ThienNhien.Net – Trước thông tin VietnamPlus phản ánh thực trạng “Vỡ trận quy hoạch thủy điện nhỏ ở các tỉnh miền núi phía Bắc”, nhiều chuyên gia cho rằng việc phát triển tràn lan, thiếu thẩm định các dự án thủy điện nhỏ đã dẫn tới “lỗ hổng” trong khâu quản lý, nhiều dòng sông bị quá tải, ảnh hưởng đến nguồn nước và tính mạng của người dân hạ lưu.
“Đúng là việc quy hoạch thủy điện đang thực sự “có vấn đề”. Ai có tiền hay vay được tiền là có thể làm thủy điện nhỏ. Ai cũng có thể thiết kế, thi công. Cấp quản lý được “bôi trơn” là ký duyệt tất”, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Hồng Giang – Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói.
Khâu quản lý có vấn đề?
Thẳng thắn “mổ xẻ” về góc khuất của những công trình này, ông Giang cho hay, ơ nước ta, số lượng trạm thủy điện nhỏ tuy nhiều nhưng gộp lại thì tổng công suất cũng không đáng là bao so với những thủy điện lớn. Vậy nhưng, do quản lý kém nên có rất nhiều lỗ hổng. Trong khi, các chủ đầu tư chỉ quan tâm đến khâu thu lợi, khảo sát, thiết kế qua loa, báo cáo tác động môi trường cốt chiếu lệ, không để ý gì đến đời sống của người dân địa phương…
Theo ông Giang, thủy điện dù lớn hay nhỏ, đều phải có yêu cầu đủ mức cần thiết đảm bảo an toàn. Ở các nước phát triển, do quản lý tốt nên thủy điện nhỏ không hề gây ra những phiền toái và thiệt hại làm cho người dân ở địa phương. Còn ở nước ta, thủy điện nhỏ thường bị lên án bởi chủ đầu tư thường không biết về kỹ thuật xây dựng thủy lợi-thủy điện lại ham rẻ, đi thuê, sử dụng những người không đủ kiến thức chuyên môn, thiếu khả năng và trách nhiệm.
“Đó cũng là lý do mà năm nào cũng có không ít sự cố về xây dựng thủy điện từ những lỗi kỹ thuật rất sơ đẳng, nhiều khi rất ‘khôi hài.’ Thực ra, không có chủ đầu tư nào lại muốn công trình của mình không an toàn. Song vì thiếu kiến thức lại ham rẻ nên sự cố thường xuyên xảy ra”.
“Trong việc này, quản lý nhà nước về thủy điện là Sở Công Thương nhưng thử hỏi ở Sở này có bao nhiêu kỹ sư đủ trình độ về xây dựng và quản lý thủy điện, trong khi phải thẩm định, kiểm tra, giám sát cả mấy chục, thậm chí cả trăm, nhà máy thủy điện nhỏ và vừa?,” ông Giang chia sẻ.
Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng, lợi ích của thủy điện thì không thể phủ nhận. Trước đây, các nhà đầu tư chỉ chú ý tới làm thủy điện lớn còn hiện nay làm cả lớn, cả vừa và nhỏ, “hết nạc thì vạc đến xương.” Tuy nhiên, thủy điện cũng gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng xấu đến môi sinh, cuộc sống của người dân địa phương.
Đơn cử như việc các nhà máy thủy điện vận hành tích-xả nước theo cảm hứng, không xả nước duy trì dòng chảy tối thiểu khiến nhiều dòng sông bị “chết.” Thông thường, quy trình vận hành tích, xả nước là việc của chủ đầu tư, chủ đập. Tuy nhiên, chủ đầu tư thường chỉ chú tâm đến lợi ích phát điện, bỏ mặc những yêu cầu khác của đời sống và sản xuất tại địa phương.
“Vì vậy, các cấp chính quyền, cơ quan quản lý của địa phương phải có trách nhiệm giám sát chủ đầu tư. Tuy nhiên, vừa qua một số thủy điện trên cả nước đã vận hành việc tích, xả nước không đúng quy trình, người dân bị thiệt hại thì mới tranh cãi xem lỗi tại ai. Rõ ràng, việc giám sát, quản lý ở đây đang có vấn đề”, ông Giang nói.
Thủy điện vi phạm, địa phương có trách nhiệm?
Cùng quan điểm, trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) cho hay, thủy điện Việt Nam trong một thập kỷ qua đã phát triển “nóng” và thiếu kiểm soát tới mức “ngành ngành làm thủy điện, người người làm thủy điện.” Từ đó gây ra nhiều hệ lụy về môi trường và xã hội.
