ThienNhien.Net – Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay môi trường không khí ở các đô thị trên thế giới đều bị ô nhiễm nặng nề, dẫn tới chất lượng cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng.
Hàng năm, WHO thống kê có khoảng 7 triệu người tử vong sớm bởi ô nhiễm không khí. Nguy hiểm hơn, có khoảng 80% cư dân thành thị đang hàng ngày phải tiếp xúc với bầu không khí ô nhiễm vượt quá mức cho phép của WHO. Và ô nhiễm không khí hiện nay được cho là “sát thủ vô hình” đối với sức khỏe người dân toàn thế giới. Do đó, các giải pháp làm sạch không khí cần phải được ý thức từ mỗi cá nhân để bảo vệ hành tinh xanh.
Phối hợp giải pháp truyền thống
Theo các chuyên gia môi trường, giải pháp ưu tiên hàng đầu trong việc giảm thiểu mức ô nhiễm không khí trong các đô thị là trồng nhiều cây xanh, bởi cây sẽ hấp thụ các khí thải độc hại như CO2 và cho ra lượng O2 trong lành. Ngoài ra, việc trồng cây xanh lâu năm cũng sẽ mang lại bóng mát trên các con phố, tạo cho chúng ta một cảm giác thư thái.
Dựa trên giải pháp này, Công ty Green City Solutions ở Berlin (Đức) đã phát minh ra City Tree – Cây xanh đô thị, có khả năng lọc các chất độc hại, ô nhiễm trong không khí và tạo môi trường xanh, sạch, đẹp cho các thành phố. Green City Solution chia sẻ, phát minh của họ sẽ mang tới lợi ích môi trường tương đương hiệu quả của 275 cây xanh lâu năm.
Theo thiết kế, mỗi City Tree là một hình khối phủ rêu xanh, có chiều cao khoảng 4m, rộng 3m và chiều sâu khoảng 2,2m với 2 loại mẫu khác nhau, một loại có ghế băng kèm theo và một loại không có. Trên mỗi City Tree sẽ được tích hợp màn hình lớn dùng để hiển thị các thông tin liên quan tới thời tiết, giao thông đô thị, hay dùng cho mục đích quảng cáo.
Ngoài ra, để giám sát tình hình của City Tree, các nhà thiết kế còn trang bị các cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm và chất lượng nước. Đặc biệt, phía bên trong City Tree còn lắp thêm một cảm biến khác dùng để theo dõi chất lượng không khí xung quanh, sau đó sẽ được hiển thị trên màn hình.
“Môi trường rêu xanh có diện tích bề mặt lá lớn hơn bất kỳ một cây xanh nào khác. Điều này cho thấy, hiệu quả lọc không khí, hấp thụ chất gây ô nhiễm của nó chắc chắn sẽ có nhiều lợi ích hơn các cây xanh thông thường”, Zhengliang Wu, đồng sáng lập, Giám đốc kỹ thuật Công ty Green City Solutions, cho biết.
Nhờ bề mặt tiếp xúc rộng nên rêu xanh có thể loại bỏ khói bụi, khí NO2… ra khỏi bầu không khí. Còn điều đặc biệt nữa là City Tree có thể tự vận hành nhờ vào lượng điện tạo ra bởi các tấm pin năng lượng Mặt trời, và nước mưa sẽ được tích trữ trong bể chứa phía dưới rồi được bơm vào đất khi cần. Mỗi ngày, City Tree có thể hấp thụ khoảng 250g bụi và hạn chế khí thải nhà kính khi loại bỏ khoảng 240.000 kg CO2 mỗi năm.
Sự ủng hộ nhiệt tình từ chính quyền các thành phố
Hiện nay, 20 mô hình City Tree đã được Green City Solutions triển khai trên nhiều thành phố lớn như Oslo (Thụy Điển), Paris (Pháp), Brussels (Bỉ) và Hồng Kông (Trung Quốc). Tuy mức giá khoảng 25.000 USD khá đắt nhưng công ty đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ chính quyền các thành phố này. Pháp đã chi số tiền khoảng 85.500 euro cho Green City Solutions phát triển mô hình cây xanh trên để giảm mức độ ô nhiễm của Thủ đô Paris. “Giải pháp của các bạn rất hay, rất hiệu quả và đương nhiên cũng rất cần thiết. Do đó, công ty nên triển khai mô hình này ở thành phố Paris”, cựu Tổng thống Pháp Francios Hollande cho biết.
Trước đó, do ô nhiễm không khí nên từ tháng 1-1997, chính quyền thành phố Paris đã cấm các loại xe trên một số tuyến phố từ 8h sáng đến 20h cùng ngày, hay thậm chí áp dụng “luật” biển số xe chẵn, lẻ đối với các phương tiện giao thông. Thị trưởng Paris Anne Hidalgo nhấn mạnh giải pháp này là rất cần thiết để “giải cứu” các thành phố. Còn Thị trưởng London (Anh) Sadiq Khan chia sẻ, mỗi năm có khoảng 10.000 người dân thành phố này tử vong sớm do ô nhiễm không khí và cam kết sẽ hợp tác với Green City Solutions để giải bài toán ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, các chuyên gia của Green City Solutions đang triển khai City Tree ở những nơi có mật độ ô nhiễm không khí nặng nề nhất để khắc phục việc khói xe thường phát tán theo phương thẳng đứng. Xa hơn nữa, mục tiêu của họ là hướng tới các tòa nhà cao tầng ở các thành phố lớn, vừa có bề mặt diện tích lớn lại có thể “lọc” không khí ô nhiễm một cách hiệu quả nhất.