ThienNhien.Net – Dự án cải tạo kênh Ba Bò được đầu tư với tổng số tiền hơn 1.100 tỉ đồng, khởi công xây dựng đã gần 10 năm nhưng đến nay, tình trạng ô nhiễm vẫn chưa thể khắc phục
Kênh Ba Bò từ tỉnh Bình Dương trải dài qua địa bàn quận Thủ Đức – TP HCM, từ lâu được ví là “kênh chết”, “kênh thối”… Gần đây, cùng với những trận mưa đầu mùa, tình trạng ô nhiễm của con kênh này khiến cư dân trong vùng không thể chịu nổi.
Hạ nguồn: Chứa chất thải
Theo bờ kênh Ba Bò từ cầu Tỉnh Lộ 43 về hạ nguồn (thuộc phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức), chúng tôi không thể chịu nổi mùi hôi nồng nặc liên tục xộc lên từ dòng nước đen đặc. Ven bờ kênh, nước thải từ các khu dân cư cũng liên tục đổ xuống dòng kênh khiến ô nhiễm càng trở nên trầm trọng. Rác thải sinh hoạt ngập trên mặt nước. Những hộ dân sống ven kênh đều đóng kín cửa để tránh mùi hôi. Ông Bùi Văn Chót (ngụ phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) mô tả: “Ba Bò không còn là một dòng kênh nữa mà đúng nghĩa hơn thì nó đã trở thành nơi chứa chất thải”.
Sống tại khu vực gần cầu Tỉnh lộ 43 hơn 20 năm nay, ông Chót kể trước đây, dù 2 bên dòng kênh chỉ là những gò đất gồ ghề, cỏ mọc um tùm nhưng dòng nước luôn trong xanh, tôm cá rất nhiều. Dòng nước bắt đầu trở nên nhờn nhợt đen từ khi các KCN Sóng Thần 1, 2, Đồng An (tỉnh Bình Dương)… mọc lên. Và cũng từ đó, sinh hoạt của người dân buộc phải xa dần với dòng kênh do không thể chịu được ô nhiễm. “Dòng kênh bẩn bao nhiêu thì những hộ dân nơi đây cũng phải khổ sở bấy nhiêu. Nhiều gia đình đã phải bán nhà chuyển đến nơi khác sinh sống vì không thể chịu nổi ô nhiễm” – ông Chót nói.
Chị Nguyễn Thị Thanh Trang (ngụ phường Bình Chiểu) cho hay tình trạng ô nhiễm dưới kênh Ba Bò thường trầm trọng hơn sau mỗi cơn mưa lớn. Vào khoảng năm 2013, dòng kênh khi được nạo vét, xung quanh xây bờ kè…, ô nhiễm giảm bớt nhưng vài năm trở lại đây, ô nhiễm lại tái diễn khi nước đen đặc, bốc mùi hôi nồng nặc làm người dân ở cả vùng xung quanh phải khổ sở chịu đựng. “Người lớn còn đỡ nhưng khổ nhất là trẻ con khi ô nhiễm đe dọa trực tiếp đến sức khỏe. Có rất nhiều trường hợp mắc các bệnh về hô hấp tại khu vực này” – chị Trang lo lắng.
Thượng nguồn: Nghi lén xả thải
Ở phía thượng nguồn thuộc địa phận tỉnh Bình Dương, tuy có cải thiện nhưng gần dòng kênh bị ô nhiễm nặng trở lại.
Một phụ nữ ngụ khu phố Đồng An 2, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An nói: “Bây giờ đỡ hôi chứ hôm qua trời mưa, nước đen đổ về nhiều lắm, hôi kinh khủng. Nhà tôi phải đóng cửa, không chịu nổi”. Nhiều người dân sống ở đoạn này nghi ngờ có doanh nghiệp (DN) nào đó lợi dụng trời mưa để xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh.
Càng đi ngược về phía thượng nguồn, màu nước càng bớt đen hơn nhưng có khá nhiều rác thải sinh hoạt do người dân vứt xuống kênh gây cản trở dòng chảy. Ông Lê Thanh Thủy (ngụ khu phố Đồng An 3, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An) chia sẻ: “So với khi làm dự án thì kênh đã đỡ ô nhiễm. Bờ kênh rộng, người dân đi lại tập thể dục thoải mái. Nhưng tôi để ý thấy có vài trận mưa nhỏ, nước ở đâu đổ về kênh rất nhiều”. Ông Thủy cũng nghi ngờ có DN nào đó “té nước theo mưa”.
Theo một nhân viên của Công ty CP Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase), kênh Ba Bò phía Bình Dương đang tiếp nhận nước thải từ KCN Sóng Thần 1, Sóng Thần 2, Đồng An và một số DN bên ngoài KCN. Về nguyên tắc, các DN phải xử lý nước thải đạt chuẩn rồi mới xả ra kênh Ba Bò. Với việc dân nghi ngờ DN tranh thủ trời mưa để xả thải nước thải không qua xử lý ra kênh, nhân viên này nói: “Tôi đi khảo sát cũng nghe dân nói như vậy nhưng không biết nguồn xả từ đâu nên không dám kết luận. Việc này thuộc trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường”.
Ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, khẳng định sở đã có biện pháp quản lý chất lượng nước thải của các KCN Sóng Thần, Đồng An… Vì cũng liên đới chịu trách nhiệm nên nếu phát hiện DN nào trong KCN lén xả thải, chủ đầu tư các KCN cũng sẽ báo sở kiểm tra. Khi được hỏi đối với các DN nằm ngoài KCN thì sao, ông Nguyễn Hồng Nguyên phân trần: “Định kỳ cũng kiểm tra thì thấy họ có vận hành hệ thống xử lý nước trước khi đổ ra kênh. Nhưng mình kiểm tra một, hai lần rồi thôi. Mình không có nguồn lực để ngày nào cũng đi kiểm tra họ vì phải kiểm tra nhiều khu vực khác”…
Đổ lỗi cho nhau?
Dự án cải tạo kênh Ba Bò được tỉnh Bình Dương hoàn thành vào năm 2015. Toàn tuyến kênh qua địa bàn tỉnh này được xây bằng bê tông cốt thép, dài hơn 3 km. Dự án có nhiệm vụ tiếp nhận nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt trong khu vực, không có hạng mục xử lý nước thải. Tổng vốn đầu tư dự án là 345 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh Bình Dương. Ông Nguyễn Hồng Nguyên khẳng định: “Đến nay, kênh Ba Bò phía Bình Dương đã tương đối ổn!”. Theo cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, một trong những lý do khiến ô nhiễm kênh Ba Bò chưa khắc phục hoàn toàn là do ở hạ nguồn, phía TP HCM, dự án cải tạo đang triển khai dang dở.
Trong khi đó, ông Võ Thanh Huy, Trưởng Ban Quản lý Dự án cải tạo kênh Ba Bò thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM (gọi tắt là Trung tâm chống ngập), cho biết phía TP HCM, dự án được UBND TP phê duyệt từ 2007, đến 2008 thì bàn giao lại cho Trung tâm chống ngập, với số vốn đầu tư 743 tỉ đồng. Tuy nhiên trong quá tình thực hiện, do xuất hiện tình trạng ô nhiễm ở kênh Ba Bò nên TP yêu cầu trung tâm nghiên cứu thêm hồ điều tiết. Dự án gồm 7 gói thầu, đến nay đã hoàn thành 97%; 3% còn lại là phần công trình điện, dự kiến hoàn thành trong tháng 7 tới.
Khi nói về nguyên nhân để xảy ra ô nhiễm kéo dài như hiện nay, ông Huy cho rằng nguyên nhân không phải do dự án hồ điều tiết bị chậm mà chủ yếu là do nguồn nước thải của các KCN trên tỉnh Bình Dương quá nhiều loại khác nhau. Do đó, dù gần bước sang tháng 7, hồ điều tiết nếu có đưa vào vận hành thì nguồn ô nhiễm này cũng rất khó khắc phục một khi phía Bình Dương không xử lý trước.
Giải thích rõ hơn, ông Huy nói hồ điều tiết của TP HCM chỉ xử lý khâu cuối cùng. Cụ thể, sau khi tiếp nhận nguồn nước thải đã qua xử lý từ phía Bình Dương, hồ xử lý thêm lần nữa, khi đạt chuẩn mới đưa ra sông Sài Gòn. “Dù hồ sinh học có vận hành đi nữa thì cũng không thể xử lý tất cả hóa chất của các KCN ở Bình Dương thải ra. Mỗi KCN thải một hóa chất khác nhau nên hồ điều tiết không thể xử lý hết được!” – ông Huy nhấn mạnh.
Trước câu hỏi nếu phía Bình Dương không xử lý nước thải liệu TP HCM có cách nào khác để ngăn chặn nguồn nước ô nhiễm này vào TP hay không, ông Huy quả quyết không còn cách nào khác và khẳng định lại việc xử lý nước thải thuộc trách nhiệm của Bình Dương…
Không thể chậm trễ!
Còn nhớ, người dân TP HCM và tỉnh Bình Dương sống dọc kênh Ba Bò vui mừng như thế nào khi năm 2007, UBND TP HCM quyết định đầu tư hàng trăm tỉ đồng để cải tạo con kênh này sau một thời gian dài “đấu tranh”. Đến tháng 10-2008, dự án cải tạo kênh Ba Bò chính thức được khởi công dưới sự chứng kiến của lãnh đạo UBND TP cũng như tỉnh Bình Dương và trước niềm hân hoan của người dân 2 địa phương. Tổng vốn dự kiến ban đầu là 307 tỉ đồng với quy mô xây dựng tuyến kênh chính Ba Bò dài hơn 1.700 m và tuyến kênh nhánh dài 865 m, hồ điều tiết rộng 6 ha. Tuy nhiên đến năm 2009, dự án được bổ sung thêm hạng mục hồ sinh học, trạm bơm để xử lý ô nhiễm… Vốn được điều chỉnh tăng lên hơn 743 tỉ đồng. Trong khi đó, năm 2013, phía tỉnh Bình Dương cũng đã triển khai dự án cải tạo kênh Ba Bò với vốn đầu tư 345 tỉ đồng.
Đã đến lúc chúng ta thẳng thắn nhìn thực tế, không né tránh. Thực tế đó là sau gần 10 năm triển khai với số vốn đầu tư không hề nhỏ để cứu dòng kênh “chết” vì ô nhiễm, nhưng đến nay nó vẫn chưa thể “sống” lại được.
Cho dù nguyên nhân nào đi chăng nữa thì cũng cần nghiêm túc đặt vấn đề: đồng tiền để làm dự án là tiền thuế của dân nên không thể lãng phí. Người dân đang trông chờ tiếng nói của đại biểu HĐND TP – nơi họ đã gửi gắm cả tâm tư nguyện vọng của mình.
Cần lắm việc HĐND TP tiếp tục có những cuộc giám sát dự án này. Và kịp thời hơn là đưa vấn đề này ra bàn thảo tại kỳ họp HĐND TP dự kiến diễn ra đầu tháng 7 này.