ThienNhien.Net – Sau hơn 8 năm triển khai Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tuyên Quang đã triển khai tới 7/7 huyện, thành phố với tổng dư nợ trên 354 tỷ đồng cho trên 12.000 hộ vay để làm hơn 77.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường.
Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn do Ngân hàng Chính sách xã hội Tuyên Quang triển khai đã giúp nhiều hộ dân ở huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) có vốn để đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình nước sạch, công trình vệ sinh, bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hàm Yên là huyện miền núi, với hơn 60% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm trước, do nhận thức còn hạn chế, người dân không quan tâm đến công tác nước sạch và vệ sinh môi trường. Hậu quả là trong thời gian dài sức khỏe của chính những người dân nơi đây bị ảnh hưởng.
Trước đây, gia đình ông Vũ Quốc Tụng, thôn 3 làng Bát, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên thường xuyên dùng các thùng, chum đựng nước giếng để sử dụng. Nước tắm giặt được lấy từ các ao, hồ, mặc dù biết nguồn nước không được đảm bảo vệ sinh, bởi các ao, hồ này đều bị ô nhiễm do nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi chảy vào.
Tháng 1/2017, ông Tụng quyết định vay 12 triệu đồng từ nguồn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội Tuyên Quang để xây dựng bể nước sạch và công trình vệ sinh tự hoại. Ông Tụng chia sẻ: “Cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn nhưng sức khỏe là quan trọng nhất. Bây giờ, gia đình có nước sạch để dùng và nhà vệ sinh hiện đại vừa đảm bảo vệ sinh môi trường vừa góp phần bảo vệ sức khỏe của mình”.
Bà Trần Thị Tươi, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn thôn 3, làng Bát cho biết, hiện thôn 3, làng Bát có 38/67 hộ được tiếp cận với nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội Tuyên Quang với tổng dư nợ 1,7 tỷ đồng; trong đó, dư nợ cho vay Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn xếp thứ 3, sau chương trình cho vay hộ cận nghèo và hộ nghèo.
Cũng như ông Vũ Quốc Tụng, gia đình bà Nguyễn Thị Giáp, thôn Đồng Ca, xã Đức Ninh được vay 12 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội Tuyên Quang để đầu tư xây dựng hệ thống chứa nước và khu vệ sinh khép kín. Bà Giáp cho biết, từ khi có nước sạch, chất lượng cuộc sống của gia đình bà được nâng lên rõ rệt. “Giờ có bể nước này, cả gia đình không còn ai đau mắt, viêm da hay bệnh về đường tiêu hóa nữa. Chăn nuôi trong gia đình cũng sạch sẽ, vệ sinh hơn.”
Ngoài Chương trình tín dụng nước sạch, gia đình ông Tụng, bà Giáp còn được vay vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo từ nguồn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội Tuyên Quang. Những đồng vốn không chỉ giúp người dân như ông Tụng, bà Giáp xóa đói giảm nghèo mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ông Hà Xuân Khanh, Chủ tịch UBND xã Đức Ninh cho biết, các ban, ngành xã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội Tuyên Quang tuyên truyền tạo điều kiện tốt nhất cho các hộ dân vay vốn chương trình tín dụng nước sạch, hỗ trợ xây dựng trên 500 nhà tiêu hợp vệ sinh. Đến nay, hoàn thành đưa vào sử dụng một công trình nước sạch, đảm bảo cung cấp cho trên 90% hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh. Hoàn thành tốt tiêu chí về môi trường, góp phần vào thành công chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đức Ninh.
Ông Nguyễn Gia Khang, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Tuyên Quang huyện Hàm Yên cho biết, tính đến cuối tháng 4/2017, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hàm Yên đã cho vay 14 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ 369,9 tỷ đồng; trong đó, tổng dư nợ nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn đạt 33,7 tỷ đồng, đứng thứ 3 sau chương trình cho vay hộ nghèo và cận nghèo.
Sau hơn 8 năm triển khai Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tuyên Quang đã triển khai tới 7/7 huyện, thành phố với tổng dư nợ trên 354 tỷ đồng cho trên 12.000 hộ vay để làm hơn 77.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường.
Năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng và đưa vào sử dụng trên 12.000 công trình nước sạch và gần 12.000 công trình vệ sinh đáp ứng nhu cầu cho người dân vùng nông thôn.