ThienNhien.Net – Chánh Thanh tra tỉnh Gia Lai Trần Hữu Đức vừa ký quyết định chuyển hồ sơ vụ sai phạm nghiêm trọng về đất đai và tài chính xảy ra tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ (BQL Bắc Biển Hồ) sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh để tiếp tục làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân liên quan.
Mất gần 2.500ha rừng
Năm 2011, BQL Bắc Biển Hồ được UBND tỉnh Gia Lai có quyết định giao hơn 9.148ha đất lâm nghiệp trên địa bàn TP Pleiku và huyện Chư Pah để quản lý.
Sau đó, BQL Bắc Biển Hồ lập thủ tục để xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nhưng tự ý bỏ ra ngoài 977,5ha đất lâm nghiệp, nên cuối tháng 12/2011, BQL Bắc Biển Hồ được UBND tỉnh cấp GCNQSDĐ chỉ có 8.171ha.
Đến ngày 12/4/2016, lấy lý do đất được UBND tỉnh thu hồi, BQL Bắc Biển Hồ tiếp tục đề nghị chỉnh lý di biến động và Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất tỉnh đồng ý chỉnh lý giảm bớt 177ha; cuối cùng diện tích đất lâm nghiệp chỉ còn lại 7.994ha.
Theo Thanh tra tỉnh, việc đề nghị chỉnh lý đất đai với lý do trên là không phù hợp với thực tế, vì BQL Bắc Biển Hồ sử dụng hồ sơ UBND tỉnh thu hồi đất giai đoạn 2002 – 2009, tức là trước lúc đơn vị được cấp GCNQSDĐ.
Trong quá trình làm việc của đoàn thanh tra, BQL Bắc Biển Hồ báo cáo diện tích đất thực tế hiện nay đơn vị quản lý chỉ còn lại 6.677,5ha. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên hơn 2.000ha, rừng trồng 3.000ha và đất chưa có rừng hơn 1.600ha. Như vậy, so với diện tích được tỉnh giao thì BQL Bắc Biển Hồ đã để “mất” 2.471ha đất và trên thực tế diện tích đất này đã bị lấn chiếm để sản xuất.
Nhằm làm sáng tỏ những uẩn khúc việc thất thoát diện tích đất lâm nghiệp khá lớn, Thanh tra tỉnh tiến hành kiểm tra thực tế tại Tiểu khu 389 (xã Diên Phú, TP Pleiku), phát hiện 15 cá nhân, trong đó có các cán bộ của BQL Bắc Biển Hồ, từ Giám đốc đến nhân viên “hè nhau” lấn chiếm đất lâm nghiệp để sử dụng cá nhân hơn 84.000m2 và nhiều diện tích còn bị mua, bán; chuyển nhượng làm trang trại; xây dựng nhà ở.
Điển hình là: Năm 2010, ông Tưởng Tín (nguyên Giám đốc BQL Bắc Biển Hồ) ký xác nhận hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ cho bà Mai Thị Ngọc Thỏa (nguyên cán bộ BQL) với diện tích hơn 30.000m2 đất thuộc lâm phần quản lý của Ban. Nhờ vậy, bà Thỏa dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng và được cấp GCNQSDĐ. Sau đó, bà Thỏa chuyển nhượng lại cho ông Đặng Xuân Thu (Phó Giám đốc BQL Bắc Biển Hồ lúc bấy giờ) 11.000m2 đất, ông Đặng Văn Cườm, Kế toán BQL 4.200m2đất.
Cũng trong năm 2010, ông Nguyễn Đức, Giám đốc BQL Bắc Biển Hồ được Nhà nước cấp GCNQSDĐ 16.700m2, nhưng diện tích này thuộc đất lâm nghiệp được giao cho BQL Bắc Biển Hồ.
Theo ông Đức trình bày, đất này do ông nhận chuyển nhượng của người khác nhưng hồ sơ không thể hiện ngày, tháng; không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền… Điều vô lý là, với cương vị đứng đầu như ông Đức mà ông không biết đây là đất của Nhà nước giao cho mình quản lý hay sao?
Chưa hết, ông Đức, ông Thu và ông Cườm còn tự lấn chiếm hơn 15.000m2 đất và 12 cá nhân trong Ban lấn chiếm, sử dụng 11.300m2 đất lâm nghiệp của Ban, trong đó có 9 người đã được cấp GCNQSDĐ.
Ngoài ra, kiểm tra thực trạng diện tích trồng rừng, Thanh tra tỉnh cũng phát hiện hơn 278ha rừng trồng bị “biến mất”, do người dân lấn chiếm đất để sản xuất.
Mất hàng tỷ đồng ngân sách
Trong giai đoạn năm 2012 – 2016, BQL Bắc Biển Hồ tiếp nhận các nguồn vốn từ ngân sách, nguồn hỗ trợ thực hiện công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng; nguồn dịch vụ môi trường rừng và kinh phí trồng lại rừng thay thế; với số tiền hơn 25 tỷ đồng và đã quyết toán với cơ quan quản lý hơn 20 tỷ đồng.
BQL Bắc Biển Hồ không làm thủ tục nhập quỹ hơn 3,6 tỷ đồng, trong đó chứng minh chi có chứng từ là 2,4 tỷ đồng, còn lại 1,2 tỷ đồng không biết còn tồn quỹ hay đã “bốc hơi”.
Năm 2016, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với BQL Bắc Biển Hồ thực hiện xây dựng hiện trường diễn tập chữa cháy, cung cấp hàng hóa và dịch vụ liên quan đến công tác phòng, chống cháy rừng với số tiền 123 triệu đồng.
Ngày 3/1/2017, lãnh đạo BQL Bắc Biển Hồ lập phiếu chi số tiền trên cho ông Võ Thành Phước (cán bộ của Ban). Song, khi Thanh tra tỉnh yêu cầu xác thực thì ông Phước cho biết, chỉ ký vào phiếu chi để hợp thức hóa chứng từ chứ thực tế không hề nhận tiền. Số tiền này do ông Nguyễn Công Duyên (Phòng Quản lý, Bảo vệ rừng và Bảo tồn Thiên nhiên của Chi cục Kiểm lâm tỉnh) trực tiếp nhận.
Ông Duyên thừa nhận có nhận tiền và đưa lại cho ông Phước, ông Nguyễn Gia Triều (BQL Bắc Biển Hồ) 10 triệu đồng. Còn lại 113 triệu đồng giao cho bà Nguyễn Thị Kim Hương, Trưởng phòng Quản lý, Bảo vệ rừng và Bảo tồn Thiên nhiên. Bà Hương trình bày là do ông Nguyễn Đức mượn tiền cá nhân của bà để thực hiện hợp đồng nên ông Đức lấy khoản tiền này trả lại cho bà. Còn ông Đức “một, hai” phủ nhận lời bà Hương và khẳng định mình không hề nhận bất cứ khoản tiền nào.
Trong những năm 2011 – 2016, BQL Bắc Biển Hồ đã cho các cá nhân tạm ứng tiền công tác là 1,4 tỷ đồng, nhưng sổ kế toán chỉ ghi nhận nợ hơn 250 triệu đồng; còn lại hơn 1,1 tỷ đồng không thể hiện việc đã hoàn ứng cũng như không còn ghi nhận nợ. Kế toán Đặng Văn Cườm nhận hơn 15 triệu đồng của Hội đồng Bồi thường – Hỗ trợ và tái định cư của huyện Chư Pah, nhưng bỏ ngoài sổ sách để chiếm dụng…
Tổng số tiền mà Thanh tra tỉnh xác định có dấu hiệu chiếm đoạt, tham nhũng tại BQL Bắc Biển Hồ là hơn 1,2 tỷ đồng.