Pháp cam kết trình LHQ một thỏa thuận quốc tế về môi trường

ThienNhien.Net – Nhằm thúc đẩy nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cam kết sẽ đề xuất một dự thảo thỏa thuận quốc tế về vấn đề bảo vệ môi trường lên Liên hợp quốc vào tháng 9/2017.

Nhà lãnh đạo đã đưa ra cam kết trên tại một sự kiện tổ chức tại trường Đại học Sorbone ở thủ đô Paris vào ngày 25/6.

Phiên họp có sự tham dự của một số nhân vật uy tín trên trường quốc tế, trong đó có cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, cựu Thống đốc bang California (Mỹ) Arnold Schwarzenegger – đồng Chủ tịch sáng lập tổ chức R20 chuyên hỗ trợ các dự án phát triển kinh tế bền vững, ít xả thải ra môi trường – cùng với các quan chức cấp cao Pháp, các chuyên gia luật pháp và các nhà hoạt động môi trường đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại hội nghị ‘Thỏa thuận môi trường toàn cầu’ ở thủ đô Paris ngày 24/6. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Phát biểu tại đây, Tổng thống Macron đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được một bước tiến mới sau Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu được gần 200 nước ký kết hồi năm 2015.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận việc thông qua dự thảo thỏa thuận trên sẽ rất khó khăn và mất nhiều thời gian để các nước nhất trí.

Nhà lãnh đạo Pháp cũng bày tỏ tin tưởng Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), dự kiến diễn ra trong hai ngày 7-8/7 tại thành phố lớn Hamburg (Đức), sẽ là một sự kiện then chốt để các nước có thể nhất trí về tiến trình thực thi đầy đủ Hiệp định Paris.

Ông cũng hy vọng Hội nghị chống biến đổi khí hậu COP 23, dự kiến tổ chức tại Bonn (Đức) vào tháng 11 tới, cũng sẽ là dịp để các nước vạch ra các nhiệm vụ sẽ được thực hiện ở cấp độ quốc tế về phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Được hàng chục chuyên gia pháp lý quốc tế chấp bút, bản dự thảo thỏa thuận nhằm mục đích vạch ra một khung quốc tế trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Văn kiện này, gồm 26 điều khoản, áp dụng lại một số nguyên tắc pháp lý lớn vốn đã được thông qua trong các tuyên bố quốc tế khác về vấn đề môi trường, như nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền,” quyền được hưởng một môi trường trong sạch, quyền tiếp cận thông tin và nguyên tắc không rút lui.

Một khi được thông qua, dự thảo này sẽ được dùng để bổ sung cho 2 hiệp định quốc tế đầu tiên đã được Liên hợp quốc phê chuẩn hồi năm 1996, trong đó có một thỏa thuận giải quyết các quyền dân sự và chính trị, và một văn kiện khác liên quan đến các quyền lợi kinh tế, xã hội và văn hóa, bên cạnh luật môi trường quốc tế vốn đã được chia thành hàng chục thỏa thuận về các chủ đề khác nhau.

Nguồn: