ThienNhien.Net – Kế hoạch xây dựng chuỗi đập thủy điện trên dòng chính Hạ lưu sông Mê Kông được khẳng định sẽ mang lại nguồn điện phục vụ xuất khẩu chủ yếu qua Thái Lan và Việt Nam, đồng thời giúp Lào thu về lợi ích kinh tế để phát triển đất nước và nâng cao mức sống. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây đã chứng minh rằng các luận cứ dự án đã bỏ qua hoặc đánh giá thấp tổn thất về kinh tế từ các tác động môi trường và xã hội như ảnh hưởng đối với nguồn lợi thủy sản và phù sa, trong khi đó phóng đại quá mức lợi ích kinh tế từ thủy điện.
Thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Quản lý Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Đại học Mae Fah Luang (Chiang Rai, Thái Lan), nghiên cứu hướng tới đánh giá khía cạnh kinh tế của các dự án thuỷ điện ở hạ lưu sông Mê Kông (gọi tắt là NREM).
Bằng cách thay đổi và cập nhật một số giả thuyết và giá trị kinh tế, báo cáo NREM kết luận, tác động kinh tế tổng thể của các dự án thủy điện sông Mê Kông có thể là giá trị âm.
Báo cáo NREM sử dụng kịch bản xây dựng 11 con đập trên dòng chính và 30 con đập trên các sông nhánh Hạ lưu sông Mê Kông với tổng vốn đầu tư khoảng 50 tỷ USD (Bảng 1), so sánh với Báo cáo đánh giá các kịch bản Phát triển lưu vực Sông Mê Kông trong chương trình Phát triển lưu vực sông Mê Kông giai đoạn 2 của Ủy ban sông Mê Kông (gọi tắt là BDP2). Kết quả, BDP2 ước tính lợi ích kinh tế ròng của kịch bản trên là khoảng 33,4 tỷ USD, trong khi nghiên cứu NREM cho rằng tácđộng kinh tế tổng thể sẽ xấp xỉ âm 7,3 tỷ USD.
Hai con số có sự chênh lệch lớn chủ yếu là do BDP2 sử dụng dữliệu vốn đầu tư thấp, giá điện cao và mô hình kinh doanh điện khác nhau.Mặt khác, NREM giả định giá trị cá là 3,5 USD/kg (vẫn thấp hơn so với ước tính mới đây của MRC là 4,8 USD/kg), trong khi giả định của BDP2 chỉ là 0,8 USD/kg. Đồng thời, BDP2 không tính đến chi phí giảm thiểu các tác động văn hóa – xã hội, trong khi NREM giả định chi phí này ở mức 5% chi phí đầu tư.
BDP2 cũng không hề tính đến những tổn thất kinh tế liên quan đến việc giảm lượng phù sa màu mỡ từ con sông. Ngược lại, NREM đã tính đến những tổn thất này dựa trên dự báo của Nghiên cứu Châu thổ Mê Kông năm 2015, theo đó, suy giảm trầm tích có thể làm giảm sản lượng gạo dài hạn tại Việt Nam vào khoảng 2,4 triệu tấn/năm, tương đương với thiệt hại kinh tế khoảng 8 tỷ USD.
Về mặt phân bổ lợi ích theo quốc gia, BDP2 kết luận rằng kế hoạch xây đập sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các nước Hạ lưu sông Mê Kông, trong đó Lào sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, báo cáo NREM cho rằng lợi ích mà Lào và Thái Lan nhận được thấp hơn nhiều so với ước tính của BDP2, trong khi Campuchia và Việt Nam sẽ phải gánh chịu tác động kinh tế theo hướng bất lợi (Bảng 3).
Từ các kết quả phân tích, báo cáo NREM khuyến nghị trì hoãn lại việc xây dựng các đập khác trên dòng chính cho đến khi dự án đầu tiên là Xayaburi hoàn thành và chứng minh được hiệu quả của các biện pháp giảm thiểu tác động, bao gồm cầu thang cá và cống xả trầm tích.
Đồng thời, nhóm tác giả yêu cầu các dự án thủy điện cần tính toán đầy đủ chi phí dành cho các biện pháp giảm thiểu tác động, bảo vệ môi trường và xã hội trong tổng vốn đầu tư cam kết, đánh giá lại các tác động kinh tế ròng và lợi nhuận dự báo dành cho Lào.
Cuối cùng, nghiên cứu cũng cho rằng cần xây dựng một chiến lược năng lượng cho toàn Hạ lưu sông Mê Kông, có tính đến khả năng giảm thu nhập từ thủy điện, cập nhật dự báo nhu cầu điện và những phát triển công nghệ trong năng lượng tái tạo và tăng hiệu suất năng lượng.
Nghiên cứu này là bản cập nhật của một nghiên cứu trước đây về tác động kinh tế và xã hội của thủy điện trên Hạ lưu vực Mê Kông xuất bản năm 2015. Đồng thời, đây cũng là phiên bản có hiệu chỉnh của nghiên cứu ‘Planning Approaches for Water Resources Development in the Lower Mekong Basin’ (Costanza et.al) (Tạm dịch: Cách tiếp cận quy hoạch phát triển tài nguyên nước trên Hạ lưu vực Mê Kông) – mà trước đây Đại học Mae Fah Luang đồng thực hiện cùng Đại học Portland (Hoa Kỳ), công bố năm 2011.
Đan Khuê