ThienNhien.Net – Theo các chuyên gia, việc chặt hạ cây xanh, trong đó có cây xà cừ ở Hà Nội, cần phải có nhiều phương án, khảo sát cẩn thận để “lá phổi” của TP được duy trì. Quy hoạch hạ tầng luôn phải tính đến quy hoạch cây xanh, chứ không thể có chuyện “cứ có dự án mới lại tính chuyện phá bỏ cây xanh”.
Gần đây, để mở rộng dự án đường vành đai 3 dài 5,5km với điểm đầu là ngã tư Mai Dịch, điểm cuối là phía nam cầu Thăng Long, TP.Hà Nội cho biết, trong 3 tháng tới sẽ đánh chuyển, chặt hạ 1.300 cây xanh, phần lớn là cây xà cừ lâu năm. Theo kế hoạch, đơn vị thi công sẽ chặt hạ hơn 1.000 cây, di chuyển 158 cây, cắt tỉa 142 cây, trong số này có 986 cây xà cừ đường kính 0,4m đến 1,2m, còn lại là cây sấu, hoa sữa, phượng vĩ…
Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Huy Nga – nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế – cho biết: Sự phát triển của đô thị là tất yếu để phù hợp với nền kinh tế – xã hội. Nhưng, cần phải để sự phát triển đô thị hài hòa với vấn đề bảo vệ môi trường. Ở các nước trên thế giới, quy hoạch hạ tầng luôn tính đến quy hoạch cây xanh, chứ không có chuyện cứ có dự án mới lại phá bỏ cây xanh.
Cây xà cừ được trồng ở Hà Nội chủ yếu từ thời Pháp. Từ năm 1960 đến nay TP không trồng loại này. Cây thuộc giống cây gỗ lớn, có bóng mát, màu xanh quanh năm và tuổi thọ hơn 100 năm. Hàng cây xà cừ ở Hà Nội là nơi che nắng, che mưa cho học sinh, gắn liền với tuổi thơ của nhiều người. |
Theo PGS Nguyễn Huy Nga, cây xanh rất quan trọng, đặc biệt là ở TP. Cụ thể, nghiên cứu tại Singapore và Mỹ cho thấy TP có nhiều cây xanh có thể giảm nhiệt độ ngoài trời khoảng 4 độ C, giảm chi phí năng lượng khoảng 12%, giảm độ bụi 13%, tăng các giao dịch thương mại thêm 12% và giá trị đất đai 23%.
Ngoài ra, cây xanh còn có tác dụng giảm tiếng ồn, âm thanh phản xạ qua lại nhiều lần qua các tán cây sẽ giảm lượng âm thanh đáng kể. Vì vậy, nên thiết kế các lớp cây trồng xen kẽ cây bụi, cây thấp tầng và cây cao để giảm bớt âm thanh thành phố đến các công trình.
Thống kê chưa đầy đủ của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, trên địa bàn TP có hơn 4.000 cây xà cừ già cỗi cần được thay thế (một số quận như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông chưa được thống kê).
Theo đó, 4.000 cây được trồng ở các tuyến phố: Hoàng Diệu, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Hoa Thám, La Thành, đường Láng, Trần Thánh Tông, Yên Phụ, Phạm Văn Đồng…
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hầu hết cây xà cừ này chưa được thường xuyên chăm sóc ở giai đoạn đầu. Gỗ cây thuộc nhóm 5, không có giá trị cao về kinh tế, bộ rễ xà cừ cần không gian phát triển lớn trong khi vỉa hè Hà Nội hẹp, nhà cửa nhiều, công trình ngầm ngay sát nên thiếu đất cho rễ cây phát triển dẫn đến tán cây nặng, mất cân đối, dễ đổ khi mưa bão.
Do đó, Sở Xây dựng đề xuất phương án di chuyển hoặc chặt hạ để đảm bảo mỹ quan đô thị. Đối với các cây có chiều cao từ 15 – 20m và đường kính lớn khoảng 50cm, chi phí chặt hạ từ 14 triệu đồng/cây, đối với những cây phải dịch chuyển dự tính chi phí khoảng hơn 25 triệu đồng/cây.
Những năm qua, khi giải phóng mặt bằng cho dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh – Hà Đông; Nhổn – Ga Hà Nội, TP đã quyết định di dời thay vì chặt hạ hàng cây xà cừ trên đường Nguyễn Trãi, trên phố Kim Mã (đoạn Công viên Thủ Lệ). Số cây trên đang được chăm sóc tại vườn ươm và đạt tỷ lệ sống khá cao, có thể trồng lại tại các công viên của thành phố.
Ông Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội – đánh giá, xà cừ không phải là cây khuyến nghị trồng thêm, nhưng cũng không phải cây hạn chế phát triển. Rễ cây nổi, ảnh hưởng nhiều đến hạ tầng kỹ thuật, mỹ quan đô thị và không gian vỉa hè. Tuy nhiên, nếu thay thế cây xà cừ thì TP cần phải khảo sát cụ thể, phân loại rõ các cây sâu, mục, già cỗi, nguy cơ mất an toàn.
Chốt lại, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, trong trường hợp nếu phải xây dựng mở rộng thì cố gắng di dời tất cả cây xanh đến nơi phù hợp để “lá phổi” của thành phố được duy trì nguyên vẹn.