ThienNhien.Net – Từ hai văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Cao Bằng về phê duyệt hồ sơ cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt, một số đối tượng đã lợi dụng để phá rừng phòng hộ, viện lý do cần đường vận chuyển cây giống, thậm chí cố tình phá rừng sai lệch vị trí cấp phép cải tạo…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Sở NN và PTNT Cao Bằng đã ban hành hai Quyết định số 611/QÐ-SNN (ngày 31-8-2016) và số 787/QÐ-SNN (ngày 19-12-2016) về việc phê duyệt hồ sơ cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt là rừng sản xuất của cộng đồng xóm Khuổi Chót (xã Quang Trọng, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng). Việc cải tạo rừng nghèo kiệt là rừng sản xuất thực hiện theo Thông tư 23/2013 của Bộ NN và PTNT. Hiện trường cải tạo đã quy định rõ địa điểm và diện tích; cơ quan cấp cơ sở có trách nhiệm giám sát việc thực hiện trên thực tế để tránh làm sai hay lợi dụng làm sai.
Tuy nhiên, việc cải tạo rừng sản xuất nghèo kiệt tại xã Quang Trọng lại diễn ra khác với nội dung nêu trên. Ngày 21-2-2017, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cao Bằng lập đoàn công tác kiểm tra hiện trường, phát hiện ông Lê Văn Ðoàn, ở huyện Hòa An đang tự ý mở đường tại khu vực rừng phòng hộ do cộng đồng xóm Khuổi Chót quản lý. Ông Ðoàn không xuất trình được giấy tờ liên quan và thừa nhận chưa xin phép cơ quan chức năng. Tổng diện tích rừng mà ông này đã phá là 2.250 m2 có chiều dài 900m, chiều rộng 2,5m qua khu vực lô 9, lô 10 khoảnh 1B, tiểu khu 505 là rừng phòng hộ. Ông Ðoàn khai nhận, do không có đường đi lại để phát dọn thực bì và vận chuyển cây con đến trồng rừng tại khu vực đã xin cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt nên đã tự ý phá rừng mở đường. Ðiều đáng nói, người này thuê cả máy xúc để san ủi phá rừng làm đường vận xuất nhưng chính quyền địa phương không hay biết. Bí thư Chi bộ xóm Khuổi Chót Trần Thị Yểm khẳng định, việc mở đường của ông Lê Văn Ðoàn xóm không biết gì. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cao Bằng, với hành vi mở đường, phá rừng trái phép, ông Lê Văn Ðoàn chỉ phải chịu hình thức xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.
Một sự việc khác nghiêm trọng hơn cũng diễn ra tại xóm Khuổi Chót, xã Quang Trọng là giấy phép cho cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt ở một nơi, nhưng lại “cải tạo” ở nơi khác, trong phạm vi rừng phòng hộ. Ngày 21-2-2017, Chi cục kiểm lâm tỉnh Cao Bằng kiểm tra hiện trường lô rừng do chính cộng đồng xóm Khuổi Chót xin cải tạo ngày 17-10-2016 được Sở NN và PTNT Cao Bằng phê duyệt theo Quyết định số 787 (ngày 19-12-2016). Tuy nhiên, tại hiện trường kiểm tra, đoàn công tác phát hiện lô rừng xin cải tạo chưa có tác động các biện pháp lâm sinh để tiến hành trồng rừng. Trong khi đó, lại phát hiện hai lô khác cây rừng đang bị chặt hạ với tổng diện tích 40.800 m2 (nhiều hơn diện tích được cải tạo trong giấy phép 800 m2). Qua đối chiếu bản đồ, khu vực này nằm trong rừng phòng hộ và ở vị trí khác hoàn toàn khu vực được phép cải tạo.
