Rừng vẫn “chảy máu” sau lệnh đóng cửa

ThienNhien.Net – Nhiều cánh rừng ở miền Trung, Tây Nguyên vẫn bị “cạo trọc”, đốn hạ không thương tiếc bất chấp lệnh đóng cửa rừng mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cách đây 1 năm.

Những ngày cuối tháng 6, chúng tôi tìm vào Tiểu khu 693, xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Dọc đường đi, nhiều khoảnh rừng bị “cạo trọc” hiện ra. Giữa trưa, tiếng cưa máy xen lẫn tiếng cây đổ vang động từ phía những cánh rừng.

Phá nát cả tiểu khu

Một người dẫn đường có kinh nghiệm luồn rừng cho biết vài năm trở lại đây, tốc độ tàn phá tại Tiểu khu 693 diễn ra chóng mặt. Ở đâu có chòi canh mọc lên, ở đó cây rừng bị đốn hạ ngã nghiêng, trơ gốc. Cả Tiểu khu 693 hiện có gần chục chòi canh của người làm nương rẫy. Để có đất canh tác, họ đốn hạ cây rừng không thương tiếc rồi “phi tang” bằng cách xếp thành từng đống lớn, sau đó đốt cháy.

Lâm tặc tập kết gỗ sau khi cộ trâu kéo ra khỏi rừng

Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng trăm cây rừng như dẻ, lội, bằng lăng… đường kính 10-60 cm bị đốn hạ nằm chỏng chơ. Giữa những rẫy lúa, chuối là ngổn ngang cây rừng bị cưa sát gốc. Con đường mòn xuyên qua tiểu khu rừng này nham nhở vết hằn của cộ trâu kéo gỗ. Trong quá trình xâm nhập thực tế, chúng tôi còn giáp mặt nhiều lâm tặc đang vận chuyển những hộp gỗ lớn ra khỏi rừng bằng cộ trâu. Họ cho hay đây là thân gỗ lội vừa được đốn hạ tại tiểu khu này trước đó.

Chỉ tay về phía những cộ trâu kéo gỗ, một người đàn ông Vân Kiều đang làm rẫy tại Tiểu khu 693 nói rằng đó là chuyện thường ngày ở đây. “Lúc nhiều, có gần chục cộ trâu kéo gỗ lớn ra khỏi rừng. Còn thường ngày có 4 cộ trâu kéo gỗ” – người này nói. Đi theo dấu cộ trâu, chúng tôi còn phát hiện một bãi tập kết với những hộp gỗ lớn đang chờ vận chuyển, nằm cách bìa rừng một quãng không xa.

Chủ rừng bất lực

Tiểu khu 693 có diện tích hơn 1.190 ha (trong đó gồm 539,87 ha đất trống, 391 ha rừng trồng và 341 ha rừng tự nhiên phục hồi) do Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông (viết tắt làm BQL) quản lý. Theo kết quả kiểm tra của BQL, tính đến ngày 9-3, tại Tiểu khu 693 có 3,85 ha bị đốt phá, lấn chiếm đất do 13 người dân trên địa bàn thực hiện (trong đó có 3 người chưa rõ danh tính).

Ông Nguyễn Công Tuấn, Phó Giám đốc BQL, khẳng định sau khi phát hiện tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất tại Tiểu khu 693, đơn vị đã họp dân để vận động, tuyên truyền; đồng thời có văn bản “kêu cứu” chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm và Ban Chỉ huy Bảo vệ rừng huyện Hướng Hóa. “BQL là chủ rừng nhưng không có thẩm quyền xử phạt. Sau khi phát hiện tình trạng này, chúng tôi đã báo cáo và phối hợp với các ban, ngành nhưng họ không xử thì chúng tôi cũng chịu” – ông Tuấn phân trần.

Theo ông Võ Văn Sử, Trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa, tình trạng chặt phá cây rừng làm nương rẫy ở Tiểu khu 693 đã “dừng lại từ lâu”. Ngày 22-6, cán bộ kiểm lâm địa bàn của hạt đã phối hợp với BQL đi kiểm tra nhưng không phát hiện việc khai thác và vận chuyển gỗ tại tiểu khu này. Tuy nhiên, sau khi chúng tôi cung cấp những hình ảnh vừa ghi được về việc chặt phá, vận chuyển gỗ rừng tại Tiểu khu 693 thì ông Sử nói: “Cái này phải kiểm tra lại”!

Ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, Trưởng Ban Chỉ huy Bảo vệ rừng, khẳng định sau khi nhận được báo cáo của BQL về tình trạng phá, lấn chiếm đất rừng tại Tiểu khu 693, ngày 24-3, UBND huyện đã có công văn về việc xử lý các đối tượng vi phạm và tăng cường công tác bảo vệ rừng gửi Hạt Kiểm lâm, BQL, Công an huyện và chính quyền địa phương yêu cầu vào cuộc. “Theo báo cáo của kiểm lâm thì có một số đối tượng xâm phạm rừng bị đề nghị truy tố” – ông Thuận cho hay.

Phối hợp lỏng lẻo, chồng chéo

Trước khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, tỉnh Quảng Nam được xem là địa phương đi đầu vì đã ra lệnh đóng cửa rừng tự nhiên cách đây 15 năm. Tuy nhiên, những năm gần đây, tỉnh Quảng Nam lại là một trong những “điểm nóng” phá rừng. Năm nào ở tỉnh này cũng có một vài vụ phá rừng với quy mô lớn.

Điển hình nhất là vụ “thảm sát” rừng pơ mu ở khu vực biên giới Việt – Lào (thuộc huyện Nam Giang) – nơi được giám sát nghiêm ngặt, nội bất xuất, ngoại bất nhập – xảy ra vào tháng 7-2016. Điều đáng nói, vụ phá rừng với quy mô lớn này như một lời thách thức của lâm tặc vì nó xảy ra chỉ sau chưa đầy 1 tháng kể từ thời điểm Thủ tướng ra lệnh đóng cửa rừng. Dù thế, đã gần 1 năm trôi qua nhưng ngoài 5 đối tượng cộm cán bị bắt tạm giam và 9 đối tượng ra đầu thú thì việc có hay không sự tiếp tay của lực lượng chức năng vẫn chưa được công bố.


Đã gần một năm trôi qua nhưng vụ thảm sát rừng pơ mu ở tỉnh Quảng Nam vẫn chưa được đưa ra xét xử (Ảnh: Trần Thường)

Thực tế, những cánh rừng ở Quảng Nam không ngừng bị “chảy máu”. Cứ vài ngày, lực lượng chức năng lại phát hiện một vụ vận chuyển gỗ lậu từ rừng về xuôi. Mới đây, rạng sáng 18-6, Công an huyện Đại Lộc phát hiện 2 đối tượng vận chuyển 20 phách gỗ với khối lượng gần 4 m3 bằng ca nô trên sông Vu Gia. Tuy nhiên, các đối tượng đã lợi dụng đêm tối để tẩu thoát ngay trước mặt công an.

Ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho rằng để xảy ra tình trạng phá rừng cho thấy lực lượng kiểm lâm không hoàn thành trách nhiệm được giao. Tuy nhiên, theo ông Đức, phá rừng là một vấn nạn, là tồn tại xã hội khi nhu cầu sử dụng gỗ lớn. Ở nơi nào còn rừng thì ở nơi đó lâm tặc sẽ kéo đến. Vấn đề hiện nay là làm sao để giữ được rừng.

Tỉnh Quảng Nam đang có chủ trương khuyến khích người dân tổ chức trồng cây dược liệu dưới tán rừng theo phương châm lấy kinh tế để bảo vệ rừng. Chính người dân địa phương là người giữ rừng tốt nhất nhưng vấn đề căn cơ là họ phải sống được với rừng. Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam đã làm việc với các địa phương để nắm rõ về sự phối hợp với ngành và nhận thấy hai bên chưa thực sự gắn kết, trách nhiệm cụ thể chưa rõ ràng. Ông Đức cũng thừa nhận một số kiểm lâm có hành vi tiêu cực và đã bị phát hiện, xử lý. Đơn vị sẽ chấn chỉnh nội bộ để các biểu hiện tiêu cực không trở nên phổ biến. T.Thường
Kỳ tới: Lâm tặc đến nhà đe dọa kiểm lâm.