ThienNhien.Net – Chiều 31/5, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã tổ chức họp báo thông tin tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh trong 5 tháng đầu năm 2017.
Tại buổi họp báo, vấn đề được đông đảo phóng viên quan tâm là tiến độ điều tra việc Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Tây Trường Sơn Quảng Nam làm giả quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh để khai thác cát trái phép.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, người phát ngôn của Ủy ban Nhân dân tỉnh cho biết theo điều tra ban đầu của Công an tỉnh, ngày 20/9/2016, Công ty Tây Trường Sơn và Công ty Cổ phần Trung Nam (Công ty Trung Nam) đã ký hợp đồng về việc mua bán cát san nền với khối lượng 1 triệu m3, đơn giá 45.000 đồng/m3.
Công ty Trung Nam nhận cát tại bãi tập kết cát Hà Nha, Đại Đồng, Đại Lộc, Quảng Nam.
Đến ngày 31/10/2016, hai công ty tiếp tục ký phụ lục hợp đồng về việc vận chuyển cát từ bãi tập kết cát Hà Nha, Đại Đồng, Đại Lộc, Quảng Nam đến công trình Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước, thành phố Đà Nẵng với khối lượng 100.000 m3, đơn giá 52.000 đồng/m3.
Từ tháng 9/2016 đến tháng 12/2016, Công ty Tây Trường Sơn đã bán cho Công ty Trung Nam 20.199m3 cát và đã xuất 3 hóa đơn với tổng giá trị ghi trên hóa đơn là hơn 1,6 tỷ đồng. Quá trình thực hiện hợp đồng, bà Nguyễn Thị Trang (sinh năm 1985, trú 179 Ngô Mây, Cẩm Lệ, Đà Nẵng) là người chịu trách nhiệm làm việc với Công ty Trung Nam và gửi hồ sơ đề nghị thanh toán, nhận hóa đơn giá trị gia tăng từ Công ty Tây Trường Sơn giao cho Công ty Trung Nam nên được hưởng số tiền 500 đồng/m3 cát.
Đến ngày 24/3/2017, khi Công ty Trung Nam yêu cầu Công ty Tây Trường Sơn cung cấp hồ sơ nguồn gốc cát liên quan đã bán, bà Nguyễn Thị Trang đã liên lạc với bà Ngô Thị Thanh Vân (thủ quỹ Công ty Kim Toàn và kế toán của Công ty Tây Trường Sơn) yêu cầu cung cấp hồ sơ.
Tuy nhiên, do khối lượng cát đã bán cho Công ty Trung Nam không có hồ sơ nguồn gốc, bà Ngô Thị Thanh Vân đã lấy Quyết định số 1193/QĐ-UBND ngày 6/4/2015 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam về việc gia hạn giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường và thuê đất tại mỏ đá Khe Rọm, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cấp cho Công ty Kim Toàn (bản photo đã được chứng thực tại Phòng công chứng số 3, thành phố Đà Nẵng, số chứng thực 3591 ngày 21/4/2016) chỉnh sửa, thay đổi nội dung thành quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc gia hạn giấy phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường và thuê đất tại khu vực xã A Tiêng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cấp cho Công ty Tây Trường Sơn.
Sau đó, bà Vân chuyển quyết định này cho Kế toán trưởng Công ty Trung Nam nhằm hợp thức hóa số cát không rõ nguồn gốc đã bán trước đó. Khi sự việc bị phát hiện, bà Ngô Thị Thanh Vân đã tiêu hủy toàn bộ hồ sơ liên quan của Công ty Tây Trường Sơn.
Ông Nguyễn Hồng Quang cho biết ông thực sự bất ngờ khi có quyết định bị làm giả như trên. Vì Tây Giang là địa bàn không có cát để bán với khối lượng lớn như vậy. Ngay sau đó, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo cơ quan Công an điều tra làm rõ sai phạm của đối tượng, sớm đưa ra xử lý trước pháp luật.
Trước đó, vào giữa tháng 3/2017, xuất hiện thông tin về hợp đồng hút cát số lượng lớn tại khu vực Cửa Đại, thành phố Hội An mà Công ty Trung Nam là chủ mỏ. Công ty đã thuê các tàu hút cát bơm và vận chuyển cát ra san lấp mặt bằng tại công trình Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước, thành phố Đà Nẵng.
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khẳng định đến thời điểm này không cấp phép cho bất kỳ đơn vị, doanh nghiệp nào hút cát tại khu vực biển Cửa Đại để san lấp mặt bằng ở ngoại tỉnh.
Vì vậy, ngày 27/3/2017, Thanh tra Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng đã kiểm tra công trình Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước, yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công và giải trình về nguồn gốc vật liệu san nền của công trình.
Cùng ngày, chủ đầu tư công trình Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước đã gửi công văn giải trình và đưa ra Quyết định số 1193/QĐ-UBND ngày 6/4/2015 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam về việc gia hạn giấy phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường và thuê đất tại khu vực xã A Tiêng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cấp cho Công ty Tây Trường Sơn (bản photo) để chứng minh nguồn gốc nguồn cát san lấp mặt bằng.