ThienNhien.Net – Thay vì thực hiện dự án khai thác nhựa thông, bảo vệ và phát triển rừng thì một doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông lại phá rừng, lấy đất bán cho người dân. Chủ doanh nghiệp này là vợ nguyên phó giám đốc công an tỉnh
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông vừa quyết định thành lập đoàn thanh tra toàn diện việc triển khai thực hiện dự án quản lý kinh doanh rừng và đầu tư sản xuất nông – lâm nghiệp của Công ty TNHH Thương mại Nguyên Vũ (gọi tắt là Công ty Nguyên Vũ; xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông). Công ty Nguyên Vũ do bà Nguyễn Thị Kim Thoa (vợ ông Lương Ngọc Lếp, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông – PV) làm giám đốc.
Bán đất rừng, thu tiền tỉ
Đầu năm 2016, UBND tỉnh Đắk Nông cho Công ty Nguyên Vũ thuê hơn 162 ha rừng nằm dọc Quốc lộ 28 (xã Quảng Sơn), trong đó có hơn 156 ha rừng thông. Theo quyết định cho thuê, công ty này chỉ được sử dụng vào mục đích quy hoạch quản lý khai thác nhựa thông, trồng bơ, trồng và chăm sóc rừng trồng.
Tuy nhiên, hiện trên diện tích rừng thông giao cho Công ty Nguyên Vũ, nhiều cây thông bị đốn hạ, bị đốt cháy trơ trụi. Một số diện tích đã được người dân đào hố để trồng tiêu, cà phê…
Trong đợt kiểm tra mới đây, đoàn liên ngành của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông đã phát hiện diện tích rừng giao cho Công ty Nguyên Vũ giảm mạnh, khoảng 60% diện tích rừng thông đã chết. Tại thời điểm kiểm tra, trên đất dự án công ty này “mọc lên” 4 ngôi nhà xây kiên cố và bán kiên cố, 7 ngôi nhà gỗ và lợp tôn. Ngoài ra, còn có tình trạng sang nhượng đất trái phép trên khu vực dự án.
Khi được hỏi về nguồn ngốc đất, ông Chu Văn Chung (ngụ thôn Quảng Hợp, xã Quảng Sơn) đã cung cấp một mảnh giấy thể hiện việc nhận đất và giao tiền có chữ ký với bên bán là ông Phan Thành Nghĩa (quản lý của Công ty Nguyên Vũ). Còn theo ông Lê Đình Thi (xã Quảng Sơn), vào tháng 2-2017, Công ty Nguyên Vũ đã bán cho gia đình ông 5 sào đất rừng với số tiền 200 triệu đồng. Người nhận tiền cũng là ông Nghĩa. Tương tự, giấy viết tay mua đất rừng giữa ông Lương Hữu Dũng (xã Quảng Sơn) với Công ty Nguyên Vũ cũng do ông Nghĩa đại diện công ty đã bán cho ông Dũng 1 ha đất rừng với giá 300 triệu đồng.
Lý giải về việc bán đất rừng trái phép, bà Nguyễn Thị Kim Thoa khẳng định do gia đình bận đi công tác xa nên từ ngày 25-3 đến 20-4-2016, bà đã ủy quyền cho ông Nghĩa điều hành công ty tạm thời. Trong thời gian này, ông Nghĩa đã lấy đất của công ty bán cho nhiều người dân để trục lợi cá nhân và bà không biết.
Trong khi đó, ông Nghĩa thừa nhận mình là người trực tiếp bán đất rừng, nhận tiền, đồng thời cho biết đã bán 7 lô đất lâm nghiệp với tổng diện tích 6,4 ha của Công ty Nguyên Vũ cho 13 hộ dân xã Quảng Sơn, thu được hơn 2,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Nghĩa lại cho rằng việc bà Thoa ủy quyền điều hành công ty là cài bẫy để đẩy hết trách nhiệm cho ông. Thực tế, ông bắt đầu bán đất cho dân từ đầu năm 2016 đến nay chứ không riêng gì thời gian được ủy quyền.
Sau khi mua đất, người dân dùng máy múc gốc thông và trồng cây nhưng công ty không hề ngăn chặn. Nếu không có sự thỏa thuận của công ty, người dân có canh tác được không?
Cán bộ, công an dính líu đến đất rừng
Sau khi có chỉ đạo đóng cửa rừng của Chính phủ, tỉnh Đắk Nông đã quyết liệt vào cuộc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng. Đặc biệt, đã đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc cho thấy có sự buông lỏng quản lý, tiếp tay cho lâm tặc của cán bộ để phá rừng và mua bán đất rừng trái phép.
Ông Lê Diễn, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông, khẳng định trước tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng xảy ra nghiêm trọng, Tỉnh ủy Đắk Nông đã thành lập một ban chỉ đạo do bí thư Tỉnh ủy đứng đầu tập trung xử lý, ngăn chặn đà suy giảm của rừng trên toàn tỉnh. “Trong nhiều nguyên nhân khiến rừng bị mất có tình trạng cán bộ dính líu tiêu cực, trong đó có những cán bộ công an, cán bộ nguyên lãnh đạo” – ông Lê Diễn nói.
Trước thực trạng này, đầu năm 2017, Tỉnh ủy Đắk Nông đã yêu cầu thành lập ban chuyên án, làm rõ các băng nhóm bảo kê phá rừng và xử lý các cán bộ tham gia phá rừng, mua bán đất rừng trái phép.
Quá trình điều tra cho thấy trong thời gian làm Trưởng Công an huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông), đại tá Lê Ân Tình đã nhận hàng chục hecta rừng từ Công ty Lâm nghiệp Thuận Tân rồi chuyển nhượng lại cho người khác canh tác. Hay trường hợp của ông Nguyễn Thanh Sơn – nguyên ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Nông – được cấp nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hàng chục hecta đất rừng tại xã Trường Xuân, huyện Đắk Song.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, tỉnh Đắk Nông cũng phát hiện nhiều cán bộ kiểm lâm, lãnh đạo các công ty lâm nghiệp đã buông lỏng quản lý, tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. Hơn 30 cán bộ kiểm lâm ở Đắk Nông bị kỷ luật, khởi tố liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng và nhiều lãnh đạo công ty lâm nghiệp bị khởi tố.
Điển hình, cuối tháng 3-2017, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với ông Lê Xuân Bảo (nguyên giám đốc), ông Thái Thanh Tâm (nguyên tổ trưởng tổ quản lý bảo vệ rừng) thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Đức và ông Phạm Quốc Đính (nguyên Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Gia Nghĩa). Bị can Bảo, Tâm bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” còn bị can Đính bị khởi tố về tội “Vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng”.
Được biết, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Đức được UBND tỉnh Đắk Nông giao quản lý, bảo vệ hơn 14.000 ha rừng và đất lâm nghiệp nhưng đã để mất gần 5.110 ha rừng tự nhiên. Đối với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Gia Nghĩa, sau 10 năm (2005- 2015) được giao quản lý hơn 24.000 ha rừng tự nhiên nhưng đã để mất hơn 8.700 ha.
Kỳ tới: Câu hỏi khó