ThienNhien.Net – Sáng 27.6, UBND TP.Đà Nẵng tổ chức họp báo định kỳ 6 tháng đầu năm 2017. Vấn đề ứng xử thế nào đối với bán đảo Sơn Trà vẫn là vấn đề được quan tâm nhất, chiếm phần lớn các câu hỏi của nhà báo.
Thời sự nhất là việc 17 cán bộ hưu trí trung, cao cấp vừa đồng loạt ký đơn kiến nghị gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ… kiến nghị bảo vệ nghiêm ngặt rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.
Nội dung chính đơn kiến nghị của 17 vị cựu cán bộ trung cao cấp này “tha thiết kính đề nghị Tổng Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm xem xét, hạn chế đến mức thấp nhất những dự án xây dựng để bảo toàn sự nguyên vẹn hoang sơ trên bán đảo Sơn Trà này!”. “Chúng tôi rất đồng tình với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về sự phát triển bền vững. Đó là sẽ phát triển kinh tế nhưng phải thay đổi mạnh mẽ tư duy phát triển đó, sẽ không đánh đổi môi trường lấy kinh tế làm ảnh hưởng cuộc sống bình yên của người dân!”.
Trả lời vấn đề này, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, đến thời điểm này, UBND TP chưa nhận được đơn kiến nghị này, vì vậy không rõ hết được ý muốn của các cụ. UBND TP.Đà Nẵng cũng thường xuyên có các cuộc gặp gỡ, thăm hỏi, đối thoại với các cán bộ lão thành, cán bộ chủ chốt TP đã hưu trí, tuy nhiên, chưa hề nghe các vị phản ánh về Sơn Trà. Có lẽ vì thời gian gần đây, báo chí, dư luận đề cập nhiều đến vấn đề phát triển du lịch, quy hoạch trên Sơn Trà, mặt khác Chính phủ đã có những chỉ đạo rất cụ thể, sát sao vấn đề Sơn Trà nên các cụ muốn chuyển thẳng kiến nghị ra Trung ương để mong được giải quyết nhanh.
Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cũng nêu rõ, việc xem xét lại quy hoạch phát triển du lịch, rà soát các dự án phát triển du lịch trên Sơn Trà là việc làm trước khi phát hiện có xây dựng chưa đủ thủ tục pháp lý của Cty CP biển Tiên Sa.
Sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, việc rà soát của địa phương đang tiến hành nghiêm túc, cẩn trọng và đảm bảo đến hạn (30.8) phải báo cáo Chính phủ. Quan điểm của lãnh đạo Đà Nẵng là rất cụ thể, rõ ràng: Phải bảo tồn, phát triển Sơn Trà theo hướng giữ gìn hệ sinh thái trên các cơ sở khoa học, khách quan. Không vì mục đích kinh tế để phát triển kinh tế xã hội nói chung, du lịch nói riêng lấn át giá trị môi trường sinh thái.
Cũng cần nói rõ, 18 dự án du lịch trên tổng số 25 dự án hiện có trên Sơn Trà là đã giao đất, cho thuê đất, giao đất để bảo về, trồng rừng từ cách đấy 5- 7 năm trước. Hơn 1.400ha thuộc diện giao đất, cho thuê đất đã hoàn tất các thủ tục pháp lý cũng như nghĩa vụ tài chính từ các thời kỳ trước. Đây là tồn tại mang tính lịch sử, vì vậy, bây giờ, khi rà soát, xem xét phải tìm giải pháp hài hòa để giải quyết, kể cả việc chuyển đổi đất cho các dự án, đề bù… nếu có, vì vậy phải có thời gian.
Ngoài ra, tại khu vực dự án của Cty CP Biển Tiên Sa Về đang xây dở 40 nền móng biệt thự, bị đình chỉ, chờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ – hiện đứng trước nguy cơ sạt lở trước mùa mưa bão. Vì vậy, UBND TP đề nghị Chính phủ có ý kiến để địa phương tìm giải pháp ứng phó, chống sạt lở. Không có chuyện chính quyền bỏ ngân sách xây kè, khắc phục hậu quả do DN xây dựng trái phép gây ra. Chống sạt lở bằng cách gì, tiền đâu ra thì phải bàn sau khi có ý kiến đồng ý của Chính phủ, vì hiện nay Sơn Trà đang trong tình trạng không được “đụng chạm”.