ThienNhien.Net – Tán thành chủ trương hạn chế xe cá nhân của Hà Nội, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng TP cần thực hiện thận trọng.
Đầu tháng 7 tới, kỳ họp 4 HĐND TP Hà Nội dự kiến sẽ bàn về dự thảo nghị quyết tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, Hà Nội sẽ đưa ra lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân, tiến tới dừng hoạt động xe cá nhân trong nội thành vào năm 2030.
Giảm phương tiện riêng, tiến tới dừng xe máy
Dự thảo này đưa ra sáu giải pháp để quản lý phương tiện giao thông, trong đó mỗi giải pháp đều áp dụng song hành hai biện pháp hành chính và kinh tế.
Cụ thể, đối với việc quản lý số lượng xe cá nhân, Hà Nội sẽ lập quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi; quản lý xe hợp đồng đến chín chỗ tương tự quản lý xe taxi; cấp hạn ngạch đối với xe taxi; yêu cầu chủ ô tô trên địa bàn phải mở tài khoản điện tử và lắp thiết bị phụ trợ để phục vụ công tác quản lý phương tiện và điều tiết giao thông…
Đối với quản lý chất lượng xe, dự thảo đưa ra biện pháp đăng kiểm, phân niên hạn sử dụng, đưa ra quy chuẩn chất lượng phương tiện (chỉ đối với taxi), quy định tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy, cấm các loại xe cũ nát hoạt động… và tiến tới dừng hoạt động đối với xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030; phát triển và nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng. Trong đó đáng chú ý nhất là việc quy định phải lắp đặt thiết bị trả phí tự động trên tất cả ô tô, mỗi chủ phương tiện phải đăng ký tài khoản để phục vụ công tác thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực và quản lý phương tiện trên địa bàn TP…
Nên để người dân lựa chọn
Ủng hộ chủ trương này của Hà Nội, tuy nhiên các chuyên gia về giao thông cho rằng TP cần nghiên cứu kỹ từng giải pháp, thực hiện theo lộ trình.
“Theo tôi, giải pháp số một vẫn là phát triển hạ tầng giao thông và vận tải công cộng giống các nước phát triển trên thế giới. Có nghĩa là hạ tầng giao thông công cộng của ta phải hùng mạnh. Biện pháp thu phí xe vào nội đô, hạn chế xe cá nhân, phân vùng hạn chế ô tô, xe máy… chỉ là biện pháp tổ chức giao thông thôi, mang tính chất hỗ trợ…” – chuyên gia giao thông Doãn Minh Tâm nhận định. Theo ông, Hà Nội cần nghiên cứu kỹ để chủ trương này thực hiện được, trong đó các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện… phải căn cứ vào tình hình thực tế rồi mới đưa ra chính sách thực thi cụ thể. “Chẳng hạn, đến năm 2020 có bao nhiêu xe máy, ô tô cá nhân, vận tải công cộng chiếm bao nhiêu %, hạ tầng giao thông như thế nào” – ông Tâm nói.
Về lộ trình hạn chế xe cá nhân, ông Tâm cho rằng nên để trình độ phát triển kinh tế-xã hội quyết định việc lựa chọn sử dụng phương tiện nào của người dân. Vì khi vận tải công cộng thuận lợi thì không cấm người dân cũng bỏ xe cá nhân để đi xe công cộng. “Giao thông công cộng là cần thiết nhưng không thể thay thế giao thông cá nhân. Nước Nhật có tới 70 triệu xe con/hơn 110 triệu dân. Khi làm việc họ đi xe công cộng vì thuận lợi, ngày nghỉ thì họ đi xe cá nhân” – ông Tâm nói.
Tương tự, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên nhấn mạnh chính quyền phải có trách nhiệm cung cấp các điều kiện đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân chứ không nên áp đặt các biện pháp “hành chính và kinh tế” để hạn chế xe cá nhân. “Trách nhiệm của Nhà nước phải giải quyết cho người dân đi lại thuận lợi bằng cách đầu tư hạ tầng, phát triển vận tải công cộng. Vì vậy tôi cho rằng chỉ nên cấm xe máy tại nội thành khi người dân không có nhu cầu đi xe máy nữa” – ông Liên nói.
Lộ trình thực hiện sáu nhóm giải pháp hạn chế xe cá nhân được chia thành ba giai đoạn.
Giai đoạn 2017-2018: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải.
Giai đoạn 2017-2020: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng.
Giai đoạn 2017-2030: Triển khai đồng thời, đồng bộ các nhóm giải pháp về đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển vận tải hành khách công cộng…