ThienNhien.Net – Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, chiều 7-6, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).
Việc sửa đổi Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 là rất cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và phát triển ngành lâm nghiệp bền vững; thể chế hóa được các quy định của Hiến pháp năm 2013 về sở hữu tài nguyên thiên nhiên, đường lối chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội liên quan bảo vệ và phát triển rừng.
Dự thảo Luật gồm 12 Chương, 97 điều đã quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản cơ bản là hợp lý. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị bố cục cần phải bảo đảm cân đối hơn giữa các quy định về bảo vệ với phát triển rừng; sắp xếp các chương, mục, điều, khoản bảo đảm tính logic và khoa học hơn.
Đại biểu Chau Chắc (An Giang) cho rằng: Nếu giữ tên gọi là Luật Bảo vệ và phát triển rừng thì đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục điều chỉnh phạm vi luật cho phù hợp với tên gọi. Phải sửa các nội dung và kết cấu các nội dung của luật cho phù hợp.
Theo đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang), nếu lấy tên là Luật Bảo vệ và phát triển rừng thì nguyên tắc trong Điều 4 lại là “Nguyên tắc hoạt động lâm nghiệp”. Rõ ràng nguyên tắc này không ăn nhập gì với tên gọi của luật như trong dự thảo luật.
“Tôi thấy rằng, ngay khung xương của luật đã có vấn đề nên nếu luật này thông qua rồi sẽ xảy ra xung đột với những luật khác như Luật Thương mại bởi trong dự thảo cũng đề cập đến kinh doanh lâm sản. Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo lưu tâm vấn đề này”, đại biểu Nguyễn Mai Bộ kiến nghị.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Cấm khai thác tài nguyên khoáng sản nhưng cần thêm nội dung cấm những hình thức kinh doanh khác làm thay đổi cảnh quan tự nhiên của hệ sinh thái rừng hoặc những hoạt động tương tự.
“Về vấn đề chủ rừng cũng phải phân tích rõ. Có những chủ rừng là ban quản lý do Nhà nước thành lập thì phải chịu trách nhiệm bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Như vậy, ban quản lý này sẽ chịu trách nhiệm cả đất, cây, sinh cảnh…Nhưng nếu chủ rừng là cá nhân gây dựng nên như trồng rừng bạch đàn, rừng thông để khai thác thì cũng gọi họ là chủ rừng thì lúc đó trách nhiệm đối với phần còn lại của khu rừng ấy ra sao. Vấn đề này cũng phải được xác định rõ”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa kiến nghị.
Đại biểu Dương Ngọc Hải (TP Hồ Chí Minh) băn khoăn nhất là vấn đề kinh doanh rừng. Theo đại biểu này, kinh doanh rừng là kinh doanh sản phẩm trên rừng hay là được bán đất rừng. Đất thì không thể bán được mà kinh doanh thì làm dịch vụ, khai thác, bán sản phẩm rừng thế nào? Vì vậy, đại biểu đề nghị phải quy định rõ nội dung này. Diễn đạt, giải thích phải quy định rõ nếu không sẽ khó áp dụng, nếu áp dụng có thể có những văn bản dưới luật.