa, sông Thị Vải… đủ cơ sở để cho thấy một nguy cơ mới đe dọa nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của gần 20 triệu dân ĐBSCL.

Nguyên nhân nội tại

Thẳng thắn nhìn nhận có thể thấy việc suy giảm an ninh nguồn nước ở ĐBSCL một phần là do chính những yếu tố nội tại gây ra trong đó nổi bậc nhất là vấn đề quản lý không hiệu quả tài nguyên nước và quy hoạch công nghiệp thiếu bền vững.

Bắt đầu từ các nỗ lực chống lũ, mạng lưới đê bao và cống ngăn lũ được xây dựng đồng loạt ở phạm vi rộng lớn hai bên bờ sông Tiền và sông Hậu. Chỉ sau vài năm, nỗi lo thoái hóa đất nông nghiệp đã mau chóng hiển hiện ở ĐBSCL. Do bị cách ly với nguồn phù sa từ mùa lũ, nhiều cánh đồng bị bạc màu dưới sức ép tăng vụ và xen canh liên tục. Để duy trì sản lượng, nông dân bắt đầu lạm dụng phân bón và hóa chất trên khắp các cánh đồng. Hệ lụy có thể thấy rõ là lượng tôm cá tự nhiên hoàn toàn kiệt quệ do nguồn nước bị ô nhiễm nặng.

Ở các khu vực chuyên canh tôm hoặc luân canh lúa tôm từ Bến Tre kéo dài đến Kiên Giang, nhiễm mặn và thiết hụt nước mưa để rửa mặn đã không chỉ khiến mô hình lúa-tôm bị thất bại mà còn khiến hệ sinh thái nước ngọt bị hủy hoại. Để có đủ nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất, “lợ hóa” các đầm tôm có nồng độ mặn vượt ngưỡng cho phép, người dân và doanh nghiệp thủy sản nhiều năm qua đã khai thác tràn lan nguồn nước ngầm trong khi chính quyền địa phương gần như không quản lý được. Chỉ tính riêng ở Cà Mau – nơi có tốc độ sụt lún nền đất cao nhất ĐBSCL – tổng số giếng khoan được cấp phép lên đến con số gần 109.000 với tổng công suất khai thác từ 370 – 400.000 m3/ngày đêm trong khi số lượng giếng khoan tự phát rất lớn trong dân còn chưa thống kê được. Khi nguồn nước ở các bãi giếng bị hút cạn kiệt, người dân và doanh nghiệp sẽ chọn lựa khoan giếng mới, để lại trên mặt đất những lỗ khoan chi chít càng khiến cho các nguồn ô nhiễm và nước mặn dễ dàng thấm sâu vào các tầng nước trong lòng đất.

Thêm vào đó, việc lựa chọn các ngành công nghiệp phát thải ô nhiễm cao như sản xuất – tái chế giấy, vật liệu xây dựng, nhiệt điện, bia rượu… để thu hút đầu tư vào ĐBSCL là một bước đi không bền vững, thu hẹp diện tích đất nông nghiệp màu mỡ (do các dự án này thường thu hồi đất ở ven sông Tiền, sông Hậu – nơi được phù sa bồi đắp thuận lợi nhất) và đặt ra nhiều nguy cơ “mất trắng” nguồn nước ngọt trên quy mô rộng lớn. Rõ ràng, lợi ích giải quyết việc làm cho vài ngàn lao động với mức lương hạn hẹp trong các dự án này không thể đánh đổi với lợi ích kinh tế, sinh thái và an ninh nguồn nước của vùng nông sản lớn nhất cả nước.

Nguy cơ hiện hữu và hướng đi nào cho ĐBSCL?

