ThienNhien.Net – Đề án sắp xếp ổn định dân cư, phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh thực hiện ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên theo Quyết định 79/QĐ – TTg (Đề án 79) đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 5 năm thực hiện việc giao đất sản xuất để đồng bào an cư, vấn đề “lạc nghiệp” vẫn nan giải.
Thiếu đất sản xuất
Nằm cách quốc lộ 4H chưa đầy 1 km, con đường đất đi vào bản Nậm Pố 3, xã Mường Nhé được mở rộng thuận lợi cho việc đi lại giao thương của đồng bào. Hai năm trước, nơi đây vẫn chỉ là đồi núi trơ trọc, đến nay, những ngôi nhà “3 cứng” đã mọc lên. Các hộ gia đình tái định cư tại bản đã làm được nhà mới. Tuy nhiên, khó khăn ở bản thì vẫn còn rất nhiều, khó nhất là nhiều hộ gia đình ở đây chưa được giao đất sản xuất, hàng chục hộ đang phải đi thuê đất để trồng ngô, trồng lúa mà vẫn không đủ lương thực phục vụ nhu cầu của gia đình.
Gia đình anh Sùng A Của là một trong hơn 100 hộ gia đình ở bản Nậm Pố 3 phải đi thuê đất sản xuất. Anh Của cho biết: Gần 3 năm nay gia đình tôi phải thuê 5.000 m2 đất của một gia đình thuộc xã Chung Chải với giá 2 triệu đồng/năm. Đất đi thuê cũng đã bạc màu, không có điều kiện đầu tư phân bón, nên năng suất ngô không cao nhưng vẫn phải làm, ở bản chỉ có đất ở nên cuộc sống vẫn còn khó khăn nhiều.
Trên địa bàn xã Mường Toong được quy hoạch 10 điểm bản mới theo Đề án 79. Các điểm bản ở đây được chuyển đến từ bản Cà Là Pá (xã Leng Su Sìn). Đến nay, một số điểm bản như: Mường Toong 4, 5, 10, đồng bào đã chuyển đến làm nhà, một số điểm bản người dân không đến vì không có đất sản xuất. Một số điểm tái định cư khác như Mường Nhé 1 và Mường Nhé 2 chưa thể bố trí dân cư, do phải điều chuyển vị trí quy hoạch đến địa điểm mới cũng bởi nguyên do không có mặt bằng và không có đất sản xuất vì diện tích đất đã được quy hoạch trồng cây cao su.
Ông Giàng A Phình, bản Huổi Ban, xã Mường Nhé, cho biết: Gia đình ông được chuyển từ bản Nậm Pố 2 cùng xã về đây tháng 2/2014. Đến đây, cơ bản cuộc sống cũng ổn định vì được Nhà nước hỗ trợ nhà cửa. Tuy nhiên, cuộc sống vẫn khó vì nơi ở mới thiếu đất sản xuất, người dân không biết làm gì để phát triển kinh tế. Thanh niên trai tráng còn đi làm thuê kiếm tiền được, chứ người lớn tuổi, phụ nữ không có đất sản xuất thì biết lấy gì mà ăn.
Một vấn đề nữa người dân chưa đồng thuận là Đề án giao đất sản xuất bình quân 2 ha/hộ là không hợp lý. Ông Giàng Pá Phía di chuyển từ bản Cà Là Pá (xã Leng Su Sìn) về điểm tái định cư Nậm Là 2 đánh giá: “Gia đình tôi có 9 người được giao 2 ha đất sản xuất (nhưng vẫn chưa được giao – PV) trong khi đó các hộ chỉ có 4, 5 người cũng được giao 2 ha là không hợp lý. Nếu gia đình tôi được giao đủ đất, làm cũng không đủ ăn do đông người, đất nương rẫy bạc màu lại chỉ sản xuất được một vụ”.
Bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn là bản có hộ dân lớn nhất huyện Mường Nhé với trên 2.000 nhân khẩu, chủ yếu là dân di cư tự do từ năm 2009 đến năm 2012. Theo kế hoạch, bản Cà Là Pá sẽ được tách làm 2 bản, ngoài ra các hộ gia đình được sắp xếp định cư tại các bản Mường Toong 4, 5, 6, 7, xã Mường Toong. Hiện tại, việc vận động các hộ gia đình ở đây đến các điểm bản theo quy hoạch rất khó khăn do người dân cùng chung một tâm lý lo lắng không đủ đất sản xuất.
Đẩy nhanh tiến độ giao đất sản xuất
Theo chủ trương, mỗi hộ dân di chuyển đến điểm bản mới theo Đề án 79 sẽ được cấp 2 ha đất nương để canh tác, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên đến nay, công tác thu hồi đất, giao đất, bố trí đất sản xuất vẫn còn chậm so với yêu cầu đề ra. Một số điểm mới thực hiện xong phần kiểm đếm, chưa phê duyệt phương án bồi thường nên chưa giao được đất sản xuất cho dân. Tiến độ triển khai các phương án hỗ trợ sản xuất còn chậm, đến nay còn 22 điểm chưa phê duyệt được phương án hỗ trợ sản xuất nên chưa quyết toán được phần vốn đã hỗ trợ.
Ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, cho biết: Hiện tại, đối với 13 điểm bố trí sắp xếp, ổn định dân cư do UBND huyện Mường Nhé chủ đầu tư đã hoàn thành trên 90%. Tại những điểm này, về cơ bản,UBND huyện Mường Nhé đã hoàn thành việc giao đất sản xuất, bình quân 1,5 ha/hộ.
Tuy nhiên, đây chỉ là 13 điểm do huyện Mường Nhé làm chủ đầu tư, còn tại các điểm khác, việc giao đất sản xuất cho người dân vẫn rất ì ạch. Việc chậm giao đất sản xuất cho người dân, cùng với việc đất được giao chủ yếu là đất nương rẫy, khó canh tác, dễ bị hoang hóa, bào mòn, khiến người dân tự ý phá rừng để lấy đất sản xuất.
Cũng theo ông Thào A Dế, để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh Điện Biên đã hỗ trợ các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất để thực hiện việc bố trí đất ở, đất sản xuất, đặc biệt là chia đất sản xuất cho các hộ dân tại các điểm bản thành lập mới; đồng thời bố trí kịp thời các chế độ, chính sách cho các hộ dân đã đến ở các điểm đã được quy hoạch; kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh Đề án 79, trong đó có điều chỉnh bổ sung kinh phí để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đời sống, sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng. Song so với yêu cầu của Đề án vẫn còn là một bài toán khó.
Việc đẩy mạnh giao đất sản xuất cho người dân là điều cần thiết để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 79. Tuy nhiên, quan trọng là làm thế nào để đất được giao thực sự đem lại hiệu quả, đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân chứ không mang tính chất thời vụ, trước mắt chính là bài toán dành cho các cấp, ngành quản lý tỉnh Điện Biên. Cần sớm tìm ra lời giải để người dân thực sự tin tưởng vào sự đầu tư của Nhà nước, yên tâm về nơi định canh định cư mới, ổn định sản xuất, từng bước phát triển kinh tế – xã hội.
Ông Hoàng Xuân Long, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Bắc: Quan tâm đến đất sản xuất
Việc thực hiện Đề án 79 thực tế là việc thu hồi đất của những người dân ở những khu vực rừng tự nhiên để về những điểm sắp xếp dân cư, đất sản xuất ở những điểm dân cư cũ phải thu hồi triệt để. Đồng thời, đề nghị Chính phủ dành riêng cho Mường Nhé một đề án đặc thù về việc bảo vệ phục hồi và phát triển rừng, hỗ trợ người dân trồng rừng ít nhất là một chu kỳ sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp phối hợp với người dân để trồng rừng. Mặt khác, để ổn định dân cư phải hết sức quan tâm đến vấn đề đất sản xuất của người dân. Hiện nay, nhiều hộ trong diện sắp xếp dân cư đã ổn định đất sản xuất, nhưng chủ yếu vẫn là nương rẫy, nhiều hộ vẫn chưa được bố trí đất sản xuất. Để người dân ổn định và phát triển, vấn đề quan tâm nhất là đất sản xuất, đồng thời xây dựng phương án sản xuất cho người dân như trồng rừng, chăn nuôi tạo ra thu nhập ổn định. Ông Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 79: Giao đất sản xuất và đất lâm nghiệp Thực hiện Đề án này UBND tỉnh Điện Biên đã xây dựng phương án sắp xếp dân cư cũng như ổn định đời sống cho bà con. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện đã gặp một số vướng mắc lớn, đó là thiếu quỹ đất để bố trí cho các hộ; do phong tục tập quán sản xuất trên nương rẫy, nên rất khó thu hồi đất sản xuất của những hộ này, đồng thời cũng khó tổ chức các phương thức sản xuất mới cho bà con. Để khắc phục tình trạng này tỉnh đang tập trung hỗ trợ nhân dân làm nhà, sản xuất và triển khai khẩn trương việc giao đất sản xuất và giao đất lâm nghiệp cho bà con để trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Thực hiện các chính sách khoanh nuôi và phát triển rừng theo Nghị định 75 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020. Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Gắn sản xuất với trồng rừng và chăn nuôi Đề án 79 đã đáp ứng nhu cầu của người di cư tự do, nhất là chỗ ở và cơ sở hạ tầng. Việc ổn định sản xuất cho các hộ thuộc diện sắp xếp dân cư trong thời gian tới, cần phải có phương án sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao để tăng thu nhập. Cụ thể là gắn sản xuất với trồng rừng, chăn nuôi và các nghề phụ khác, về lâu dài phải tổ chức các dịch vụ, đào tạo nghề để đảm bảo đời sống của người dân. |