Ðáng nói hơn, hồ sơ cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt đứng tên Cộng đồng xóm Khuổi Chót, nhưng đối tượng vi phạm lại là người ở nơi khác đến. Trưởng xóm Khuổi Chót Trần Văn Tuyên cho biết: Khu rừng nêu trên được cộng đồng xóm chuyển nhượng cho ông Lê Ðình Quang (sinh năm 1975, quê quán: xã Bộc Liêu, huyện Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên; hiện sống ở thành phố Cao Bằng). Việc chặt hạ lô rừng này do ông Lê Ðình Quang tiến hành. Ngày 20-3, Chi cục Kiểm lâm yêu cầu ông Quang đến làm việc. Người này cho biết mua lô rừng có diện tích 51 ha nêu trên từ cộng đồng xóm Khuổi Chót với mức giá 50 triệu đồng. Ðây là hành vi trái quy định, thế nhưng, sau khi nhận rừng, ông Quang đại diện cộng đồng xóm Khuổi Chót vẫn ký được hợp đồng với Trung tâm Ðiều tra quy hoạch, thiết kế nông, lâm nghiệp để xin cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt ở khu vực trên (?!) Khi được phê duyệt, ông Quang tự ý thuê người phá rừng ở một khu vực khác, là rừng phòng hộ. Và đến khi Chi cục Kiểm lâm tỉnh lập biên bản, ông ta mới biết mình phá “nhầm” rừng phòng hộ!
Ðây là những sự việc nghiêm trọng bởi hành vi phá rừng diễn ra ngang nhiên ngay trong khu vực phòng hộ; việc người dân tự ý bán rừng được giao diễn ra một cách “bình thường” dưới sự xác nhận của xã. Liệu trách nhiệm này chỉ thuộc về cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn hay sự phối hợp giữa kiểm lâm các cấp với chính quyền cơ sở thiếu chặt chẽ? Chủ tịch UBND xã Quang Trọng Lô Văn Phòng cho biết, khi bàn giao hiện trường, xã không được tham gia, cho nên không biết chuyện xảy ra ở thực địa. Trong khi đó, kiểm lâm viên phụ trách khu vực đã có 30 năm kinh nghiệm trong nghề thì một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cao Bằng đánh giá là: “Yếu kém về năng lực chuyên môn và lý do tuổi tác nên quản lý không tốt”. Còn đối với cán bộ địa chính xã Quang Trọng thì Chủ tịch UBND xã Lô Văn Phòng cho rằng, “không biết xem bản đồ địa chính”!
Ðược biết, cuối năm 2016, Hạt kiểm lâm Thạch An đã đề nghị được chuyển đổi vị trí rừng vi phạm trong sự việc nêu trên từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất nhưng chưa được phê duyệt. Ðầu năm 2017, việc vi phạm, phá rừng phòng hộ ngay tại khu vực này xảy ra. Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Cao Bằng Nguyễn Văn Minh khẳng định, việc “chặt nhầm” diện tích rừng nói trên là đáng tiếc; việc mua bán giữa chủ rừng với cá nhân, tổ chức khác là sai và trách nhiệm của ngành kiểm lâm khi để xảy ra sự việc là không thể phủ nhận. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Cao Bằng Ðặng Hùng Chương khẳng định: “Sở đã đề nghị lên UBND tỉnh kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật công chức kiểm lâm phụ trách địa bàn xã và lãnh đạo Hạt kiểm lâm Thạch An”.
Sở NN và PTNT tỉnh Cao Bằng trong Báo cáo số 626 (ngày 17-5-2017) đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng yêu cầu UBND huyện Thạch An hủy bỏ hai hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái quy định do UBND xã Quang Trọng chứng thực trong sự việc nêu trên. Theo điều 20 Nghị định số 157/2013/NÐ-CP, trường hợp ông Lê Ðình Quang thuê người phá rừng sai vị trí được phép cải tạo với diện tích 40.800 m2 phải xử lý hình sự do vượt quá mức tối đa xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, Sở này đề nghị không xử lý hình sự với ông Lê Ðình Quang mà chuyển sang xử phạt vi phạm hành chính ở mức cao nhất, với lý do lo ngại gây hoang mang trong cộng đồng dân cư tại địa bàn chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao và ảnh hưởng đến tâm lý tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện các dự án trồng rừng tại tỉnh Cao Bằng. Ðến ngày 22-5, UBND tỉnh Cao Bằng chưa có văn bản trả lời về việc này.
Qua những sai phạm nêu trên, thiết nghĩ tỉnh Cao Bằng cần sớm chỉ đạo rà soát lại toàn bộ diện tích rừng phòng hộ đã giao cho các vùng quản lý, tránh việc khai thác trái phép. Việc xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về những hành vi lợi dụng chính sách của Nhà nước để cố tình làm sai trong công tác bảo vệ rừng phòng hộ là điều phải làm ngay.