Sự kiện hạn – mặn lịch sử năm 2016 dẫn đến khủng hoảng nguồn nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất của hơn 1 triệu dân vừa là minh chứng vừa là lời cảnh báo đắt giá cho thấy khả năng tiếp cận và khai thác đối với tài nguyên nước của cư dân ĐBSCL không bền vững như lầm tưởng. Tất cả các nguồn tài nguyên nước ở ĐBSCL, từ nước ngọt đến nước mặn, đều có giá trị rất lớn cho sự sống và sinh kế của gần 20 triệu dân và các hệ sinh thái trọng yếu. Đây cũng là yếu tố đảm bảo an ninh lương thực cho cả Việt Nam và nhiều khu vực trên thế giới. Vì vậy, thực trạng nguồn nước bị ô nhiễm và thiếu thốn ngày càng tăng như hiện nay sẽ dễ dàng dẫn đến các nguy cơ mất an ninh lương thực, bất ổn xã hội và kéo giảm tăng trưởng kinh tế địa phương.

Cụ thể, mất an ninh nguồn nước sẽ đẩy một bộ phận dân cư di chuyển đến các khu vực thành thị để chuyển đổi sinh kế và tiếp cận nguồn nước tốt hơn. Sự biến động dân số cơ học như vậy sẽ tạo ra áp lực việc làm, phúc lợi xã hội ở nơi tiếp nhận trong khi thiếu hụt nhân lực ở nơi chuyển cư. Chất lượng nguồn nước suy giảm (do thiếu phù sa, dịch bệnh…) còn khiến năng suất và sản lượng nông-ngư nghiệp suy giảm. Điều này càng khiến việc lạm dụng hóa chất nông nghiệp nhiều hơn và do đó, tài nguyên nước càng thêm bị ô nhiễm và thu hẹp cơ hội sử dụng. Tương lai khan hiếm nước trong sản xuất và sinh hoạt, vì thế, càng khó có thể phủ nhận. Thêm vào đó, việc các nhà máy, khu công nghiệp có mức độ phát thải ô nhiễm cao cùng chia sẻ nguồn nước nông nghiệp với cộng đồng địa phương trên các sông rạch sẽ sớm tạo ra xung đột lợi ích kinh tế giữa các bên. Khi sinh kế của người dân bị ảnh hưởng, việc đấu tranh phản đối gây mất an ninh trật tự là điều khó tránh khỏi.

Ngoài ra, suy giảm nguồn nước ngầm và thiếu hụt lượng phù sa từ sông Mê Kông còn gây ra hệ lụy trực tiếp về tự nhiên như sạt lở, sụt lún nền đất quy mô lớn, thu hẹp các hệ sinh thái cửa sông và ven biển, gây biến dạng và tan rã đối với ĐBSCL. Đây là một hệ lụy thực tế mà chúng ta đang gánh chịu bắt nguồn từ thực trạng mất an ninh nguồn nước.

Trong lúc tìm kiếm một giải pháp đồng bộ và khả thi, đã đến lúc chính quyền địa phương cần xem lại bài toán thỏa hiệp giữa môi trường và kinh tế để đảm bảo sự cân bằng an ninh nước bền vững; quy hoạch đô thị hóa thân thiện môi trường; phục hồi độ che phủ rừng cây và ngăn chặn việc tận thu nguồn nước ngầm. Đồng thời, cần cân nhắc “xã hội hóa” an ninh nước – trao quyền cho các bên liên quan nhằm thúc đẩy trách nhiệm trong vấn đề bảo vệ và khai thác bền vững tài nguyên nước.

Nguyễn Minh Quang – Thạc sĩ nghiên cứu an ninh môi trường, Khoa Sư phạm – Đại học Cần Thơ


[1] Trong đó, sạt lở bờ sông khoảng 600km trên các con sông thuộc nhóm sông Tiền, sông Hậu; gần 200km sạt lở nhóm sông độc lập với sông Tiền sông Hậu (kênh đào nội bộ Tứ Giác Long Xuyên, U Minh Thượng – U Minh Hạ, và các sông rạch theo chế độ bán nhật triều ở Bán đảo Cà Mau); cùng gần 400km sạt lở bờ biển.

Nguồn: