ThienNhien.Net – Nhiều công trường khai thác cát, sỏi trái phép quy mô lớn, gây thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng sông ngang nhiên tồn tại.
Thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh Kon Tum tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra công khai, rầm rộ. Không chỉ ở vùng sâu, huyện xa mà ngay trên sông Đăk Bla, đoạn chảy qua thành phố Kon Tum, nhiều công trường khai thác cát, sỏi trái phép quy mô lớn, gây thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng sông, cũng ngang nhiên tồn tại trong thời gian dài..
Điển hình nhất trong chiến dịch chặn sông hút cát ở Kon Tum là Công ty TNHH Một thành viên Xuân Tài, thành phố Kon Tum. Từ năm 2016, công ty dùng phương tiện cơ giới đắp một con đập dài tới 84m, cao trên 2m, rộng gần 5m chặn ngang dòng chính sông Đăk Bla, cách vị trí được cấp phép khai thác tới gần 300m. Trong thời gian hơn 8 tháng con đập tồn tại, Công ty đã tổ chức khai thác cát, sỏi trái phép trên diện tích 7.000m2 lòng sông với khối lượng hàng nghìn mét khối.
Ông Đỗ Xuân Tài, Giám đốc Công ty cho biết, doanh nghiệp biết rõ chặn sông là hành vi trái pháp luật: “Tôi biết nếu đắp thế này không thông qua Nhà nước là sai nhưng giờ thông qua Nhà nước nói chung người ta không cho làm. Nó sai nguyên tắc nhưng mà bây giờ điều kiện khó khăn cứ làm tới đâu hay tới đó, giải quyết được ngày nào thì giải quyết. Mà nếu Nhà nước phát hiện không cho nữa tôi cũng trả lại mặt bằng cũ”
Cùng với Công ty TNHH Một thành viên Xuân Tài, danh sách các doanh nghiệp khai thác cát trên sông Đăk Bla, đoạn chảy qua thành phố Kon Tum “biết sai nhưng vẫn làm” còn khá dài. Cụ thể, như doanh nghiệp tư nhân Trí Thành tại điểm mỏ số 8, thuộc địa phận xã Đăk Rơ Wa và xã Đăk Blà, tự ý dùng phương tiện cơ giới đắp 2 con đập dài 56m và 44m ngăn dòng chảy sông Đăk Bla để khai thác cát bằng cơ giới không đúng với phương pháp bơm hút quy định trong giấy phép; doanh nghiệp tư nhân Ngọc Trang, làng Kon Tu 1, xã Đăk Blà đào nhiều ao hồ, rãnh sâu, sử dụng bãi tập kết rộng tới 3.600m2 không đúng quy định; Hợp tác xã Tân Tiến, Công ty TNHH Nguyên Hưng tổ chức khai thác cát trái phép… Điều đáng nói là tình trạng “loạn khai thác cát, sỏi trái phép” diễn ra sau khi tỉnh Kon Tum tổ chức đấu giá thành công và tiến hành cấp phép cho 12 điểm mỏ. Kết quả này được đánh giá là một bước tiến trong lĩnh vực quản lý khoáng sản của địa phương.
Theo ông Võ Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum, nguyên nhân khiến tình trạng khai thác cát sỏi trái phép tại địa phương diễn ra tràn lan, tồn tại trong thời gian dài do chính quyền cơ sở đã lơ là, buông lỏng quản lý: “Nguyên nhân chính phải nói tới sự lơ là, nể nang, có thể là buông lỏng trong công tác quản lý, xử lý khai thác khoáng sản trái phép của các cấp chính quyền cơ sở và sự chỉ đạo thiếu quyết liệt của UBND cấp huyện”.
Điều trớ trêu ở đây là tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra ngay trên địa bàn thành phố Kon Tum, giữa thanh thiên bạch nhật trước sự quản lý giám sát của nhiều cấp, nhiều ngành. Bởi vậy theo ông Nguyễn Văn Điệu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum, dù không khẳng định nhưng không thể không nghi ngờ có cán bộ móc ngoặc với các tổ chức, cá nhân khai thác cát, sỏi trái phép: “Chúng tôi không khẳng định 100% nhưng có nghi ngờ có cán bộ có biểu hiện móc ngoặc thông báo cho các đơn vị khai thác biết để dừng khi mà kiểm tra đột xuất. Việc này chúng tôi đang theo dõi. Đến giờ này thật ra là cũng chưa có cơ sở mà để xử lý trách nhiệm cá nhân một đồng chí nào”.
Trước tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Đăk Bla, đoạn chảy qua thành phố Kon Tum diễn ra phức tạp, UBND tỉnh Kon Tum đã phải ra công văn khẩn yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc; dừng mọi hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi ở những nơi có sai phạm…
Thanh tra Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum đã xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng trong lĩnh vực đất đai và khoáng sản đối với Công ty TNHH MTV Xuân Tài; phạt doanh nghiệp tư nhân Trí Thành 80 triệu đồng vì khai thác cát, sỏi không đúng công nghệ, phương pháp khai thác; đình chỉ, tạm dừng hoạt động khai thác đối với nhiều cá nhân, tổ chức có hành vi khai thác cát trái phép…
Ngoài ra trước thông tin nghi ngờ có cán bộ móc ngoặc với các tổ chức, cá nhân khai thác cát, sỏi trái phép, ông Nguyễn Đức Tuy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương tổ chức kiểm tra, xác minh và báo cáo kết quả trước ngày 25/6/2017. Đây được coi là những việc làm cần thiết để ngăn chặn nạn khai thác cát, sỏi trái phép đang hoành hành tại địa phương này.