ThienNhien.Net – Hội nghị do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì về hoàn thiện Nghị định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, các doanh nghiệp cho rằng, vấn đề không phải cần nhà nước bỏ ngân sách ra hỗ trợ mà cái cần là cơ chế, chính sách và gỡ bỏ các rào cản về thủ tục hành chính.
Tại sao nhà kính không được thế chấp?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tán đồng với các đề xuất của cộng đồng hiệp hội, doanh nghiệp. Phó Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT, cơ quan chủ quản soạn thảo Nghị định tiếp thu nghiêm túc các ý kiến phát biểu xác đáng của doanh nghiệp để hoàn thiện Nghị định theo hướng vận dụng tối đa khuôn khổ pháp luật để xây dựng Nghị định này sao cho khi ban hành tạo sức bật mạnh mẽ, chuyển biến thực thụ.
“Sau 3 năm thực hiện Nghị định 210 mà chỉ hỗ trợ được 64 dự án với số vốn rất là nhỏ. 64 dự án so với 500.000 doanh nghiệp thì đúng là không có ý nghĩa gì, nói thẳng ra là Nghị định 210 không có tác dụng gì. Chúng ta xem thực tế doanh nghiệp họ đang cần gì? Xem doanh nghiệp cần cơ chế, chính sách hay là cần hỗ trợ tiền. doanh nghiệp họ kêu rằng, thủ tục và xét duyệt của ta còn nhiêu khê lắm”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng đề nghị nên chăng thể chế hóa các quyết định của Chính phủ liên quan đến nông nghiệp đưa vào trong Nghị định này, chẳng hạn như Quyết định 08 về phát triển rừng; Nghị định 55 về tín dụng, Nghị định 67 về tàu cá, Nghị định 89… để chúng ta gỡ bỏ luôn các rào cản để dồn tất cả vào hẳn Nghị định này, như thế có được không?
Chính quyền Hà Nam giao cho Sở TN-MT thuê đất cho doanh nghiệp làm; Thái Bình giao cho Trung tâm quyền sử dụng đất đứng ra thuê đất cho doanh nghiệp sản xuất. Những phát sinh mới này Nghị định xem có đưa vào ưu đãi để doanh nghiệp được hưởng không?
Một vấn đề vướng mắc là xác lập quyền tài sản trên đất. Cả khu nhà kính người ta làm như thế mà không được thế chấp là vô lý. “Tôi có hỏi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT là vì sao, Bộ trưởng bảo có vướng một Thông tư của Bộ TN-MT. Vậy thì Nghị định này phải điều chỉnh tháo gỡ được vướng mắc đó của Thông tư. Vô lý lắm chứ, cái nhà nhỏ nhỏ thì được thế chấp trong khi cả một nhà kính làm lớn như thế, quy mô như thế lại không được thế chấp? Cái đó phải điều chỉnh ngay”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, doanh nghiệp họ rất sợ việc quy hoạch đất đai của các địa phương cứ thay đổi liên tục. Liệu Nghị định có khắc phục được điều đó không? Nên có một điều khoản địa phương phải công khai quy hoạch sử dụng đất.
Phó Thủ tướng lưu ý các điều về ưu đãi. Xem vấn đề đó có phải là điều mà doanh nghiệp cần không? Giao cho địa phương dành ngân sách 1 – 2% GDP để đầu tư có khả thi không? Nếu làm như thế thì lấy kinh phí lấy đâu ra mà làm, điều kiện như thế nào? Và có cam kết sẽ không xảy ra xin cho và thực sự có chuyển biến không?
“Tôi thì luôn thường trực với câu hỏi, những ưu đãi trong Nghị định đã phải là những điều mà doanh nghiệp cần chưa hay doanh nghiệp họ cần cơ chế, chính sách hơn là tiền. Tinh thần là không để xảy ra tình trạng ngứa trên đầu mà lại gãi dưới chân”, Phó Thủ tướng nói.
