ThienNhien.Net – Ngày 27-6, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017 với chủ đề “Phát huy nội lực, tăng trưởng bền vững”.
Nợ xấu là gánh nặng kéo tăng trưởng đi xuống
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam, Chính phủ Việt Nam hiện nay đang đứng trước sức ép lớn về kết quả tăng trưởng kinh tế khi quý 1 chỉ tăng trưởng 5,1%. Kế hoạch trung hạn 5 năm đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6,5% – 7%/năm, trong khi năm 2016 không đạt, nên nếu năm 2017 tiếp tục không đạt thì những năm còn lại sẽ phải tăng tốc nhanh.
Ông Nguyễn Xuân Thành, tăng trưởng chậm có thể nằm ở vấn đề cơ cấu: ngân hàng, đầu tư công – nợ công và doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Nợ xấu lớn trong hệ thống ngân hàng vẫn nằm đó có nghĩa là nền kinh tế vẫn phải dùng nguồn lực khan hiếm để nuôi. |
Đây là gánh nặng lớn nhất đang kéo tăng trưởng đi xuống. Việt Nam đang là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất trong khu vực, nhưng tín dụng tăng không thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế. Đó là vì các ngân hàng muốn tìm kiếm lợi nhuận cao thì phải đẩy mạnh mảng tín dụng tiêu dùng. Còn muốn an toàn thì đầu tư trái phiếu chính phủ hay cho vay một số lượng nhỏ các doanh nghiệp lớn có uy tín và tài sản đảm bảo. Nợ xấu và lãi dự thu cao một phần đáng kể của gia tăng tín dụng thực ra là cho vay mới để trả lãi và nợ cũ. Chính vì vậy, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn “đói” tín dụng mặc dù tín dụng cho nền kinh tế tăng 18,25% trong năm 2016 và 5,76% trong 4 tháng đầu năm 2017 (cao nhất trong 8 năm qua và tương đương 20,2% so với cùng kỳ). Lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng thương mại thông qua xử lý nợ xấu và nâng vốn chủ sở hữu phải là ưu tiên chính sách hàng đầu.
Như vậy định hướng chính sách là cần phải tập trung vào các chính sách kích cung, nâng cao năng lực của nền kinh tế chứ không phải là các chính sách tiền tệ, tài khóa đơn thuần để kích cầu. Việc quá chú trọng vào các chính sách kích cầu trong bối cảnh tiệm cận sản lượng tiềm năng như hiện nay sẽ không có hiệu quả nhiều mà chủ yếu sẽ làm tạo ra áp lực lạm phát sau này. Các chính sách cần tập trung cải thiện sản lượng tiềm năng đó là các chính sách khuyến khích đầu tư. Trong bối cảnh đầu tư công còn hạn chế thì khuyến khích đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài đóng vai trò chủ đạo. Yếu tố nền tảng của khuyến khích đầu tư đó chính là ổn định vĩ mô, ổn định đồng tiền và lãi suất vì điều đó tạo niềm tin cho thị trường.
Lựa chọn nào cho tăng trưởng?
Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, nền kinh tế tăng trưởng đã sát sản lượng tiềm năng, nên tốc độ tăng trưởng sẽ khó có cải thiện nhanh chóng trong ngắn hạn mà chỉ từ từ cải thiện trong dài hạn thông qua những tiến bộ về phía cung. |
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông dẫn số liệu sơ bộ 6 tháng cho thấy, kinh tế vĩ mô vẫn duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát (6 tháng bình quân tăng 4,2% so với cùng kỳ); GDP tính toán sơ bộ có khả năng 6 tháng tăng 5,5% – 5,7%… Kết quả kinh tế 6 tháng đã cho thấy, kịch bản tăng trưởng bước đầu đã có dấu hiệu tích cực để hướng đến tăng trưởng 6,7% của cả năm 2017. Cũng theo ông Đông, với quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì tăng trưởng chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017 là hợp lý dù nhiệm vụ khó khăn. Nếu chúng ta vượt qua khó khăn này thì sẽ có động lực niềm tin thời gian tới.
