ThienNhien.Net – Xói lở bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn ở ĐBSCL tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, đời sống sinh hoạt của người dân.
Sạt lở bờ biển và suy thoái rừng ngập mặn đã và đang diễn biến hết sức nghiêm trọng và khó lường tại các tỉnh ven biển ĐBSCL. Tại nhiều khu vực, xói lở đã uy hiếp trực tiếp đến các khu dân cư, công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng và làm mất nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển, tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, đời sống sinh hoạt của người dân.
Với 3 mặt tiếp giáp với biển, Cà Mau là địa phương gánh chịu nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu. Từ đầu năm nay, ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc kết hợp với triều cường dâng cao, làm nhiều điểm xung yếu bờ biển Đông trên địa bàn tỉnh này bị xói lở nghiêm trọng, có đoạn sóng đánh mạnh mất đất rừng phòng hộ từ 50 – 80m. Đáng chú ý tại cửa biển Vàm Xoáy và khu vực cửa Rạch Gốc, sóng biển đánh trôi 50m rừng phòng hộ chỉ trong vòng 2 ngày.
Tỉnh Cà Mau đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương hỗ trợ khẩn cấp kinh phí để khắc phục sạt lở trước mắt. Ngoài bờ biển Đông, phía bờ biển Tây của tỉnh này cũng chịu ảnh hưởng dữ dội của tình trạng biển xâm thực. Theo thống kê 10 năm trở lại đây, hơn 4.000ha rừng ven biển Tây bị sóng đánh trôi, nguy cơ làm vỡ đê biển đặc biệt nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, hiện nay, bờ biển phía Đông đoạn từ Mũi Cà Mau đến nơi giáp ranh với Bạc Liêu tình hình sạt lở diễn ra hết sức nghiêm trọng. Có 5 đoạn, 5 vị trí đặc biệt xung yếu và xói lở rất nhanh, trong đó có những vị trí là khu dân cư đông đúc.
Diễn biến sạt lở, xói lở bờ biển cũng đang diễn ra phức tạp và gay gắt ở tỉnh Bạc Liêu. Toàn tỉnh Bạc Liêu có khoảng 15km bờ biển đang bị xói lở nghiêm trọng, ước chừng có khoảng hàng chục ngàn hộ dân bị ảnh hưởng. Các điểm xung yếu tập trung ở thị trấn Gành Hào và Cửa biển Nhà Mát và các cửa sông. Nhiều khu vực đai rừng phòng hộ đã bị sóng đánh sạt lở đến chân đê biển.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu lo lắng: “Điểm Gành Hào có lượng dân cư quá lớn. Theo đánh giá của các nhà khoa học, chúng ta không thể lùi được nữa mà bắt buộc phải gia cố đê biển. Trong tương lai lâu dài phải khôi phục rừng phòng hộ thì mới có thể ổn định cuộc sống cho bà con”.
Tình hình xói lở bờ biển và suy thoái rừng ngập mặn xảy ra ở hầu hết các tỉnh ven biển ĐBSCL với xu thế gia tăng cả phạm vi và quy mô. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, ĐBSCL có 24 khu vực thường xuyên bị xói lở, sạt lở bờ biển, tổng chiều dài khoảng 147 km, tốc độ xói lở từ 4-45m/năm, trung bình mỗi năm mất khoảng 500ha đất.
Trong khi đó, rừng ngập mặn trong khu vực cũng đang bị suy giảm nghiêm trọng. Theo báo cáo của các địa phương, trong vòng 5 năm trở lại đây, diện tích rừng ngập mặn toàn vùng đã giảm gần 10%, từ gần 195 ngàn ha xuống còn trên 179 ngàn ha.
Ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, hàng năm sạt lở, xói lở ăn sâu vào đất liền từ 10-15m, làm mất dần rừng phòng hộ ven biển. Đê biển buộc phải di dời vào khoảng 200 – 300m, khiến cho diện tích rừng phòng hộ giảm từ 20-30ha mỗi năm.
Trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn xác định các nguyên nhân gây sạt lở bờ biển tại khu vực ĐBSCL là do sự mất cân bằng bùn cát do xây dựng hồ chứa nước ở thượng nguồn và khai thác cát, sỏi ở lòng sông, ven biển.
Bên cạnh đó, địa chất vùng ĐBSCL được cấu tạo từ các dạng trầm tích phù sa, rất dễ bị xói lở do tác động của sóng và dòng ven bờ; ảnh của gió Đông, Đông Bắc đối với vùng biển Đông và gió Tây Nam đối với biển Tây những năm gần đây biến đổi rất phức tạp.
Việc chặt phá rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy sản, đánh bắt thủy sản ven rừng những năm gần đây cũng làm suy thoái nghiêm trọng rừng ngập mặn. Ngoài ra, còn các nguyên nhân từ việc xây dựng hạ tầng công trình nhà ở, công trình phòng chống thiên tai chưa phù hợp, nước biển dâng, sụt lún đất, chặt phá rừng