ThienNhien.Net – Nhằm hiện thực hóa Đề án định hướng phát triển ngành lâm nghiệp giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Hà Giang đã thực hiện thí điểm một số mô hình phủ xanh đất trồng đồi núi trọc với kết quả ban đầu khá khả quan, đặc biệt là mô hình trồng cây keo lai ở xã Kim Ngọc và mô hình cây keo mô ở xã Thượng Bình, huyện Bắc Quang.
- Nơi địa đầu Tổ quốc đi lên từ rừng (Kỳ 1): Kiên quyết giữ rừng
- Nơi địa đầu Tổ quốc đi lên từ rừng (Kỳ 2): Chú trọng chất lượng giống cây lâm nghiệp
- Nơi địa đầu tổ quốc đi lên từ rừng (Kỳ 3): Hướng đến chuẩn hóa quốc tế nghề rừng
- Nơi địa đầu Tổ quốc đi lên từ rừng (Kỳ 4): Biến tiềm năng trở thành thế mạnh
Phủ xanh đất trống đồi núi trọc
Đến thăm mô hình trồng keo lai (keo mô) tại gia đình ông Lý Văn Phúc ở thôn Trung, xã Thượng Bình, huyện Bắc Quang, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên trước 16 ha rừng xanh tốt vốn trước đây chỉ là đồi núi trọc. Ông cho hay 16 ha keo lai nuôi cấy mô là giống vô tính, được tạo bằng phương pháp nuôi cấy mô, cây mới trồng gần 2 năm tuổi nhưng đã xanh mơn mởn, lá khép tán đều tăm tắp.
Ông cho hay: “Trước đây khu vực này là đồi trống đất trọc, tôi cũng thử trồng keo nhưng là giống keo khác nên không phát triển như thế này. Hiện nay, được sự hướng dẫn của cán bộ lâm nghiệp nên từ khâu cuốc hố, ủ phân, cách trồng, cách bón phân đều làm đúng kỹ thuật, cây phát triển rất tốt”.
Cách mô hình keo mô của ông Lý Văn Phúc vài quả đồi là khu vực trồng thử nghiệm cây keo tai tượng mọc từ hạt có nguồn gốc Úc của gia đình chị La Thị Cứu ở thôn Nậm Mái, xã Kim Ngọc, huyện Bắc Quang. Chị Cứu cho hay: “Nhà mình trồng khoảng 1,5 ha, ngày xưa diện tích này có trồng mỡ và keo ta nhưng hầu như không được thu hoạch gì. Mình mới trồng loài keo tai tượng này theo hướng dẫn được gần hai năm, thấy cây khá to, tốt hơn nhiều so với giống keo thường trước đây”.
Có mặt tại đồi keo nhà chị Cứu, GS.TS. Phạm Văn Điển, người đã đưa những mô hình trồng keo đến với bà con cho biết: Theo quan sát bằng nắt thường, hiện nay một số cây keo bị quăn lá, có thể sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng. Đã đến thời điểm bón phân cho cây, cây sẽ phát triển, hết quăn lá. Cây to đến đâu, hình thành lõi đến đấy. Loại này chống chịu tốt với mối và giông gió. Còn về loài keo mô, ông cũng lưu ý bà con: Cây keo mô phát triển mạnh về chiều cao nhưng vì là cây vô tính nên có một số nhược điểm như hay bị ảnh hưởng bởi gió, thời tiết. Nơi nào ít bị giông gió, ít dốc thì nên trồng keo mô. Nơi có gió to hơn, độ dốc lớn hơn, thì nên trồng keo hạt, đặc biệt nên trồng sâu để tránh cây bị bật rễ.
Những con số biết nói
Sau gần hai năm thử nghiệm các mô hình trồng keo, Ban Quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng huyện Bắc Quang vui mừng cho biết: hai mô hình trồng keo ở xã Thượng Bình và Kim Ngọc so với cách trồng trước đây có tỷ lệ cây sống đạt trên 90% (tăng khoảng 20%), đặc biệt tăng trưởng rất nhanh về chiều cao. Mô hình keo tai tượng hạt Úc tại Kim Ngọc sau 19 tháng cây sinh trưởng tốt, thân cứng phát triển toàn diện, đạt chiều cao 5m, đường kính 6cm, mật độ cây đồng đều gấp 2 lần so với trước đây. Còn mô hình keo lai nuôi cấy mô ở Thượng Bình, cây cao khoảng 6m, đường kính gốc 4,5cm, gấp gần 2 lần so với cây trồng trước đây. Ước tính mô hình keo tai tượng hạt Úc sẽ đạt năng suất trên 120 m3/ha/7 năm, đem lại thu nhập khoảng 150 triệu đồng/ha, bình quân 21 triệu đồng/ha/năm. Đối với keo lai nuôi cấy mô thì khả năng cao đạt năng suất 100 m3/ha/7 năm, đem lại thu nhập khoảng 110 triệu đồng/ha, bình quân 15 triệu đồng/ha/năm.
Được biết, không chỉ riêng Bắc Quang, năm 2015 và 2016, với sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang, nhiều hộ gia đình đã được hỗ trợ xây dựng các mô hình thử nghiệm, trình diễn để tuyên truyền cho nhân dân đưa giống tốt và kỹ thuật thâm canh vào sản xuất như mô hình trồng Lan Kim Tuyến và cây keo lai nuôi cấy mô tại huyện Vị Xuyên, mô hình trồng keo tai tượng từ cây hạt nguồn gốc Úc tại huyện Xín Mần, mô hình trồng cây Hồ Đào (óc chó) tại huyện Đồng Văn, huyện Quản Bạ… Tuy nhiên, bên cạnh một số thành quả, các mô hình cũng gặp một số khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh khiến cây bị mối, bị đổ gãy… và một số công đoạn kỹ thuật chưa được người dân tuân thủ nghiêm ngặt, cần cán bộ lâm nghiệp hướng dẫn chi tiết và giám sát sát sao hơn.
Cây nuôi cấy mô là cây giống được tạo từ một phần nhỏ của cơ quan sinh dưỡng như: đỉnh sinh trưởng, thân, rễ… bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Cây hạt là cây giống được tạo ra từ việc gieo ươm bằng hạt giống lấy từ cây mẹ. Cây keo tai tượng có xuất xứ từ Đông Bắc Ôxtrâylia, đã được đưa vào gây trồng khảo nghiệm ở một số vùng sinh thái của nước ta từ những năm 1980. Đây là loài có biên độ sinh thái rộng, thích nghi được với nhiều vùng lập địa khác nhau, có thể trồng trên đất bị xói mòn, nghèo dinh dưỡng, đất chua, bồi tụ, đất phù sa. Cây giâm hom là cây giống được sản xuất bằng phương pháp dùng một phần lá, một đoạn thân, một đoạn cành hoặc đoạn rễ để tạo ra cây mới. |
Văn Hoàng