59% người dân chưa yên tâm về an toàn thực phẩm

ThienNhien.Net – Đây là con số nêu ra tại Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.

ĐB Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) cho rằng, an toàn vệ sinh thực phẩm vốn không phải vấn đề mới phát sinh mà đã được lên tiếng từ lâu, tuy đã có chuyển biến song rất chậm, gây bức xúc lo lắng cho xã hội và đa số người dân không yên tâm về an toàn thực phẩm.

Thời gian qua có 3 triệu cơ sở được kiểm tra, trong đó có hơn 20% số cơ sở vi phạm với các lỗi chủ yếu: thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hạn sử dụng, thực phẩm sử dụng hoá chất,… Trong khi đó, trách nhiệm quản lí nhà nước lại thuộc về 3 bộ: Y tế, Công thương và NNPTNT.

“Việc có tới 3 bộ tham gia lĩnh vực đảm bảo an toàn thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn nhưng lại “cắt khúc” đã gây ra khoảng trống và khoảng trống này không quản lí được, dẫn đến mất an toàn”, ông Mai nói.

ĐB Nguyễn Minh Ánh (Hà Nội) cho rằng để có rau quả tươi sống sạch, trước hết nguồn nước và môi trường đất, môi trường không khí phải sạch, thế nhưng hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường nước đã trở lên rất trầm trọng ở sông Đáy và sông Nhuệ.

“Đây cũng nguyên nhân gây ra nguồn thực phẩm bẩn hằng ngày, hàng giờ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt và sức khỏe của người dân ở 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Hòa Bình”, bà Ánh bày tỏ lo ngại.

Trong khi đó, theo báo cáo của Quốc hội, giai đoạn 2011 – 2016 ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm, làm mắc hơn 4 triệu ca bệnh, với 123 người chết, trung bình mỗi năm có 668.673 ca bệnh và 21 người chết. “Con số về các ca ngộ độc hằng năm được báo cáo nêu chỉ là phần nổi của tảng băng ngộ độc thực phẩm.

Thực tế xảy ra với mỗi cá nhân chúng ta, mỗi gia đình, tôi tin chắc rằng ít nhất hằng năm có hàng chục triệu ca tiêu chảy liên đến thực phẩm mà người dân tự xử lý không được các cơ sở y tế ghi nhận. Bên cạnh đó còn có hàng loạt bệnh tật nguy hiểm khác phát sinh từ việc tích tụ chất bẩn, chất độc hằng ngày thông qua sử dụng thực phẩm không an toàn”, ĐB Nguyễn Hoàng Mai nói.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, cả nước hiện có 1.530/23.076 cơ sở sản xuất kinh doanh rau, quả áp dụng tiêu chuẩn GAP với 12.687 ha, chỉ chiếm 1,54% diện tích rau cả nước. Số cơ sở sản xuất, kinh doanh rau quả an toàn được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP)  là 57%…

Từ năm 2011-2016, cả nước đã thành lập 153.493 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP với sự tham gia của các ngành chức năng, tiến hành kiểm tra tại 3.350.035 cơ sở, phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm.

Về xử lý hình sự, từ năm 2011-2016, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 1 vụ, 3 bị cáo về tội danh vi phạm các quy định về ATTP; khởi tố, điều tra, đề nghị truy tố 90 vụ, 148 bị can có hành vi phạm tội liên quan đến ATTP.

 

Nguồn: