ThienNhien.Net – Đối với Việt Nam, nguồn lợi thủy sản, lâm sản đã có những đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) đất nước. Tuy nhiên, hiện nay thủy sản và lâm sản đang đứng trước nguy cơ bị khai thác quá mức, thậm chí đến mức cạn kiệt.
Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) và Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) được trình Quốc hội tại phiên họp ngày 6-6 bổ sung thêm nhiều quy định mới nhằm vừa khai thác tài nguyên, vừa bảo vệ, tái tạo với định hướng phát triển bền vững.
Đề xuất thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản
Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, báo cáo trước Quốc hội về tờ trình dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: Sau khi Luật Thủy sản năm 2003 và các văn bản dưới luật dần đi vào cuộc sống, đã khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng tham gia nuôi trồng, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Trong những năm gần đây, ngành thủy sản Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, có đóng góp lớn trong giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2016 giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt hơn 7 tỷ USD. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành thủy sản được xác định sẽ trở thành ngành sản xuất hàng hóa, có thương hiệu, uy tín, có khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế, trên cơ sở phát huy lợi thế của một ngành sản xuất-khai thác tài nguyên tái tạo.
Tuy nhiên, tờ trình của Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, nguồn lợi thủy sản đang suy giảm, môi trường sống của các loài thủy sản có nguy cơ bị ô nhiễm nghiêm trọng, sự phát triển các loài thủy sản chưa thực sự hiệu quả và thiếu bền vững. Chính vì vậy, việc sửa đổi Luật Thủy sản lần này không chỉ nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội mà còn hướng đến cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển sản phẩm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống ngư dân, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên biển và phát triển thủy sản bền vững.
Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) là quy định chuyển “Quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản” thành “Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản” nhằm mở rộng phạm vi hoạt động của quỹ. “Thực tế, hoạt động bảo vệ, tái tạo, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản đều gắn liền với địa phương và các cộng đồng dân cư nên rất cần các nguồn tài chính từ xã hội hóa”. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thì hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân muốn được tham gia tái tạo nguồn lợi thông qua ủng hộ, từ thiện. Tuy nhiên, điều này chỉ thực hiện thuận lợi khi có Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cấp tỉnh. Khảo sát các dự án bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản vào tháng 5-2016 tại hai tỉnh Bình Thuận và Thừa Thiên-Huế cho thấy, kết quả triển khai dự án phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của các tổ chức cộng đồng. Nếu chỉ có quỹ ở Trung ương thì rất khó khăn khi triển khai các hoạt động của quỹ tại cấp tỉnh, huyện, xã, thôn trong cả nước. Quỹ Trung ương và quỹ địa phương không phải là các đơn vị cấp trên, cấp dưới, mà hoàn toàn độc lập về tổ chức, nhân sự, tài chính.
Thẩm tra dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường (KH, CN&MT) của Quốc hội cho rằng, hiện còn nhiều luồng ý kiến xung quanh quy định này. Trong đó, có ý kiến đề nghị không thành lập quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách mà cần có chính sách, quy định để khuyến khích thành lập và phát triển quỹ cộng đồng. Có ý kiến lại đề nghị không thành lập quỹ cấp tỉnh. Hiện nay, tại một số địa phương đã hình thành quỹ cộng đồng gắn với mô hình đồng quản lý nhưng quy mô còn nhỏ, thiếu nguồn lực tài chính. Vì thế, cần có những nghiên cứu để phát triển quỹ cộng đồng gắn kết cùng với sự phát triển của mô hình đồng quản lý. Bên cạnh đó, có ý kiến đồng tình với việc thành lập quỹ Trung ương và quỹ cấp tỉnh như dự thảo luật để tiếp nhận được đầy đủ và triển khai nguồn lực tài chính hỗ trợ cho phát triển nguồn lợi thủy sản.
Dự thảo luật đã bổ sung một số quy định nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động khai thác thủy sản. Trong đó, bổ sung nội dung cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tổ chức, cá nhân không sử dụng tàu cá nhưng sử dụng nghề. Đây là nội dung mới vì hiện nay trên thực tế có nhiều nghề không sử dụng tàu cá như nghề đăng trên sông, đầm phá nhưng có sản lượng khai thác cao và ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lợi thủy sản cũng như môi trường sống của các loài thủy sản.
Dự thảo luật cũng quy định cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản nhằm phù hợp với phương thức quản lý, kiểm soát được nguồn lợi chặt chẽ hơn. Ủy ban KH, CN&MT bày tỏ sự đồng tình với việc cần thiết sửa đổi, bổ sung quy định này bởi nguồn lợi thủy sản không phải là nguồn tài nguyên vô tận, cần phải được bảo vệ và có chiến lược phát triển bền vững. Ở một số vùng ven biển do tình trạng khai thác thủy sản quá giới hạn cho phép đã làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản. Do vậy, khai thác thủy sản phải được quản lý bằng hạn ngạch để bảo vệ, tái tạo và phục hồi.
