Người dân Hải Phòng khốn khổ vì ô nhiễm môi trường

ThienNhien.Net – Người dân Hải Phòng phải chịu mùi hóa chất bốc lên và lượng nước thải chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường nên ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt…

Khu vực thôn Chùa, xã An Hồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng có cụm công nghiệp với 11 doanh nghiệp có cơ sở sản xuất. Giáp với khu dân cư và đồng ruộng của xóm Chùa hiện nay đang có 3 cơ sở sản xuất gồm cơ sở sản xuất giấy Krap, xưởng tái chế nhựa và Công ty sản xuất tấm hợp kim nhôm nhựa Aluminium.

Nước ngấm ra từ cơ sở sản xuất giấy Krap của công ty cồ phần cân Hải Phòng ảnh hưởng đến canh tác của bà con xóm Chùa 

Hàng ngày, người dân phải chịu mùi hóa chất bốc lên từ đây và lượng nước thải chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và gây ô nhiễm nguồn nước của sông Cấm.

Trước những bức xúc về môi trường sống cũng như diện tích đất canh tác bị ô nhiễm nặng nề, người dân xóm Chùa, thuộc đội 3, xã An Hồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng đã làm đơn kiến nghị với các cấp về việc Công ty sản xuất giấy Krap thuộc công ty cổ phần cân Hải Phòng, Công ty tái chế nhựa Liên Minh khi sản xuất đã gây nên mùi rất khó chịu gây khó thở, tức ngực cho người dân sống xung quanh. Nước thải xả thẳng ra mương thủy lợi của bà con dẫn đến nhiều năm nay, diện tích nông nghiệp sát cơ sở sản xuất này không canh tác được.

Bà Nguyễn Thị Lạn, người dân xóm Chùa cho biết, khi bà con phản ánh với chính quyền về tình trạng ô nhiễm của cơ sở sản xuất giấy, doanh nghiệp có cho xe chở cát, xi măng đến để chống rò rỉ nước thải ra ngoài mương nước.

Tuy nhiên, người dân cho rằng, hơn 100 mét tường rào được xây móng bằng đá, không thể chống được việc thấm nước từ trong nhà máy ra ngoài mương.

Nước thải màu đen xì, hôi thối từ cụm công nghiệp thôn Chùa, An Hồng, An Dương Hải Phòng thải thẳng ra sông Cấm

Nói về tình trạng mùi khó chịu từ nhà máy sản xuất giấy Krap của công ty Cổ phần cân Hải Phòng, ông Lê Minh Đường, người dân xóm Chùa, xã An Hồng, huyện An Dương nói: “Nhà tôi đóng cửa cả ngày lẫn đêm, không bao giờ dám mở vì mở ra là không chịu được cái hơi mùi hôi, mùi hóa chất, nôn nao, cảm thấy không thể chịu nổi”.

Bà Nguyễn Thị Lập, người dân ở đây cho biết, mỗi khi nhà máy sản xuất, bà không ở nhà, nhà cửa bịt kín. Hơn nữa, nhà máy này có lần bơm xả thẳng nước ra ruộng của bà con.

Bà Nguyễn Thị Lập chia sẻ: “Cái mùi không thể chịu được, nó là các mùi hóa chất, không thể ở được. Có lần nhà máy dọn ao, dùng máy bơm, bơm thẳng ra ruộng. Tôi chỉ mong là khắc phục được phần này để dân đỡ khổ”.

Dòng nước chứa nước thải từ cụm công nghiệp An Hồng, An Dương thành phố Hải Phòng chảy thẳng ra sông Cấm

Ông Dương Đạo Phái, người dân ở xóm Chùa, xã An Hồng cho rằng, người dân địa phương ủng hộ việc đưa nhà máy, xí nghiệp về  để phát triển kinh tế, người trong thôn cũng có công ăn việc làm nhưng để tình trạng ô nhiễm như vậy thì rất nguy hiểm đến tính mạng con người.

Trước những bức xúc về môi trường sống cũng như diện tích canh tác của bà con xóm Chùa. Phóng viên đã trực tiếp cùng với người dân nơi đây đi tìm hiểu nguồn gây ra tình trạng mùi và nước thải ra môi trường. Những doanh nghiệp bị nghi vấn tạo nên nguồn nước thải ra môi trường nói gì.

Những vấn đề này sẽ được phóng viên đề cập trong bài 2 đề cập tới việc cần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở xóm Chùa, xã An Hồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng.

Nguồn: