ThienNhien.Net – Theo Trang mạng cnn.com, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng mô tả Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là “một bước ngoặt lớn cho hành tinh của chúng ta.”
Thỏa thuận mang tính lịch sử, với sự phê chuẩn của 147 quốc gia, được tạo ra nhằm mục đích cắt giảm lượng khí thải và duy trì nền nhiệt toàn cầu không tăng quá 2 độ C.
Tuy nhiên, tương lai của thỏa thuận mà Mỹ đã tham gia ký kết hiện đang rơi vào tình thế bấp bênh sau khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước toàn cầu này, một quyết định đưa Mỹ vào thế đối đầu với hầu hết mọi quốc gia khác trên Trái Đất.
Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận để đối phó với bất kỳ hành động nào của Mỹ có thể làm suy yếu Hiệp định Paris. Phản ứng trước tuyên bố rút khỏi hiệp định hôm 1/6, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã mô tả biến đổi khí hậu là một thách thức toàn cầu mà không một quốc gia nào có thể phớt lờ.
Theo tổ chức phi lợi nhuận Tương tác Khí hậu của Mỹ, sự “ra đi” của Mỹ có thể khiến cho mục tiêu ngăn chặn nền nhiệt trái đất tăng hơn 2 độ C từ nay đến năm 2100 càng trở nên khó khăn hơn.
Câu hỏi đặt ra là sự tác động của Mỹ đối với khí hậu toàn cầu lớn đến mức nào và việc Mỹ rút khỏi hiệp định có ý nghĩa gì với phần còn lại của thế giới – cả trong thời điểm hiện tại lẫn về lâu dài?
Theo các dữ liệu về khí thải của Ủy ban châu Âu, Mỹ là quốc gia thải khí CO2 nhiều thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Năm 2015, nước này thải ra khoảng 5,1 triệu kiloton khí CO2, nhiều hơn tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cộng lại và chiếm gần 1/6 lượng khí thải toàn cầu.
Trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông Obama đã rất nỗ lực trong việc làm giảm thiểu lượng khí thải của Mỹ nhằm tránh khỏi tình trạng biến đổi khí hậu vô cùng khốc liệt. Tuy nhiên, kể từ khi nhậm chức, ông Trump lại ký các sắc lệnh hành pháp để tạo điều kiện dễ dàng cho hoạt động khai thác than và loại bỏ Kế hoạch Hành động vì Môi trường do chính quyền Obama đưa ra năm 2013.
Hiệp định Paris được các nước nhất trí thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP21) với mục tiêu lớn nhất là kiềm chế sự nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu chỉ ở trong ngưỡng 2 độ C. Mỗi quốc gia có thể quyết định cách thức riêng để đạt được mục tiêu đó, song những cam kết sẽ phải được thực hiện theo thời gian và từ năm 2018, cứ 5 năm sẽ có một chiến lược mới được đưa ra.
Giáo sư Ian Simmonds của Trường Khoa học Trái đất thuộc Đại học Melbourne cho biết: “Đây là một bước tiến quan trọng… thực tế là có rất nhiều thỏa thuận và mong muốn tốt đẹp từ tất cả các bên, bao gồm cả một số quốc gia đã từng miễn cưỡng trong quá khứ.”
Thỏa thuận đã được 147 quốc gia phê chuẩn, bao gồm tất cả các nước phát thải khí cácbon lớn nhất thế giới. Tại thời điểm đó, Mỹ đã cam kết giảm lượng khí thải khoảng 26-28% trong một thập kỷ. Tuy nhiên, một số nhà khoa học đã chỉ ra rằng ngay cả khi thỏa thuận được thực thi, thì việc duy trì sự nóng lên toàn cầu ở ngưỡng 2 độ C là khó có thể đạt được.
Ông Simmonds nhận định: “Trong hai năm qua, chúng ta đã phá vỡ kỷ lục gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu mỗi năm – năm 2014 là một kỷ lục mới, năm 2015 lại phá vỡ kỷ lục đó và chúng ta tiếp tục đánh bại kỷ lục năm 2015 vào năm 2016.”
Các nhà khoa học khẳng định bất kỳ sự chậm trễ nào trong nỗ lực ngăn chặn phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ đều có thể làm tổn hại đến nước này và toàn thế giới trong một thời gian dài.
Theo nhà báo John D. Sutter của CNN, 2 độ C là mục tiêu “khó tin.” Ông nói: “Số phận của hành tinh này – với sự hỗn độn mà chúng ta để lại cho các thế hệ tương lai – đang gặp nguy.”
Hầu hết các nhà khoa học đồng ý rằng nhiệt độ cao sẽ làm nước biển dâng lên, các thành phố ven biển bị ngập lụt, sự tuyệt chủng hàng loạt, hạn hán, các cuộc khủng hoảng di cư, những đợt nóng chết người, mùa màng thất bát, và các cơn bão kinh khủng.
Một nghiên cứu vào tháng 12/2016 được công bố trên tạp chí Nature Climate Change cho biết, sự trì hoãn của Mỹ có thể khiến cho các mục tiêu của Hiệp định Paris “không thể thành hiện thực.”
Phân tích của một nhóm thuộc tổ chức Tương tác Khí hậu cho rằng nếu Mỹ rời khỏi Hiệp định Paris và không có hành động nào, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 0,3 độ so với việc họ ở lại hiệp định.
Li Shuo, nhà phân tích khí hậu tại Tổ chức Hòa bình xanh Trung Quốc, cho rằng: “Sự rút lui của Mỹ khỏi nỗ lực chống biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ để lại một lỗ hổng lớn trong hệ thống điều phối khí hậu quốc tế… Đây cũng là một đòn giáng mạnh vào danh tiếng cũng như vị thế địa chính trị của Mỹ.”
Tuy nhiên, không phải tất cả các chuyên gia đều cho rằng những nỗ lực đạt được các mục tiêu khí hậu toàn cầu sẽ trở nên quá thảm hại. Giáo sư David Schlosberg thuộc trường Đại học Sydney nói với CNN rằng các quốc gia lớn khác, như Trung Quốc và Ấn Độ, có thể tiếp tục đảm đương trách nhiệm trong hiệp định này, và Mỹ sẽ bị cô lập về chính trị.
Chuyên gia Schlosberg nói: “Ông Trump thực sự không quan trọng như ông ấy muốn… Tôi nghĩ dù thế nào đi nữa, sẽ có một số bang và khu vực của Mỹ nỗ lực giúp cường quốc số 1 thế giới đạt được mục tiêu mà mình đã tự đặt ra”.