ThienNhien.Net – Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên thốt lên như vậy khi tình trạng khai thác cát tràn lan trên thượng nguồn sông Đồng Nai (giáp ranh 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước) đã uy hiếp nghiêm trọng đến hệ sinh thái vườn quốc gia
Ngày 22-6, tại khu vực thượng nguồn sông Đồng Nai (đoạn qua huyện Đạ Tẻh, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng và huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai), hoạt động khai thác cát diễn ra rầm rộ với hàng chục tàu, xuồng ngang nhiên hút cát.
Sạt lở nghiêm trọng
UBND huyện Cát Tiên cho biết toàn huyện có 10 tổ chức, cá nhân được cấp 14 giấy phép khai thác; đến nay đã thu hồi 5 giấy phép của 4 tổ chức, cá nhân vì nhiều sai phạm. Mặc dù vậy, theo quan sát của phóng viên, dọc 2 bên bờ sông đã xuất hiện hàng loạt điểm khai thác cát trải dài từ xã Quảng Ngãi, thị trấn Phù Mỹ, xã Đức Phổ, xã Phước Cát 1 và xã Phước Cát 2.
Theo quy định cấp phép khai thác cát, các tàu phải cắm phao xác định vị trí hút cát cách bờ ít nhất 20 m nhưng tại đây không có bất cứ vật gì để đánh dấu phạm vi. Dưới sông, ghe, xuồng rầm rộ bơm cát lên bờ. Trên bãi, máy cuốc, máy ủi hoạt động hết công suất, xe tải vào ra tấp nập vận chuyển cát đi tiêu thụ.
Một số người dân tỉnh Lâm Đồng cho biết họ phản ứng thì “cát tặc” chuyển vòi hút qua tỉnh Đồng Nai và ngược lại. Người dân từng bức xúc ném đá vào các thuyền hút cát nhưng “cát tặc” vẫn lộng hành. Những ống hút khổng lồ chọc thẳng xuống lòng sông, xoáy vào bờ cuốn trôi đất đai, vườn tược của người dân.
Tình trạng trên khiến hai bên bờ sông ở thượng nguồn bị sạt lở nghiêm trọng. Những rẫy lúa, bắp, chuối của hàng trăm hộ dân trôi tuột xuống sông. Bờ sông bị sạt lở, vách dựng đứng như những bức tường cao gần chục mét. Nghiêm trọng nhất là khu vực thuộc các xã Núi Tượng, Tà Lài, Đắc Lua và huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai); các huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) và các xã Đăng Hà, Thống Nhất, huyện Bù Đăng của tỉnh Bình Phước.
Bà N.T.A. (ngụ xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên) bức xúc kể hơn một năm nay, đất bờ sông chỗ gia đình bà canh tác bị sạt lở và biến mất từng ngày. “Chỉ trong thời gian ngắn, nhà tôi mất 2 sào đất, bắp; cỏ trồng để chăn nuôi cũng bị cuốn chìm xuống nước. Đã nhiều lần gia đình phát hiện, gọi cả lãnh đạo UBND xã Đức Phổ lập biên bản nhưng đâu cũng vào đấy. Cứ tình hình này, nhà tôi có khi mất luôn cả khu vườn” – bà A. lo lắng.
Uy hiếp Vườn Quốc gia Cát Tiên
Ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên, cho biết việc khai thác cát đã gây sạt lở 18 vị trí với tổng diện tích 13.800 m2. Phần lớn các điểm sạt lở tập trung ở khu vực giáp ranh giữa trạm Đạ Cộ và Đạ Mí thuộc xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh. Nạn khai thác cát trái phép còn làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái tự nhiên vốn có ở đây.
“Trước đây, rừng vốn dĩ yên ả nhưng nay phải oằn mình gánh chịu tiếng ồn và khói bụi, sạt lở. Môi trường sống của một số loài động vật trong khu bảo tồn bị ảnh hưởng” – ông Diện nhấn mạnh. Vừa trò chuyện, ông Diện vừa chỉ tay về phía bờ sông Đồng Nai nói: “Ngay cả đoạn sông gần văn phòng của VQG Cát Tiên cũng bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều thảm thực vật, cây gỗ bị cuốn và nhấn chìm xuống sông. Chỗ được cấp phép thì hút cát mấy năm nay cũng hết rồi, lấy đâu ra cát nữa nên phải hút trộm cát…”.
Do địa bàn VQG Cát Tiên nằm giáp ranh giữa 3 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước nên rất khó quản lý việc khai thác cát trái phép. Cũng giống như các đối tượng săn thú, chặt phá cây rừng, khai thác cát cũng có “chân rết” để cảnh giác cơ quan chức năng. “Cát tặc” cử người theo dõi, nếu thấy bóng dáng lực lượng chức năng là họ điện thoại cho các đối tượng rời khỏi khu vực, đến đoạn sông khác để tiếp tục khai thác nên rất khó bắt quả tang. “Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không đội trời chung với “cát tặc”. Hiện VQG Cát Tiên đã giao nhiệm vụ cho 21 trạm kiểm lâm và 2 đội cơ động nằm trên địa bàn trọng yếu của khu vực siết chặt nạn khai thác cát. Nếu ai, đơn vị nào liên quan hoặc tiếp tay sẽ bị “trảm” ngay” – ông Diện quả quyết.
Ông Trần Văn Bình, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Cát Tiên, khẳng định Trạm Kiểm lâm Cơ động số 1 đã phối hợp cùng Công an huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai mở đợt truy quét và bắt quả tang 4 đối tượng đều ngụ tỉnh này khai thác cát trái phép tại Tiểu khu 38 do VQG Cát Tiên quản lý. Qua đó, tịch thu tang vật gồm 1 xuồng máy vỏ sắt, 1 máy nổ loại lớn và các dụng cụ khác.
Khó quét sạch ?
Ông Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng – cho biết năm 2016, UBND huyện Cát Tiên đã lập biên bản xử phạt hành chính hơn 1,3 tỉ đồng đối với DNTN Xuân Hà và Công ty CP Giao thông Đồng Nai 120 triệu đồng để đền bù thiệt hại hoa màu và đất nông nghiệp cho người dân xã Quảng Ngãi bị sạt lở do hút cát.
“Riêng DNTN Xuân Trường thực hiện hành vi hút cát trái phép gây sạt lở nghiêm trọng sân vận động xã Đức Phổ, UBND huyện sẽ có văn bản chỉ đạo quyết liệt không chỉ xử phạt hành chính mà còn buộc gia cố lại bờ sông, khôi phục đúng vị trí ban đầu cho sân vận động” – ông Phúc nhấn mạnh.
Theo ông Trương Văn Oanh, Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Lua, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, bờ sông Đồng Nai thuộc xã Đắc Lua kéo dài gần 20 km rất khó quản lý bởi đây là biên giới mềm giữa lòng sông (giáp ranh các xã thuộc huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng). Vừa qua, UBND 2 tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai đã có văn bản phối hợp chấn chỉnh hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai; tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường nhưng đến nay vẫn chưa mang lại hiệu quả.
Còn ông Võ Ngọc Hoàng Vũ – Chủ tịch UBND xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước – khẳng định địa phương đã nhiều lần phối hợp truy bắt và xử phạt hành chính nhưng vì lợi nhuận mà cát mang lại rất cao, trong khi mức phạt hành chính theo quy định rất thấp nên không đủ sức răn đe.