Quy định rõ việc chuyển mục đích sử dụng rừng
Theo tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (BV và PTR), qua 12 năm thực hiện, Luật BV và PTR năm 2004 đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để thực hiện mục tiêu chuyển từ nền lâm nghiệp lấy quốc doanh là chủ yếu sang nền lâm nghiệp nhân dân, đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia. Kinh tế lâm nghiệp từ chủ yếu dựa vào khai thác, lợi dụng rừng tự nhiên sang bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên và trồng rừng mới, gắn phát triển kinh tế lâm nghiệp với phát huy vai trò môi trường sinh thái, quốc phòng-an ninh và an sinh xã hội. Diện tích rừng từ 12,306 triệu ha với độ che phủ rừng 37% năm 2004 tăng lên đến năm 2015 là 14,061 triệu ha với độ che phủ rừng 40,84%; sản lượng gỗ rừng trồng hằng năm đạt khoảng 17 triệu m3, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 7,1 tỷ USD.
Mặc dù vậy, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ, đến nay, Luật BV và PTR năm 2004 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế trong ngăn chặn tình trạng phá rừng, suy giảm rừng tự nhiên, lấn chiếm đất rừng. Sản xuất lâm nghiệp bị chia cắt thành các giai đoạn riêng lẻ, hiệu quả thấp; công nghiệp chế biến lâm sản chủ yếu nhỏ lẻ, lạc hậu, năng suất, giá trị gia tăng thấp… Mục đích của việc sửa đổi luật lần này nhằm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản theo định hướng thị trường, hiện đại, hội nhập quốc tế; phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường. Tại phiên họp toàn thể của Quốc hội để nghe báo cáo về dự án Luật BV và PTR (sửa đổi), Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đã nhắc đến vụ cháy rừng vừa xảy ra ở huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) ngày 5-6, làm mất hàng chục héc-ta rừng. Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lưu ý, đây là minh chứng đòi hỏi chúng ta phải quan tâm hơn nữa đến công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Đối với vấn đề bảo vệ rừng, dự thảo luật đã bổ sung quy định mới về tổ chức bảo vệ rừng chuyên trách như: Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ không có tổ chức kiểm lâm. Doanh nghiệp, tổ chức không thuộc LLVT, được Nhà nước giao, cho thuê rừng và đất rừng được thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Dự thảo luật cũng quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng này. Những quy định trong dự thảo luật được xây dựng theo hướng việc kiểm tra lâm sản thực hiện cả trong quá trình khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh, gây nuôi, cất giữ và trong lưu thông. Đồng thời, phối hợp kiểm tra, kiểm soát lâm sản và xử lý vi phạm giữa các cơ quan kiểm lâm, hải quan, công an, Bộ đội Biên phòng, thuế, quản lý thị trường theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền. Dự thảo luật cũng quy định về việc thiết lập hệ thống rừng giống quốc gia để lưu giữ nguồn gen, cung ứng nguồn giống chất lượng cao bền vững. Quy định về phát triển rừng đối với từng loại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.
Ủy ban KH, CN&MT của Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự án Luật BV và PTR (sửa đổi) nhấn mạnh, cần phải quy định cụ thể, rõ ràng ngay trong dự thảo luật những trường hợp được chuyển mục đích sử dụng rừng gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Quá trình thẩm tra dự án luật, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu để cụ thể hơn về tiêu chí, điều kiện, trình tự thủ tục, thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng, nhằm cụ thể hóa chủ trương không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác, trừ các dự án phục vụ mục đích quốc phòng-an ninh hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết do Chính phủ quyết định. Bên cạnh đó, Ủy ban KH, CN&MT của Quốc hội cho rằng, cần xem xét luật hóa những chính sách khuyến khích, hỗ trợ chủ rừng, đặc biệt đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trong việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.
Trong cùng một ngày, hai dự án luật liên quan đến hai nguồn tài nguyên quý của quốc gia đã được trình ra Quốc hội. Theo chương trình kỳ họp, các đại biểu sẽ thảo luận ở tổ và tại hội trường về hai dự án luật nói trên. Rất hy vọng, những dự án luật này sẽ được các đại biểu Quốc hội góp ý, hoàn thiện, tạo nền tảng để bảo vệ, khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản và lâm sản của quốc gia không chỉ dành cho thế hệ này mà còn dành cho các thế hệ tiếp theo.