ThienNhien.Net – “Từ nay tới năm 2030 tốc độ tăng sản lượng điện năng ở nước ta rất lớn, chủ yếu là tốc độ xây dựng và đưa vào vận hành các nhà máy nhiệt điện than, trung bình mỗi năm cần 7-8 tỷ USD, dần tiến tới 10 tỷ và trên 10 tỷ USD”, ông Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt Việt Nam cho biết.
Tại Đại hội đại biểu nhiệm kỳ VI của Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt Việt Nam diễn ra mới đây, ông Trương Duy Nghĩa cho biết, lịch sử phát triển điện năng của thế giới, nhiệt điện than luôn có vai trò chủ yếu. Theo IEA, năm 2014 nhiệt điện than chiếm 41% tổng sản lượng điện thế giới, gấp 2 lần nhiệt điện khí, 3 lần thủy điện, 4 lần điện hạt nhân, 10 lần điện tái tạo. Những nước có tỷ lệ nhiệt điện than cao là Trung Quốc (79%), Úc 68,6%, Ấn Độ 67,9%, Đức 45,1%, Indonesia 44,4%, Hàn Quốc 43,2%…
“Nói vậy để thấy nhiệt điện ở Việt Nam không có gì là ghê gớm, không phải là nhiều”, ông Trương Duy Nghĩa khẳng định, “theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, ở Việt Nam nhiệt điện than chiếm 55% tới năm 2025, 53,2% tới năm 2030. Nay điện hạt nhân chưa đưa vào, việc đẩy nhanh các nguồn năng lượng khác còn có nhiều khó khăn thì khả năng tỷ lệ nhiệt điện than tới 60% hoặc cao hơn là thực tế”.
Ông Nghĩa cũng cho biết, các nhà máy nhiệt điện đốt than tiêu thụ một khối lượng rất lớn than nên cũng sản sinh ra một khối lượng lớn chất thải độc hại, trong đó có chất thải rắn là tro xỉ và bụi,các khí độc hại SO2, NOx, nước thải của quá trình sản xuất công nghiệp.
Tuy sản sinh ra nhiều chất thải độc hại nhưng về bản chất, các nhiệt điện than không gây nguy hại cho môi trường do đã được đầu tư đầy đủ và nghiêm túc để xử lý. “Tuy nhiên, nếu các hệ thống xử lý chất thải bị trục trặc thì sẽ rất nguy hại cho môi trường. Vì vậy các nhiệt điện than cần được quan trắc đầy đủ và nối mạng về môi trường”, ông Nghĩa lưu ý.
Vị chuyên gia cũng đưa ra dự báo, từ nay tới năm 2030 tốc độ tăng sản lượng điện năng ở nước ta rất lớn, chủ yếu là tốc độ xây dựng và đưa vào vận hành các nhà máy nhiệt điện than, trung bình mỗi năm cần 7-8 tỷ USD, dần tiến tới 10 tỷ và trên 10 tỷ USD.
“Tuy nhiên, cho đến hiện nay và chắc rằng 10 năm tới nước ta vẫn là nước nhập khẩu nhà máy nhiệt điện”, ông Nghĩa nói và cho biết, việc xây dựng một ngành công nghiệp chế tạo nhà máy điện không phải là việc nhỏ, không dễ làm nhưng không phải là không làm được.
“Nếu không xây dựng được ngành công nghiệp này thì sau năm 2030 hay 2035, nhu cầu điện năng của nước ta sẽ đi vào giai đoạn bão hoà như ở các nước phát triển (tốc độ tăng trưởng điện hàng năm <1%), khi đó nhu cầu xây dựng nhà máy nhiệt điện sẽ không còn nữa, mãi mãi Việt Nam sẽ không có ngành công nghiệp chế tạo nhà máy nhiệt điện, một ngành công nghiệp có giá trị kinh tế lớn mang lại nhiều công ăn việc làm đặc biệt là khả năng độc lập tự chủ trong việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện.
Ông Nghĩa cũng nhấn mạnh việc với số lượng nhà máy nhiệt điện sẽ được xây dựng trong thời gian tới, nếu nước ta không nhanh chóng hoàn thành các tiêu chuẩn kỹ thuật về nhà máy nhiệt điện than thì không những sẽ là một khó khăn mà còn là một khiếm khuyết lớn cho việc quản lý đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện.