ThienNhien.Net – Trước thềm phiên họp đặc biệt của Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Kông (MRC) nhằm kết thúc 6 tháng đầu tiên của quy trình Tham vấn trước đối với đập Pak Beng, hôm nay ngày 16/06/2016, Liên minh Cứu sông Mê Kông (StM) đã đưa ra thông cáo kêu gọi gia hạn quy trình này.
Theo đó, StM cho rằng việc kéo dài thời hạn của quy trình Tham vấn trước đối với đập Pak Beng là cần thiết để các quốc gia thành viên MRC có đủ thời gian đánh giá thêm các nghiên cứu và thông tin bổ sung, đồng thời cân nhắc kết quả Nghiên cứu Hội đồng MRC, dự kiến sẽ được hoàn thiện vào cuối năm nay.
Theo thông cáo, cho đến nay vẫn còn nhiều quan ngại sâu sắc đối với chất lượng các nghiên cứu và thông tin nền được sử dụng để đánh giá các tác động xã hội và môi trường của dự án Pak Beng đối với sông Mê Kông. Dự thảo Báo cáo Rà soát Kỹ thuật của MRC đã chỉ ra nhiều lỗ hổng nghiêm trọng trong dữ liệu về nguồn cá, thủy văn và phù sa trong các văn bản dự án bao gồm báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường, đồng thời kết luận rằng tác động xuyên biên giới của dự án vẫn chưa được đánh giá đầy đủ. Một báo cáo rà soát độc lập khác của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (IR) cũng đã kết luận thông tin từ đơn vị phát triển dự án chưa đầy đủ để có thể đánh giá toàn diện các tác động, khiến các biện pháp giảm thiểu tác động được đề xuất khó đảm bảo tính khả thi.
Bên cạnh đó, chất lượng tham vấn cấp quốc gia và sự tham gia của cộng đồng trong quy trình tham vấn trước không hề được đảm bảo. Các cuộc tham vấn tổ chức tại Campuchia, Thái Lan và Việt Nam được cho là thiếu tính đại diện, vắng bóng các cộng đồng bị ảnh hưởng và đơn vị phát triển dự án, hạn chế thông tin và phạm vi thảo luận. Các nhóm cộng đồng ven sông Mê Kông tại Thái Lan đã đâm đơn kiện Ủy ban sông Mê Kông Thái Lan cũng với lý do trên.
Thông cáo khẳng định, quyết định cuối cùng về dự án đập Pak Beng cần dựa trên sự đồng thuận toàn lưu vực, đặt nền tảng từ các nghiên cứu khoa học và nhận thức sâu sắc về các tác động xuyên biên giới của các dự án đập trên dòng chính sông Mê Kông. Trong đó, Pak Beng cần tránh đi vào lối mòn của hai dự án trước là Xayaburi và Don Sahong – vốn được khởi công một cách thiếu minh bạch và khoa học.
Đan Khuê