ThienNhien.Net – Những ngày qua, người dân ở huyện Chợ Mới đã phản ứng trước việc UBND tỉnh An Giang cấp phép cho một doanh nghiệp khai thác khoáng sản tại địa phương này, trong khi tình trạng sạt lở đang diễn ra rất nghiêm trọng. PV Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Lâm Quang Thi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Thi cho biết:
Tôi xin khẳng định đây là dự án nạo vét thông luồng, chứ không phải khai thác khoáng sản. Khu vực được cấp phép là 1 trong 10 đoạn sông cần nạo vét ở An Giang và đã có quy hoạch, chủ trương từ năm trước. Phía Cty Dương Khang cũng đã chuẩn bị đầu tư cả năm nay để làm dự án.
Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tỉnh đang siết chặt việc khai thác cát dẫn đến nguồn cát khan hiếm. Trong khi đó, tỉnh đang cấp bách triển khai dự án xây dựng khu dân cư cho 107 hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở ở Mỹ Hội Đông. Số cát này sẽ được dùng để san lấp mặt bằng xây dựng khu dân cư trên.
Ông nói đây là dự án nạo vét thông luồng, nhưng trong quyết định lại ghi rõ là cấp phép khai thác khoáng sản?
Cần giải thích như thế này: Sau khi nạo vét luồng, nếu còn cát mới tiến hành tận thu khoáng sản. Mục đích của việc khơi thông luồng lạch là để chỉnh trị dòng chảy giữa sông, không làm sạt lở hai bên bờ và giúp tàu bè đi lại thuận tiện. Quá trình thực hiện, nếu luồng đó có cát thì mới tận thu khoáng sản (đóng thuế). Có những luồng không có cát thì vẫn phải thông luồng. Ở An Giang hiện có 10 điểm cần nạo vét để thông luồng. Luồng này, qua khảo sát là có cát nên chúng tôi vừa thông luồng vừa tận thu khoáng sản, chứ đây không phải mỏ cát.
Cty Dương Khang thực hiện dự án theo hình thức xã hội hóa, họ lấy số cát này để san lấp xây dựng khu dân cư ở Mỹ Hội Đông. Sau đó, nếu cát còn thừa sẽ sử dụng cho các công trình trọng điểm của tỉnh.
Trong quá trình tính toán dự án, chúng tôi nhận thấy, nếu khu vực này chỉ có bùn, thì nhà nước phải bỏ tiền ra làm, nhưng ở đây, vừa có bùn vừa có cát, đặc biệt, lượng cát lớn hơn lượng bùn sẽ mang lại nguồn thu cho người thực hiện dự án. Nên, thay vì nhà nước bỏ tiền ra làm thì đơn vị thực hiện được thu một phần lượng khoáng sản, trong đó phần dôi ra sẽ tính thuế khoáng sản. Từ những yếu tố trên tỉnh mới cho Cty Dương Khang thực hiện dự án, chứ đây không phải dự án khai thác khoáng sản.
Nếu là nạo vét thông luồng, vậy tại sao những ngày qua, người dân ở Chợ Mới lại phản ứng trước việc cấp phép này?
Quá trình làm dự án, Cty Dương Khang đã có sơ suất vì đưa phương tiện ra sông dò thử xem là bùn hay cát. Họ chỉ dò thử thôi chứ chưa có cát liền để thực hiện. Tuy nhiên, việc làm này lại chưa thông báo đến người dân nên bà con không hiểu và đã phản ứng. Vừa qua, huyện đã thông báo, tuyên truyền và vận động người dân để hiểu rõ vụ việc, tuy nhiên bà con vẫn còn phản ứng. Sắp tới, tỉnh sẽ tiếp tục vận động vì công trình xây dựng dựng khu dân cư ở Mỹ Hội Đông đang rất cấp bách.
Trường hợp bà con tiếp tục không đồng tình, chúng tôi sẽ tìm nguồn cát khác, nhưng sẽ rất khó khăn, vì không thể cấp phép mới khai thác cát. Kể cả khi có dự án cũng phải đánh giá môi trường, cùng những bước có liên quan, mất rất nhiều thời gian.
Người dân cho rằng việc nạo vét dòng chảy là vô lý, vì ở con sông này, trước giờ hầu như không có tàu bè lớn nào qua lại?
Phải nói rõ rằng, việc thông luồng không phải chỉ để tàu bè đi lại mà còn chỉnh trị dòng chảy toàn tuyến, mà ở An Giang có 10 điểm cần nạo vét như vừa nói, chứ không riêng gì ở đây. Việc nạo vét có mục đích quan trọng để cân đối dòng chảy của các tuyến sông, giảm thiểu sạt lở.
Khu vực nạo vét đã được Sở GTVT tỉnh An Giang cắm phao rõ ràng, luồng nạo vét ở giữa sông, chứ không phải muốn làm đâu thì làm. Hiện An Giang còn nhiều điểm bồi lắng, nặng nhất là đoạn nhánh trái của sông Hậu chỗ Long Xuyên, phía bên cồn Mỹ Hòa Hưng và cồn Phó Ba Long Xuyên, gần như bị bối lắng bít luôn cửa sông, thậm chí mùa này có thể đi bộ qua được.
Việc bồi lắng sẽ làm phía bên kia gồm Bình Đức, dài xuống Tỉnh ủy, chợ Long Xuyên, nước sẽ đạp vô làm xói lở, tỉnh đã tốn hơn 1.000 tỉ đồng để làm kè cho các đoạn này…
Xin cám ơn ông!