ThienNhien.Net – Tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 30-5, ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, thành phố đang lấy ý kiến các bộ ngành để chuẩn bị triển khai nạo vét bùn, làm sạch nước hồ Hoàn Kiếm vào cuối tháng 7, đầu tháng 8-2017.
Theo ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm hiện nay đang bị ô nhiễm khá nghiêm trọng và đã mất khả năng tự làm sạch. Chất lượng nước hồ ngày càng một suy giảm, độ pH luôn ở mức cao, từ 9,05 đến 9,46. Cặn lơ lửng trong hồ cao hơn tiêu chuẩn cho phép ở cả 5 vị trí quan trắc. Ngoài ra, hồ đang trong tình trạng bị ô nhiễm hữu cơ với BOD, COD gấp gần 2 lần so với quy chuẩn cho phép. Nước hồ ở một số vị trí bị đổi màu, không còn giữ được màu xanh đặc hữu.
Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm còn do lớp bùn dưới đáy hồ Hoàn Kiếm rất dày, có nơi lên đến hơn 1m, dẫn đến mực nước chỉ còn 0,5-08m. Do đó, thành phố đã giao Công ty Thoát nước Hà Nội triển khai việc nạo vét bùn và làm sạch nước hồ Hoàn Kiếm. Yêu cầu quan trọng là trong quá trình làm sạch, phải giữ được màu xanh đặc hữu của nước hồ.
Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cũng cho biết thêm, hiện nay, thành phố đã cho ý kiến vào phương án nạo vét và làm sạch hồ của Công ty. Sau đó, phương án này cũng đã được Công ty chỉnh sửa lại. Tuy nhiên, vì hồ Hoàn Kiếm là di tích quốc gia đặc biệt nên dự án làm sạch nước hồ sẽ phải lấy ý kiến Bộ VH-TT&DL, cùng đó, phải thông qua Bộ Tài nguyên và Môi trường xét duyệt đánh giá tác động môi trường. Dự kiến, nếu có sự đồng thuận của 2 Bộ này, khoảng cuối tháng 7 đầu tháng 8-2017, đơn vị sẽ bắt đầu triển khai nạo vét và làm sạch hồ. Thời gian thi công dự kiến trong khoảng 120 ngày.
18 điểm đen úng ngập
Về phương án phòng chống úng ngập mùa mưa 2017 trên địa bàn Hà Nội, ông Võ Tiến Hùng cho biết, với các trận mưa nhỏ hơn 50mm/2 giờ, cơ bản trên địa bàn Thành phố chỉ tồn tại một số điểm ứ đọng nước khi mưa do đường trũng.
Tuy nhiên, với các trận mưa có lượng lớn hơn 50mm – 100mm/2giờ thì dự kiến, hiện Hà Nội tồn tại 18 điểm úng ngập cố hữu, trong đó 13 điểm thuộc địa bàn giao Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội thực hiện quản lý, duy tu trong năm 2016 (ngã tư Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành – Bát Đàn Nhà Hoả, Cao Bá Quát, Đội Cấn, Ngã ba La Pho – Thuỵ Khuê, Minh Khai – chân cầu Vĩnh Tuy, đường Giải Phóng – đoạn trước cửa bến xe phía Nam, Nguyễn Chính, Thanh Đàm, Nguyễn Khuyến, Trường Chinh, Hoa Bằng, Phạm Văn Đồng); phát sinh 5 điểm trên địa bàn mới tiếp nhận sau quyết định 41 gồm 2 điểm trên địa bàn quận Hà Đông (ngã ba Phan Đình Giót – Quang Trung, đường Yên Nghĩa – bến xe Yên Nghĩa); quận Long Biên có 3 điểm gồm Ngọc Lâm, Hoàng Như Tiếp, Cổ Linh và một số điểm úng ngập nhỏ lẻ trong các ngõ, ngách, khu dân cư.
Theo ông Võ Tiến Hùng, trên thực tế, trong những năm vừa qua, có một số trận mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn (thời gian mưa tập trung không quá 40 phút), lượng mưa không đều trên địa bàn thành phố gây quá tải cục bộ cho hệ thống thoát nước khi mưa như Điện Biên Phủ – Nguyễn Tri Phương, 192 Quán Thánh, Thợ Nhuộm, Ngã tư Thái Hà – Chùa Bộc… ảnh hưởng đến giao thông đô thị.