ThienNhien.Net – Cùng với công nghiệp khai khoáng, nông nghiệp là trụ cột quyết định đến mức độ tăng trưởng GDP. Với mục tiêu GDP 2017 đạt 6,7%, mức tăng trưởng “nhẹ nhưng chưa bền vững” của nền nông nghiệp rất cần những giải pháp mạnh mẽ và đồng bộ để đạt được kỳ vọng là động lực thúc đẩy tăng trưởng trong điều kiện biến đổi khí hậu và cạnh tranh khốc liệt.
Trong những năm gần đây, nền nông nghiệp không chỉ đáp ứng cho nhu cầu về lương thực, về thực phẩm trong nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn xuất khẩu. Mặc dù có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế nhưng mô hình tăng trưởng nông nghiệp hiện nay đang bộc lộ nhiều điều đáng lo ngại về chất lượng, giá trị của hàng nông sản khi “đầu ra” cho nông sản vẫn bấp bênh.
“Hát mãi bài ca không được cấp phép”
Đó là cách ví von của ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) về điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn lặp lại hàng năm và ngày càng mở rộng đến nhiều loại nông sản. Nếu như trước đây tình trạng dư cung, rớt giá chủ yếu đối với gạo, cá tra, một số loại lương thực, dưa hấu… thì nay đã “bao phủ” đến cả sản phẩm chăn nuôi như lợn, trứng gia cầm, rồi tỏi, hành tím, hồ tiêu, điều, thanh long, chuối, cà chua… càng khiến người nông dân thấy bất an, không thiết tha với nghề nông. ĐB Nguyễn Sỹ Cương còn lo ngại “tới đây danh sách nông sản ế thừa chắc còn kéo dài nữa. Hiện nay chúng ta đang chứng kiến nỗi đau của người chăn nuôi khi “thịt lợn rẻ như khoai lang, nhai nát sổ đỏ”…
Còn ĐB Nguyễn Quốc Hận bức xúc: “Quá nhiều bài học về khủng hoảng thừa các sản phẩm từ nông nghiệp nào tiêu, điều, chuối, thanh long, dưa hấu, nay đến heo hơi, sắp tới không biết đến loại nào nữa đây. Tôi cho rằng với nền kinh tế thị trường thì giá cả phụ thuộc và chịu ảnh hưởng bởi quy luật cung – cầu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sự quản lý của Nhà nước ở đâu, chúng ta đã có các cơ quan quản lý nhà nước ở các lĩnh vực, tại sao lại để vấn đề này diễn ra hết năm này đến năm khác, hết loại này đến loại khác, làm thiệt hại cho sản xuất trong nước, làm cho đời sống nông dân vốn dĩ đã khó khăn lại càng khó khăn. Tôi đề nghị Chính phủ phải phân tích rõ nguyên nhân, có xem xét trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan”.
Năm 2016, khu vực nông nghiệp chịu ảnh hưởng thiên tai, sự cố môi trường đã có mức độ tăng trưởng giảm sút mạnh khiến tốc độ tăng trưởng GDP năm 2016 chỉ đạt 6,21%, thấp so với kế hoạch 6,7%. Đầu năm 2017, tốc độ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp cũng chưa đạt kỳ vọng, nhất là liên tiếp có những cuộc kêu gọi “giải cứu” nông sản chủ yếu do thiếu quy hoạch trong sản xuất, dẫn đến sản lượng cao, nguồn cung dư thừa nhưng không có đầu ra ổn định.
Tình trạng trên có phần do đa số bà con nông dân sản xuất quy mô nhỏ lẻ, tự phát theo tâm lý “người ta làm được thì mình làm” trong khi công nghiệp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch của nước ta còn nhiều hạn chế dẫn đến giá trị nông sản thấp, thu nhập của một bộ phận nông dân chủ yếu vẫn là “lấy công làm lãi”. Người nông dân chỉ biết sản xuất nên thường xuyên chịu cảnh bị ép giá, thậm chí khi thương lái “bỏ rơi” thì chỉ còn biết “khóc ròng bên đồng ruộng và những nông sản chín rũ mà không buồn thu hoạch”.
Tìm “đầu ra” cho nông sản để không còn những cuộc “giải cứu”
Để đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững trong thời gian tới, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp là việc cần làm liên tục. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến quy hoạch nông sản theo từng vùng, miền, mùa vụ, tập trung vào những loại nông sản có khả năng tạo nên thương hiệu của nền nông nghiệp Việt nhờ những ưu thế tự nhiên. Khuyến khích doanh nghiệp “đổ tiền” vào lĩnh vực nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân để dần chuyên nghiệp hóa chuỗi sản xuất nông nghiệp… Đồng thời cần có những quy hoạch cơ sở hạ tầng, quy hoạch sản xuất theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu cho từng vùng miền. Trên cơ sở quy hoạch tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông, phục vụ sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân nhằm rút ngắn quãng đường từ khu sản xuất đến nơi tiêu thụ.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Ngân hàng Nhà nước, thiệt hại ước tính riêng cho khu vực chăn nuôi thời gian qua là không nhỏ, dư nợ cho vay chăn nuôi lợn là 32.492 tỷ chưa kể cho vay sản xuất thức ăn chăn nuôi 12.721 tỷ, cho vay sản xuất thuốc thú y là 485,4 tỷ. Nguy cơ số dư nợ trên trở thành nợ xấu đã đành, điều đáng quan tâm hơn là có hàng triệu người chăn nuôi trên cả nước, kể cả người đi vay ngân hàng và người tự bỏ vốn ra chăn nuôi rơi vào cảnh vỡ nợ, phá sản là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Phân tích tình trạng trên, ĐB Nguyễn Sỹ Cương mong muốn “việc lo đầu ra cho nông nghiệp cần được xem xét một cách nghiêm túc vì phát triển sản xuất mà không có đầu ra thì sản xuất để làm gì”.
Ngoài ra, nhìn từ thực tế hoạt động nông nghiệp ở Tây Nguyên trước thách thức của biển đổi khí hậu, nhất là hạn hán nghiêm trọng và đồng hành là mất rừng, suy giảm rừng, ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đề nghị Nhà nước tiếp tục đầu tư, khuyến khích đầu tư đồng bộ các chương trình thủy lợi, hồ chứa nước, khắc phục tình trạng các công trình thủy lợi hàng trăm tỷ, sau khi hoàn thành công trình đầu mối nhưng chậm phát huy hiệu quả do tỉnh, huyện khó khăn không bố trí được vốn, xây dựng các tuyến kênh phụ và kênh nội đồng để “đưa được nước về cho đồng ruộng”…