ThienNhien.Net – Cả quả đồi nằm giữa khu dân cư bỗng nhiên bị xẻ ngang bổ dọc; một khu đất nằm ngay sát Sân bay quốc tế Nội Bài, giáp ranh khu đất Quốc phòng cũng bị đào xới múc lên mang bán.
Khi sự việc vỡ lở, chính quyền cơ sở đùn đẩy trách nhiệm, cơ quan chức năng loay hoay xử lý. Tình trạng khai thác tài nguyên đất ngay trên địa bàn Hà Nội đang trở thành vấn đề “nóng”.
Ngang nhiên múc đất bán
Tìm hiểu những vụ xẻ tài nguyên đất mang bán, phóng viên Báo ANTĐ được biết sau một thời gian lập chuyên án trinh sát, mới đây, các trinh sát Phòng Cảnh sát Môi trường (CSMT) và Phòng Cảnh sát Kinh tế (CSKT) cùng với Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) – CATP Hà Nội đã tập kích vào khu đất rộng cả chục ha, nằm sát mương thoát nước phía sau Sân bay quốc tế Nội Bài, thuộc địa bàn giáp ranh các xã Mai Đình, Quang Tiến (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), phát hiện và bắt quả tang số đông công nhân cùng 3 chiếc máy xúc đang hối hả múc đất thịt lên 19 xe tải hạng nặng (loại xe “hổ vồ”), có trọng tải hàng chục tấn được đăng ký từ các tỉnh, thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Nam…
Danh tính đối tượng cầm đầu điều hành hoạt động khai thác đất trái phép này được xác định là Nguyễn Văn Ngợi (SN 1963), ở xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ngoài Ngợi còn có Nguyễn Văn Phúc (SN 1969), ở xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn. Trong đó, Phúc đóng vai trò điều hành chung, còn Ngợi là người trực tiếp ghi sổ sách và chỉ đạo xúc đất mang bán. Điều đáng nói, khu đất các đối tượng múc trộm để bán nằm sát với khu vực đất Quốc phòng.
Ước tính, hàng trăm nghìn mét khối đất (loại đất thó và đất sét trắng) đã được các đối tượng khai thác đem bán cho các nhà máy, công ty sản xuất gạch quanh khu vực và địa bàn các tỉnh, thành phố giáp ranh Hà Nội. Với mỗi xe đất thó, các đối tượng bán giá 1,5 triệu đồng, còn đất sét trắng được bán với giá 90.000 đồng/m3.
Đây không phải là lần đầu tiên hàng chục triệu mét khối đất nằm sát phía sau Sân bay quốc tế Nội Bài bị khai thác trái phép, bởi trước đó, năm 2013 hàng triệu mét khối đất nằm cách khu đất này vài mét cũng đã bị khai thác mang bán cho các lò gạch, tạo ra những hố sâu cả chục mét. Cơ quan CSĐT – CATP Hà Nội đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Phúc và Nguyễn Văn Ngợi về hành vi “Vi phạm các qui định về khai thác tài nguyên” theo Điều 172, Bộ luật Hình sự.
Một vụ khai thác đất trái phép khác xảy ra tại khu đồi Vải, thôn Việt Yên, xã Yên Bài, huyện Ba Vì cách đây không lâu cũng khiến người dân không khỏi bất ngờ vì việc khai thác đất diễn ra cả ngày lẫn đêm mà không hề bị phát hiện. Khi vụ việc được báo chí phanh phui, chính quyền và cơ quan chức năng đều… đổ lỗi cho nhau.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bài cho rằng, khu vực đồi Vải tuy nằm trên địa giới hành chính xã Yên Bài, nhưng lại thuộc sự quản lý của Nông trường Hữu nghị Việt Nam – Mông Cổ. Do đó, phía nông trường có khai thác hay giao cho ai làm thì việc đó nằm ngoài trách nhiệm của chính quyền xã.