Trước sức ép dư luận, cũng như kiến nghị của các nhà khoa học, đến năm 2013, Quốc hội đã yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, loại bỏ và dừng hơn 400 dự án thủy điện nhỏ, dưới 30 MW. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều dự án thủy điện nhỏ thuộc loại yếu kém vẫn… tồn tại.
“Tôi đi nhiều tỉnh, không những họ (địa phương) không dừng mà vẫn đang tìm kiếm, kêu gọi và doanh nghiệp tranh nhau đầu tư thủy điện bởi lợi nhuận từ đầu tư thủy điện không ít. Rõ ràng, câu chuyện đầu tư, lợi ích nó chi phối một cách kinh khủng, vì thế nhiều nơi họ vẫn cứ nhắm mắt làm, dù thủy điện gây ra không ít hệ lụy như gây mất rừng, hay vỡ đập,” ông Tứ nói.
Chứng minh cho thực tế đáng lo ngại nêu trên, ông Tứ đưa ra dẫn chứng, chỉ trong thời gian 8 tháng từ 10/2012 – 6/2013 đã có 3 vụ vỡ đập thủy điện nhỏ ở 3 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, đó là thủy điện Đak Krong 3 (Quảng Trị), Đắk Mếk 3 (Kon Tum) và Ya Krel 2 (Gia Lai). Dù các sự cố vỡ đập trên đều xảy ra khi các công trình đang trong giai đoạn thi công hoặc mới bắt đầu tích nước, nên khi đập vỡ đã không gây thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về kinh tế không hề nhỏ.
“Trong đó đập Yakrel 2, tuy mới tích rất ít nước, khi vỡ đã cuốn đi hàng chục người nhưng may mắn đã được các lực lượng cứu hộ cứu thoát, gây ngập nhiều nhà cửa và hàng trăm ha đất canh tác, thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho chính nhà đầu tư và gây nên tâm lý bất an chung cho người dân sống hạ lưu các hồ thủy điện,” ông Tứ thông tin.
Những bài học từ các sự cố vỡ đập thủy điện đã rõ, nhưng gần đây, một số dự án thuộc loại yếu kém vẫn đang được triển khai. Ví dụ như dự án thủy điện Hoa Thám tại tỉnh Cao Bằng, được triển khai từ năm 2007, qua 8 lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đến nay vẫn đang bỏ hoang, trong khi 70% số tiền đầu tư xây dựng thủy điện Hoa Thám là nhà đầu tư vay của quỹ Ngân hàng phát triển – VDB. Hiện tại, công trình trụ giá hàng trăm tỷ này đang nằm ngổn ngang giữa rừng, chắn ngang dòng sông Hiến.
Ngoài ra, nhiều dự án thủy điện nhỏ đã thi công từ 3-8 năm qua, nhưng đến nay vẫn còn thiếu báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Đơn cử như dự án thủy điện Tiên Thành tại tỉnh Cao Bằng, triển khai xây dựng từ năm 2008, đến nay vẫn còn thiếu Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Thủy điện Sông Lô 2 tại tỉnh Hà Giang, thi công từ năm 2015, nhưng đến nay cũng chưa có ĐTM bổ sung, chưa được Bộ Công Thương phê duyêt điều chỉnh quy hoạch.
Thậm chí như thủy điện Sông Miện 5A tại tỉnh Hà Giang, với công suất lắp máy 5MW. Thủy điện này đã phát điện từ năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa có giấy phép khai thác sử dụng nước mặt. Ngoài ra, thủy điện này cũng chưa bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định, song vẫn không bị cơ quan chức năng xem xét xử lý.
Vậy đối với những dự án thủy điện vi phạm nêu trên cần phải xử lý thế nào? Và, trách nhiệm để xảy ra những sai phạm nêu trên thuộc về ai?
Theo ông Tứ, việc các công trình thủy điện Tiên Thành (Cao Bằng), thủy điện Sông Lô 2 (Hà Gang) đã đi vào vận hành từ nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa có ĐTM là việc làm trái pháp luật. Trường hợp thủy điện Sông Miện 5A cũng vậy. “Đây là hành vi gian lận, cố tình vi phạm cần phải xử phạt nghiêm khắc. Tất nhiên, trong việc này cũng có phần trách nhiệm của cơ quan chức năng địa phương trong việc giám sát,” ông Tứ nói.
Qua thực tế nêu trên, ông Tứ kiến nghị Bộ Công Thương và Ủy ban Nhân dân các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang cần rà soát lại thủy điện nhỏ để xác định những vị trí có khả năng kinh tế kỹ thuật và thân thiện môi trường; đồng thời kiến quyết xử lý các thủy điện vi phạm. Thậm chí yêu cầu dừng hoạt động, thu hồi giấy phép xây dựng, để đảm bảo chất lượng việc thi công công trình, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường.