ThienNhien.Net – Câu hỏi trách nhiệm chính quyền ở đâu khi doanh nghiệp lộng hành đang “giết chết” lòng sông như vậy. Hỏi tỉnh, tỉnh bảo huyện. Hỏi huyện, huyện bảo xã. Hỏi xã bảo do… cấp trên.
Để đánh giá đúng về nguy cơ từ việc khai thác tận diệt sông Đà, PV đã có buổi làm việc với đại diện sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình. Người được phân công làm việc là ông Đặng Văn Khoa, phó phòng Khoáng sản.
Theo ông Khoa, số lượng tàu hút cát của 2 công ty được cấp phép tại khu vực xã Hợp Thành, Hợp Thình tổng cộng là 18 tàu trong đó, công ty Sahara đăng kí là 15 tàu cả tàu hút và tàu cuốc, công ty Hùng Yến đăng kí 3 tàu.
Tuy nhiên, thực tế khác xa rất nhiều lời ông Đặng Văn Khoa nói. Điều này được thể hiện ngay trong văn bản làm việc của các bên ngày 11/4, lúc đó số tàu mà đoàn kiểm tra đếm được là 30 tàu.
Nói về việc trách nhiệm của sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình trong việc để doanh nghiệp “vô tư” điều gần 100 chiếc tàu đến khai thác tận diệt lòng sông, ông Khoa cho biết: “Theo quy định cũ nghị định 15 thay bằng 58 đối với cơ quan cấp huyện cấp xã trực tiếp quản lý khai thác này chúng tôi trên sở chỉ trách nhiệm đôn đốc. Nếu để xảy ra vi phạm hành chính ví dụ như ngoài mốc giới khai thác, quá số lượng tàu thuyền thì chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND cấp tỉnh quy định rất rõ về quản lý sau khi cấp phép rồi.”
PV hỏi thêm về chiêu trò hút tạo “hàm ếch” để khai thác cát sát phía bờ sông ông Khoa cũng khẳng định nếu như vậy sẽ gây sạt lở bờ sông và không nói thêm về thông tin này.
Theo thông tin của người dân, hiện công ty Hùng Yến đã tiến hành sang nhượng điểm khai thác cát được cấp phép tại xã Hợp Thành. Vấn đề này ông Khoa cũng xác nhận với PV có nghe thông tin, tuy nhiên, việc sang nhượng sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa bình chưa nắm đươc về mặt văn bản.
Tình hình khai thác cát càng có diễn biến phức tạp khi chiều ngày 19/5, khi PV đang thực hiện loạt bài viết này thì nhận được nguồn tin thông báo về việc người dân xã Tân Lập tập trung tại nhà văn hóa thôn để làm việc với cơ quan chức năng.
Tại đây, lý do người dân nêu ra là họ tập trung là để nghe ngành chức năng của tỉnh Hòa Bình giải trình về việc mức độ khai thác cát trên sông Đà là quá lớn. Với số lượng hàng chục chiếc tàu cuốc hoạt động rầm rộ cả ngày lẫn đêm như hiện nay, trong vòng vài năm tới đất đai, hoa màu của người dân trong vùng có bị “hà bá” nuốt trôi?
Người dân nêu câu hỏi, trong quá trình doanh nghiệp đưa hàng chục tàu, thuyền vào hút, vận chuyển cát rầm rộ cả ngày lẫn đêm gần 2 tháng nay, các cơ quan chức năng của tỉnh có biết không; đồng thời đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình xem xét rút giấy phép khai thác khoáng sản đối với các công ty trên, trả lại cuộc sống bình yên cho người dân hai xã Hợp Thịnh, Hợp Thành.
Sau khi nghe kiến nghị của bà con tại hai xã, ông Trần Anh, Phó giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình và ông Nguyễn Trọng Long – Phó Chánh Thanh tra tỉnh Hòa Bình đã nhấn mạnh, hiện tại đã tạm đình chỉ việc khai thác cát của hai công ty trên và tiếp thu ý kiến của người dân để báo cáo UBND tỉnh vào chiều thứ Hai (22/5).
Thứ Sáu (26/5), lãnh đạo UBND tỉnh cùng một số sở, ngành chức năng sẽ xuống địa bàn xã trực tiếp gặp bà con, có văn bản trả lời, bàn và có giải pháp để bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của người dân.
Có thể múc sâu đến 5m
Nói về kế hoạch khai thác cát ông Đào Trọng Khoa cho biết, 1 năm chỉ theo quy định, 1 năm chỉ được khai thác 230.000m3 và chỉ khai thác trong mùa nước, mùa cạn thì không khai thác được. Thời gian khai thác được phép là 12 tháng/năm trừ mùa nước cạn không thể khai thác. Về độ sâu khai thác ông Khoa cho biết, trong quá trình thăm dò và lấy mẫu cát trên địa bàn, doanh nghiệp chỉ được phép khai thác đến độ sâu 5m so với đáy dòng sông Đà. |
Bài tiếp: Giấy phép vẫn được cấp, bất chấp dân phản đối?
Xem thêm: Hòa Bình: Doanh nghiệp ‘được’ cấp phép để tận diệt sông Đà?