Bình luận về các con số này, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng nếu như 6 tháng đầu năm GDP tăng trưởng 5,5% – 5,7%, mức gần tương đương năm 2016 và theo ước tính, cả năm, GDP có thể đạt mức 6,2%. Còn nếu quý 3, 4 là tăng trưởng GDP 7% thì cả năm, GDP có thể tăng 6,4% – 6,5%. Và do đó, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cả năm là khó khăn. Tuy nhiên, Chính phủ có thể vẫn giữ nguyên mục tiêu 6,7% để tạo sức ép trong thực thi. Bên cạnh đó là đưa ra dự báo tăng trưởng để nếu không có tiêu cực, con số đó sẽ là tăng trưởng của Việt Nam. Nói thêm về điều này, PGS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng, quyết tâm mà Chính phủ đặt ra để GDP năm 2017 tăng 6,7% là hoàn toàn chính đáng vì nếu không đạt mục tiêu này thì một số chỉ tiêu bị phá vỡ như: tỷ lệ nợ công/GDP; kinh tế Việt Nam tụt hậu xa với khu vực; bẫy thu nhập trung bình hiện hữu; tâm lý bi quan vì nếu tiếp tục không đạt mục tiêu sẽ kéo theo các hệ lụy khác.
Tuy nhiên, bình luận về tính bền vững của các giải pháp ngắn hạn mà Chính phủ đưa ra, ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng có 5 rủi ro đi kèm. Rủi ro thứ nhất là nếu khai thác thêm dầu, than, khoáng sản sẽ tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ khi giá bất lợi và thể hiện tăng trưởng của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào tài nguyên, nguồn lực không tái tạo, giá trị gia tăng thấp, ảnh hưởng môi trường. Rủi ro thứ hai về giải ngân vốn đầu tư công là nếu không giám sát thì hiệu quả thấp, nợ công cao và thể hiện tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc vốn, thậm chí, nếu đẩy mạnh sẽ chèn lấn đầu tư tư nhân. Rủi ro thứ ba của việc đẩy mạnh tăng trưởng nông nghiệp liệu có dẫn đến việc phải giải cứu như thịt heo, dưa hấu? Rủi ro thứ thứ tư là những ảnh hưởng từ bên ngoài về giá cả, biến động của thị trường tài chính quốc tế… mà Chính phủ không thể tác động. Rủi ro thứ năm và quan trọng nhất là sự can thiệp mang tính hành chính vào thị trường, sự chậm lại của tái cơ cấu và mô hình tăng trưởng. Nếu lặp lại giải pháp năm sau thì nguồn lực tiếp tục phân bổ không hợp lý. Cũng theo ông Nguyễn Hồng Sơn, trong thời gian tới, Chính phủ nên xác định các kịch bản tăng trưởng để điều hành; thực hiện quyết liệt các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 về hỗ trợ sự phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; củng cố niềm tin của khu vực tư nhân qua việc giảm chi phí chính thức và không chính thức.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, một phần quan trọng góp phần tạo nên tốc độ tăng trưởng hiện nay của Việt Nam là từ nguồn lực bên ngoài, chưa phải nội lực thực tại của nền kinh tế. Do vậy, việc cần làm và làm ngay là đánh giá lại mức độ bền vững của những lợi thế so sánh mà chúng ta vẫn thường nhắc tới là nhân công lao động dồi dào, giá rẻ trong bối cảnh giai đoạn dân số vàng chỉ tồn tại ngắn ngủi khoảng 10 năm nữa và sự cạnh tranh ngày một gia tăng từ các quốc gia với chi phí sản xuất thấp hơn. Việt Nam hiện đã đạt đến một trình độ phát triển kinh tế mà để tiếp tục tiến bước trở thành một nước có thu nhập cao hơn, cần phải có một sự đột phá trong chính sách. |