Tuy nhiên, ông Trương Hồng Ngọc, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Mông (đơn vị kế thừa của Nông trường Hữu nghị Việt Nam – Mông Cổ) cho biết, năm 2006, sau khi nông trường cổ phần hóa, công ty được bàn giao hơn 1.000ha đất.
Oái oăm ở chỗ khi bàn giao, công ty chỉ được nhận trên giấy tờ chứ không được cắm mốc ngoài thực địa. Ngoài ra, còn một số diện tích đất đồi đã được giao khoán 50 năm cho các xã viên cũ của nông trường. Chính vì thế, số diện tích đất đó hiện bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích hoặc mua bán bất hợp pháp nên công ty không thể quản lý được.
Không để thất thoát tài sản
Theo Thiếu tá Nguyễn Ngọc Cầm, Đội trưởng Đội 3, Phòng CSMT – CATP Hà Nội, những địa bàn xảy ra tình trạng khai thác trộm tài nguyên (đất đỏ, đất sét) thường tập trung tại các xã như Ba Trại, Phú Sơn (huyện Ba Vì); An Phú (huyện Mỹ Đức) và các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ), Đông Xuân, Hòa Thạch, Phú Mãn (huyện Quốc Oai), Hồng Kỳ, Bắc Sơn, Bắc Phú (huyện Sóc Sơn)…
“Ngoài những vụ việc nêu trên, từ cuối tháng 11-2016 đến ngày 30-5-2017, Phòng CSMT – CATP đã trực tiếp phát hiện và phối hợp với Công an các huyện Ba Vì, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức phát hiện, bắt giữ 10 vụ với 38 đối tượng khai thác đất trái phép; tạm giữ 10 máy xúc, 18 xe ô tô các loại, 3 xe công nông và xử phạt hành chính 7 vụ với hơn 117 triệu đồng”, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Cầm thông tin.
Thượng tá Phùng Quang Hiển, Phó trưởng Phòng CSMT – CATP Hà Nội cho biết, qua công tác điều tra cơ bản và nắm tình hình hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản (đất đồi, đất sét) trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phòng CSMT phát hiện một số địa bàn có đồi, núi, tình trạng khai thác trái phép đất đồi, đất sét đã diễn ra trong một thời gian dài, nhưng chính quyền địa phương chưa kiểm tra, xử lý triệt để.
Phân tích về tình trạng khai thác tài nguyên (đất đồi, đất sét) xảy ra trên địa bàn Hà Nội, Thượng tá Phùng Quang Hiển cho rằng, trước hết cần nhìn nhận thế nào là khai thác khoáng sản trái phép, bên cạnh đó, chính quyền những huyện ngoại thành cần hiểu rõ, việc khai thác đất là khai thác tài nguyên khoáng sản.
Bởi từ các vụ việc khai thác đất trái phép được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý cho thấy công tác quản lý của chính quyền địa phương còn buông lỏng, thờ ơ, thậm chí còn né tránh trách nhiệm và đùn đẩy cho nhau. Chính việc này đã để cho các cá nhân, tổ chức lợi dụng việc khai thác đất để bán đã gây thất thoát tài sản của Nhà nước.
Cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu địa phương
Theo quy định của pháp luật, khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ. Như vậy, đất có thể coi là một loại khoáng sản. Khi khai thác tài nguyên đất phải đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản, cũng như giấy phép khai thác khoáng sản trong những trường hợp bắt buộc phải xin giấy phép khai thác. Nhiều vụ khai thác đất trái phép bị phát hiện vừa qua, nhưng mới chỉ có vụ khai thác đất ở khu vực sát Sân bay quốc tế Nội Bài được khởi tố bị can, như vậy là quá ít. Cần xử lý mạnh tay và quyết liệt hơn nữa, thậm chí nếu có căn cứ có thể khởi tố vụ án hình sự. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, để có những hình thức xử lý cho phù hợp, tránh tình trạng khi xảy ra vụ việc né tránh, đùn đẩy nhau, làm mất đi tính nghiêm minh của pháp luật. Luật sư Vũ Quang Vượng,(Giám đốc Công ty Luật TNHH Quang Vượng) |