ThienNhien.Net – Thông qua các chỉ số được cơ quan chức năng thống kê, có thể thấy chất lượng môi trường TP Hồ Chí Minh đang có chiều hướng suy giảm. Trước thực trạng trên, chính quyền thành phố đã quyết tâm đẩy lùi tình trạng ô nhiễm với lộ trình và các chỉ tiêu cụ thể.
Thực tế đáng lo ngại
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi các tác động từ môi trường do hằng ngày có gần 1,8 triệu mét khối nước thải sinh hoạt xả ra môi trường; khoảng 839 nguồn thải công nghiệp, chủ yếu do hoạt động sản xuất, xây dựng…; chất thải rắn sinh hoạt khoảng 8.300 tấn/ngày và từ công trình xây dựng khoảng 1.200-1.600 tấn/ngày. Bên cạnh đó, thành phố đang phải tiếp nhận trên dưới 3.000m3/ngày lượng bùn thải phát sinh của các trạm và nhà máy xử lý cấp nước, nước thải…; 1.500-2.000 tấn chất thải công nghiệp/ngày, trong đó, chất nguy hại khoảng 350-400 tấn…
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, dự báo đến năm 2020, nguồn rác thải ra trên địa bàn thành phố tăng lên gần 10.100 tấn/ngày (tăng bình quân 5% mỗi năm) và đến năm 2025, tăng lên gần 13.000 tấn/ngày. Hiện tại, có nhiều bất cập trong thu gom và xử lý chất thải như: Thiết bị thu gom rác thải dân lập quá thô sơ và xuống cấp; phương tiện vận chuyển rác đã cũ; tính kết nối giữa công tác thu gom tại nguồn và vận chuyển không đồng bộ. Đáng nói, công nghệ xử lý chủ yếu vẫn là chôn lấp, chiếm nhiều diện tích đất, phát sinh ô nhiễm về mùi, nước rỉ rác…
Mới đây, tại kỳ họp bất thường của HĐND TP Hồ Chí Minh chuyên đề về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá, ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân. Đáng báo động, tình hình ô nhiễm vẫn đang diễn biến theo hướng đáng lo ngại. Cụ thể, nước mặt, nước ngầm, tiếng ồn, không khí, bùn thải…, chưa được xử lý đạt yêu cầu. Mức độ ô nhiễm tại nhiều nơi vượt chuẩn cho phép, ảnh hưởng cho khu dân cư, gây bức xúc. Trong khi, công tác quản lý nhà nước về môi trường đô thị, khu dân cư và chất thải đang tồn tại nhiều hạn chế, bất cập như: Thiếu tính phối hợp, chưa bám sát kế hoạch nên chưa tạo ra hiệu quả. Mặt khác, ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận tổ chức, cá nhân sinh sống, lao động, sản xuất, kinh doanh chưa tốt; công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa đồng bộ, kịp thời.
Nâng cao công tác phối hợp…
Về công tác bảo vệ môi trường thời gian tới, theo Tiến sĩ Vương Đức Hoàng Quân, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, trước hết, thành phố cần tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong vấn đề xả thải ra môi trường. Nếu cá nhân, tổ chức nào thực hiện không nghiêm, cần đưa ra các quy định xử phạt, chế tài thật mạnh. Đồng thời, nâng cao hiệu quả của sự phối hợp giữa các sở, ngành, chính quyền địa phương; chủ động xây dựng kế hoạch trung và dài hạn về bảo vệ môi trường. Trong đó, cần đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại và khép kín để bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường khi vận chuyển rác, đồng thời có cơ chế khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn sẽ giảm phí thu gom; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường.
Theo Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu TP Hồ Chí Minh, cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu chế xuất, khu công nghiệp…; thiết lập hệ thống quan trắc tự động với trang thiết bị hiện đại, tiên tiến nhằm theo dõi, đánh giá chất lượng môi trường, có đường truyền dữ liệu về cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt, cần công khai thông tin môi trường rộng rãi, nhất là các khu vực ô nhiễm để người dân biết và theo dõi.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Văn Khoa cho biết, từ nay đến năm 2020, UBND thành phố sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện công đoạn xử lý rác và chất thải rắn. Theo đó, chọn 3 quận nội thành (gồm quận 1, 3 và 5) để thí điểm phân cấp việc quét dọn rác trên các tuyến đường. Sau một năm, sẽ triển khai đại trà cho các quận, huyện năm 2018. UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai mô hình thùng rác công cộng và phương tiện vận chuyển rác thích hợp trong việc thu gom rác dân lập đạt hiệu quả. Về phân loại rác tại nguồn, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị thực hiện cần kiên trì, có bước đi và lộ trình thực hiện phù hợp; có chính sách để người dân hưởng ứng tốt việc phân loại rác tại nguồn…