Khu bảo tồn biển Hòn Mun bị xâm hại

ThienNhien.Net – Rạn san hô bị hư hại, đứt gãy, mắc đầy rác thải; cá ít dần do nạn săn bắt cá trộm… Đó là hình ảnh xấu xí mà hướng dẫn viên lặn biển Khu bảo tồn biển Hòn Mun (vịnh Nha Trang, Khánh Hòa) ghi lại, chứng tỏ công tác quản lý đối với khu bảo tồn này đang bị xem nhẹ, buông lỏng. Trong khi đó, khu bảo tồn này đã được điều tiết bởi Luật Di sản.

Rác đầy dưới đáy biển ở Khu bảo tồn biển Hòn Mun. Ảnh: M.T

Mạnh ai nấy phá hoại?

Ông Nguyễn Thúc Quân (Việt kiều Mỹ) cho biết, ông đi rất nhiều nước và thấy ở Hòn Mun có hệ sinh thái đa dạng, phong phú. Đặc biệt là nước biển trong sạch hơn nhiều điểm khách trên thế giới. Tuy nhiên, việc du khách đến đây quá đông đã làm tăng ô nhiễm. “Tôi thấy tiếc cho Hòn Mun. Trên bờ thì khách ăn uống xả rác bừa bãi, công tác thu gom dường như bị “treo”. Còn dưới biển, rác mắc vào san hô mà không thấy ai xử lý, san hô nhiều nơi hư hại” – ông Quân nhận xét.

Gần đây nhất, ông N.H.M.T, một hướng dẫn viên lặn biển ở Nha Trang rất bức xúc và đưa nhiều hình ảnh san hô chụp ở khu vực phía bắc và phía nam trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn biển Hòn Mun. Hình ảnh cho thấy rạn san hô bị hư hại, đứt gãy, mắc đầy rác thải. “Cá thì mất dần, san hô thì chết héo, đáy biển toàn rác, nạn săn bắt cá trộm, chia khu và cấm cản khu vực còn dành riêng cho đánh bắt cá bằng lưới công khai…” – ông T bức xúc. Ông T không ngần ngại chỉ trích cả những hướng dẫn viên lặn biển thiếu ý thức. Minh chứng là trên trang Facebook cá nhân, ông T đăng tải một video clip do một người nước ngoài ghi lại hình ảnh một hướng dẫn viên du lịch đang lặn biển và dùng một vật dụng gì đó đục bể san hô chỉ để bắt một con ốc clamp bé tí (ốc tai nghé).

“Các bạn có biết rằng để hình thành 1 nhánh san hô chúng ta phải chờ rất lâu. Vì san hô chỉ lớn lên khoảng từ 1-2cm trong 1 năm. Vì vậy các bạn hãy nâng cao ý thức, tăng cường bảo tồn để chúng ta còn thấy rạn san hô, còn thấy cá bơi lội tung tăng mỗi khi đi lặn và để những đời sau họ còn có thể ngắm được rạn san hô mà chúng ta đang cố gìn giữ. Nếu không còn rạn san hô thì hậu quả này không chỉ các bạn, chúng tôi phải gánh chịu, mà biển sẽ bị mất cân bằng sinh thái. Không có san hô thì sẽ không có cá và sẽ không còn gì để các bạn cho khách của mình xem khi tham gia lặn tại đây. Như vậy chẳng khác gì vì miếng ăn của mình mà các bạn đã hủy hoại môi trường biển, hủy hoại ngành du lịch lặn biển” – ông T chỉ trích.

Phải tuân thủ Luật Di sản

Khu bảo tồn biển Hòn Mun có diện tích khoảng 160km2, trong đó Hòn Mun là đảo có đa dạng sinh học nhiều nhất nên được nhiều du khách lựa chọn tham quan. Ban Quản lý vịnh Nha Trang cho rằng hiện nay rác thải, nguồn rác này từ con sông Quán Trường, sông Cái và ven biển đều đổ ra vịnh Nha Trang. Bên cạnh đó, Ban quản lý cũng thừa nhận việc du khách đến quá đông, nhiều du khách thiếu ý thức xả rác thải bừa bải, giẫm đạp, làm gãy san hô. Ban phải vây phao cho du khách tắm giảm thiểu ít nhất đến khu bảo tồn. Ban cũng thực hiện công tác tuần tra 24/24 giờ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun và toàn vịnh Nha Trang. Qua đó, ban đã phát hiện lập 9 biên bản nhắc nhở các tàu du lịch. Xử lý hàng chục trường hợp vi phạm về đánh bắt thủy sản, mức phạt cao 25 triệu đồng/ trường hợp.

“Ban đã cũng đề xuất UBND tỉnh cho triển khai các đề án nghiên cứu sức tải trong khu bảo vệ nghiêm ngặt để nghiên cứu lượng khách, lượng tàu đến khu bảo tồn biển bao nhiêu là đủ, chứ không thể tới bao nhiêu là tiếp bấy nhiêu được. Nói là quá tải thì phải có cơ sở khoa học để đánh giá, chứng minh. Bên cạnh đó, Ban quản lý cũng phối hợp với Viện Hải dương học đánh giá lại hiện trạng đa dạng sinh học, cứ 2 năm một lần. Các nhà khoa học cũng đánh giá đa dạng sinh học ở đây còn giữ được hệ sinh thái” – đại diện Ban quản lý Vịnh Nha Trang đánh giá.

Trong khi đó, ngày 17.2, UBND tỉnh Khánh Hòa có thông báo với nội dung đồng ý đề nghị của Công ty Hòn Tằm sử dụng kinh phí doanh nghiệp khảo sát, nghiên cứu thực tế, đề xuất đề án quản lý, bảo tồn, phát triển bền vững Hòn Mun với yêu cầu bảo đảm mục đích bảo tồn nguyên trạng, tôn tạo và phát triển bền vững hệ sinh thái, nguồn tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan môi trường… Việc khai thác du lịch sinh thái trong Khu bảo tồn biển Hòn Mun phải phù hợp, bảo đảm yêu cầu, mục đích, nguyên tắc về quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phát triển bền vững Khu Bảo tồn này. Cơ chế được đưa ra là Nhà nước thống nhất quản lý, giám sát đối với tất cả hoạt động, kể cả việc xã hội hóa một phần trong công tác quản lý, bảo tồn, khai thác du lịch ở khu bảo tồn biển này.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tác An – Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang – cho rằng, vịnh Nha Trang là Danh thắng quốc gia, việc xây dựng trên KBTB Hòn Mun phải tuân thủ đúng Luật Di sản. Mọi hoạt động xây dựng tác động vào hiện trạng đều bị cấm. “Dù UBND tỉnh có chủ trương, doanh nghiệp muốn làm nhưng phải đúng luật pháp trước đã. Phải hỏi ý kiến Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch và được bộ đồng ý bằng văn bản. Bên cạnh đó, Chính phủ đã có Quy chế Quản lý các khu bảo tồn biển Việt Nam có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế thì phải tuân thủ nghiêm ngặt” – ông An cho hay.

Thiết thực chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp; nhằm tôn vinh những sáng kiến hay, những người lao động giỏi; điều tra và phát hiện những bất cập để tạo ra tiếng nói với tổ chức Công đoàn xung quanh những vấn đề của người lao động hằng ngày.

Nguồn: