ThienNhien.Net – Chính phủ lại phải tiếp tục giải cứu. Nhưng lần này không phải cho những nông dân nghèo khó bị thiệt thòi mà là giải cứu cho một “ông lớn” – Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Mục tiêu của cuộc giải cứu chính là 2 triệu tấn than tồn kho mà Tập đoàn Điện lực (EVN) không đồng ý mua của TKV trong năm nay. Nguyên do, giá than TKV bán cao hơn nước ngoài nhập về nên EVN sẽ mua than của nước ngoài.
Đề nghị của TKV hết sức thiếu trách nhiệm trong nền kinh tế thị trường và trong nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh của các tập đoàn kinh tế nhà nước. Những vấn đề nan giải nhất, trì trệ nhất của TKV mà nhiều năm qua chưa cải thiện được chính là đổi mới công nghệ khai thác, tăng sức cạnh tranh, nâng cao đời sống công nhân và tạo hiệu quả của dòng tiền khổng lồ tại đây. Bên cạnh đó, việc đầu tư ngoài ngành, công ty sân sau, than thổ phỉ… cũng bào mòn “sức khỏe” của tập đoàn này và Chính phủ đang nỗ lực chấn chỉnh.
Ngành khai thác khoáng sản, như dân gian thường nói là “bốc tài nguyên đem bán” mà khó khăn vậy sao!? Than khai thác tại chỗ bán ngay cho doanh nghiệp trong nước mà giá thành cao hơn than nhập khẩu thì trước hết, lãnh đạo TKV phải xem lại cách quản lý điều hành của chính mình. Và khi câu chuyện hằng năm luôn tồn kho cả triệu tấn than cứ lặp đi lặp lại thì lẽ ra, bộ máy lãnh đạo tập đoàn này phải được xem xét. Chúng ta không thể mãi chấp nhận sự “hờn dỗi”, luôn than vãn và sẵn sàng đổ lỗi cho người khác khi làm ăn gặp khó khăn của lãnh đạo TKV.
Những khó khăn về việc không bán được hàng hóa thì bất cứ người kinh doanh nào cũng gặp phải, ngay cả khi bán một ổ bánh mì. Chuyện cần làm là tìm cách hạ giá thành, nâng chất lượng sản phẩm, tiếp thị chu đáo với khách hàng chứ không phải cứ giãy nãy yêu cầu người khác giúp đỡ bằng cách áp đặt để bao biện cho năng lực bất cập của mình. Trong câu chuyện trên, nếu EVN mua than giá đắt, giá thành sản xuất điện sẽ cao, hiệu quả kinh doanh thấp và nhiều khả năng phải tăng giá điện. Cuối cùng, chính người dân phải gánh chịu hậu quả này. Thật vô lý!
Hàng vạn công nhân lao khổ đang ngày đêm dốc sức hun hút trong các hầm lò thiếu ánh mặt trời. Đời sống gia đình những công nhân này phụ thuộc vào từng mảnh than họ cật lực đào được và phải đánh đổi bằng chính sức khỏe bị hao mòn từng ngày. Thế nhưng, khi gặp chút khó khăn, những cán bộ lãnh đạo của TKV lại ầm ào kêu cứu Chính phủ. Thậm chí, họ còn mang việc làm, đời sống của 4.000 công nhân ra tạo áp lực để giải quyết bài toán kinh doanh thất bát của mình.
Chúng ta đã quá dễ dãi, nuông chiều không ít tập đoàn kinh tế con cưng. Khi gặp chút khó khăn đã vội dang tay đón đỡ nên qua nhiều năm, các con cưng này không lớn nổi. Việc cần làm là kiên quyết xử lý yếu kém để tạo “đề kháng” cho các tập đoàn ngày càng lớn mạnh chứ không phải mãi để nó an nhàn, vòi vĩnh và thiếu nỗ lực sống sót trong sự sòng phẳng của nền kinh tế thị trường.