Quy định xa rời thực tế
Tại hội nghị nhiều ý kiến cộng đồng doanh nghiệp nêu lên đề nghị ban soạn thảo xem xét lại nội hàm của Nghị định vì cứ như bản thảo thì khó khả thi. Bà Thái Hương, TGĐ Tập đoàn TH cho rằng, lẽ ra Bộ KH-ĐT nên tổ chức các hội thảo lắng nghe ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp sau đó hoàn thiện dự thảo Nghị định trình Phó Thủ tướng cho hội nghị hôm nay thì sẽ hay hơn. Vì qua đọc bản thảo này, bà Hương cho rằng, Nghị định này sẽ không áp dụng được, nếu ban hành sẽ đẻ ra cơ chế xin cho và chạy đua xin tiền.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Quyền, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Việt Nam cho rằng, Điều 16 của Nghị định quá xa thực tế. Xa thì khó thực thi. Thực tế gỗ rừng trồng từ hai vùng Tây Bắc và Tây Nguyên rất ít. Tây Nguyên đã chuyển sang trồng các loại cao su, cà phê, tiêu điều… hết rồi. Nếu đầu tư mới nhà máy thì sẽ là quá tốn kém. 5 tỉnh Tây nguyên có duy nhất một nhà máy ở An Khê nhưng không có nguyên liệu, phải xuống Binh Định mua.
“Theo tôi có hai vấn đề cần hỗ trợ. Một là hỗ trợ trồng rừng cho hai vùng Tây Nguyên và Tây Bắc. Phải hỗ trợ đầu tư trồng rừng bằng vốn vay ưu đãi. Muốn có tiền vay ổn định lâu dài sẽ rất có lợi. Hai là đầu tư công nghệ nhà máy vốn có. Có những doanh nghiệp lớn mà vẫn đang sử dụng công nghệ của Đài Loan, Trung Quốc. Phải đầu tư cho chiến lược phát triển”, ông Quyền đề nghị.
Chủ tịch HĐQT Cty CP TCty giống cây trồng Thái Bình Trần Mạnh Báo đề nghị không chỉ có miễn thuế quyền sử dụng đất mà Chính phủ nên miễn luôn thuế nhập khẩu linh kiện cho doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến. “Đó là cái doanh nghiệp cần chứ không phải cần tiền ngân sách hỗ trợ. Hãy hỗ trợ doanh nghiệp bằng loại bỏ những thủ tục hành chính rườm rà không cần thiết và bằng chính sách miễn thuế”, ông Báo kiến nghị.
Đừng để một dòng trong Thông tư làm cản sự phát triển
Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng và nhiều doanh nghiệp về xác lập quyền tài sản trên đất, Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, tài sản trên đất là các loại công trình trên đất do Bộ Xây dựng công nhận; cây lâu năm, cây rừng do Bộ NN-PTNT xác nhận. Về nhà kính, sẽ đưa vào thông tư hướng dẫn Nghị định 01 sửa đổi bổ sung các nghị định thi hành luật đất đai.
Phó Thủ tướng ngắt lời bà Hoa và lưu ý với Bộ TN-MT rằng, khi triển khai gói 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp họ kêu ca chỗ này lắm rồi. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nói rằng, nó chỉ vướng đúng một dòng trong Thông tư của Bộ TN-MT. Tại sao lại chỉ để một dòng của Thông tư làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước, tạo lực cản choa doanh nghiệp? Tại sao không sửa luôn trong Nghị định này mà lại phải chờ đợi gì nữa?
“Chẳng cần gì đến tiền nong cả, chỉ cần một quy định là tất cả tài sản hình thành trên đất (xác lập quyền tài sản trên đất) của doanh nghiệp đều có quyền mang đi thế chấp để vay vốn. Chỉ có một dòng đơn giản thế thôi”, Phó Thủ tướng nhắc lại và giao Bộ TN-MT lưu ý để xóa bỏ mọi rào cản cho doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT kết quả thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn còn rất hạn chế. Tính đến tháng 9/2016 chỉ có 4.424 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm dưới 1% tổng số doanh nghiệp cả nước. Quy mô của doanh nghiệp nông nghiệp chủ yếu nhỏ và vừa (chiếm 55%) ở mức dưới 5 tỷ đồng thậm chí còn có tới gần 50% doanh nghiệp ngành nông lâm thủy sản có quy mô siêu nhỏ (dưới 10 lao động).
Ngân sách nhà nước giải ngân cho đầu tư nông nghiệp rất hạn hẹp. Ngân sách Trung ương năm 2015 hỗ trợ được 200 tỷ đồng cho 21 địa phương thực hiện 40 dự án với tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng, khoảng 5 tỷ đồng/dự án. Năm 2016, ngân sách trung ương chỉ còn phân bổ được 185 tỷ đồng làm nguồn vốn thực hiện các chính sách hỗ trợ. Một số quy định tại Nghị định chưa phù hợp với thực tế. Chẳng hạn điều kiện thụ hưởng chính sách của Nghị định khó khả thi do nhiều tiêu chí có định mức quá cao hoặc khó xác định nên doanh nghiệp khó tiếp cận chính sách. |