ThienNhien.Net – Sông Giang và sông Cầu của huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đang oằn mình vì nạn khai thác cát. Để bảo vệ đất đai, nhà cửa và hoa màu, người dân nhiều lần kêu kiện nhưng lực bất tòng tâm. Đất đai trôi lở, sông suối ô nhiễm làm hàng trăm hộ dân khốn đốn.
Dân tiệt đường sống
Có mặt tại xã Khánh Trung (huyện Khánh Vĩnh), PV Báo Lao Động thấy sông Giang vàng đục một màu. Ở đây, Cty TNHH Khai thác khoáng sản Phúc Minh (Cty Phúc Minh) đắp cát, làm hẳn một con đường giữa sông để múc, hút cát tận thu. Giữa trưa nắng gắt, chiếc máy xúc liên tục thả gàu sắt xuống sông Giang, móc cát thả lên chiếc xe tải chờ sẵn. Tiếng gàu sắt nện chát chúa, không ngưng nghỉ. Chiếc xe tải đầy ắp chỉ ít phút sau đó.
“Tình trạng khai thác cát diễn ra nhiều năm nay… Cử tri phản ánh lên huyện, tỉnh nhưng không dẹp được” – chị N.T.T.H (trú thôn Bắc Sông Giang, xã Khánh Trung (huyện Khánh Vĩnh) thở dài. Chị nói, nhà trồng 3.000 cây keo lai, giờ 500 cây trôi theo dòng nước. Cây cầu treo sau nhà, đất sạt lở đã ăn sâu vào mố cầu, vài năm nữa cũng trôi theo luôn. Mùa mưa, lũ ngập đập tràn, người dân chủ yếu đi lại bằng cầu treo, giờ cầu sập thì chắc chắn bị cô lập.
Đêm ngủ, chị Cao Thị Đế (SN 1973, trú thôn Bắc Sông Giang, xã Khánh Trung) thảng thốt, khi từng tảng đất lớn sau nhà sập kêu ầm ầm. Trên cao nhìn xuống, lòng sông cách nền đất nhà chị hơn 20m. 2.000 cây keo lai trên diện tích 4.000m2 trôi sụp tự lúc nào. Sạt lở liên miên, nhà chị có nguy cơ cao bị cuốn phăng.
Chỉ vào căn nhà, chị nói: “Đây là nhà của Nhà nước cấp, giờ phá thế, đất sạt lở thì chỗ nào mình đi nữa”. Nguồn lợi cát quá lớn, DN khai thác tận 1-2h sáng mới nghỉ. Chị cho hay, bức xúc nạn khai thác cát, dân làng cầm rựa, gậy gộc ăn thua đủ, đẩy đuổi máy móc đi chỗ khác. Anh Cao Hùng (trú thôn Bắc Sông Giang, xã Khánh Trung) ngao ngán: “Áo quần giặt dưới sông, mang vào toàn mùi xăng. Nước bơm lên, hôi thối khó chịu, tắm vào ghẻ lở, không thể ăn uống. Phải sang hàng xóm xin nước giếng về dùng”.
Bên trọng, bên khinh
Được tỉnh cấp phép, và dưới lá bài là “nạo vét, thu hồi”, 8 DN đua nhau khai thác cát, bất chấp các con sông của huyện Khánh Vĩnh kêu gào. Xã Khánh Phú có 4 thôn, với 675 hộ dân, trong đó chỉ duy nhất thôn Đức Nhĩ là là có giếng khoan. 3 thôn còn lại với trên dưới 400 hộ dân dùng nước sông và số ít dùng giếng đào.
Khi 2 Cty Tân Khánh Hòa KH và Đại Thuận NT đem máy móc đến đào, múc hoạt động, người dân đứng ra cản trở, bác bỏ mọi điều “cam kết tốt đẹp” của Cty. Báo cáo số 01/BC-ĐKTr01 của huyện Khánh Vĩnh ghi lại ý kiến người dân, nêu rõ: “Người dân thôn Sơn Thành, xã Khánh Phú nói việc khai thác cát sẽ gây sạt lở đất, làm mất đất canh tác, gây nguy hiểm đến các hộ dân ở gần bờ sông. Khu vực khai thác là nơi sinh hoạt chủ yếu của người dân: Lấy nước, tắm giặt do đó việc khai thác sẽ làm ô nhiễm nguồn nước, dân không có nước để sinh hoạt. Là nơi vui chơi của trẻ em trong làng, nếu khai thác sẽ là lòng sông sâu, nguy hiểm cho các cháu khi tắm sông”.
Sông Cầu bắt đầu từ khu du lịch Yang Bay (xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh), điểm kết thúc đổ ra sông Cái, hòa vào cầu Hà Ra – nơi có Tháp Bà Po Nagar là danh thắng bậc nhất của TP. Nha Trang (Khánh Hòa). Việc khai thác cát ở đây không chỉ đe dọa nguồn sống của gần 400 hộ dân xã Khánh Phú, mà ảnh hưởng đến cả ngành du lịch của tỉnh Khánh Hòa.
“Trong đợt tiếp xúc cử tri với Đại biểu hội đồng tỉnh, tôi đề nghị, sau khi hợp đồng kết thúc, là tháng 8.2017, thì UBND tỉnh không nên ký gia hạn thời gian hoặc tiếp tục cấp phép cho Cty Đại Thuận NT nữa, vì nó sẽ kéo theo toàn bộ hệ lụy về sau” – Chủ tịch UBND xã Khánh Phú – ông Cao Văn Toàn thẳng thắn. Lúc này, Cty Tân Khánh Hòa KH đã “bán giấy phép” cho Cty Đại Thuận NT.
Nhu cầu xây dựng của tỉnh Khánh Hòa là cao, cần nguồn cát lớn, các DN khai thác cát đóng thuế, góp phần vào ngân sách. Nhưng liệu rằng, có nên đánh đổi lợi ích của nhiều DN, mà bỏ mặc cuộc sống của hàng trăm hộ dân (!?)