Rạn san hô Great Barrier lớn nhất Australia đang “kêu cứu”

ThienNhien.Net – Giới khoa học báo động hiện tượng bị tẩy trắng đối với rạn san hô lớn nhất Australia – Great Barrier – đang diễn ra nhanh hơn dự báo và tình trạng sẽ ngày càng trầm trọng nếu không có các biện pháp kịp thời hạn chế tình trạng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Rạn san hô trải dài trên 2.600km dọc bờ biển phía Đông Bắc Australia được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới này đang phải đối mặt với thực trạng bị tẩy trắng ở mức cao kỷ lục trong năm ngoái do nhiệt độ nước biển ấm dần lên trong suốt tháng Ba và tháng Tư.

Các cuộc khảo sát sơ bộ cho thấy 22% các vỉa san hô ở vùng nước nông đã bị tổn thương trong năm 2016. Tính đến nay, con số này đã tăng lên tới 29%.

Cùng với việc rạn san hô Great Barrier bị tẩy trắng chưa từng có trong 2 năm liền, triển vọng phục hồi hệ sinh thái đặc biệt này ngày càng trở nên mờ mịt.

Cũng theo kết quả khảo sát, vùng chịu tác động nặng nề nhất là một khu vực nằm ở phía Bắc của thị trấn du lịch cảng Douglas khi có tới 70% vỉa san hô vùng nước nông bị chết.

Hai điểm du lịch nổi tiếng khác là Cairns và Townsville được dự báo cũng sẽ nằm trong số các vùng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất từ hiện tượng san hô bị tẩy trắng trong năm 2017, cho dù nhiều kỳ quan thiên nhiên miền Nam Australia đã thoát khỏi thực trạng tồi tệ này.

Hiện tượng bị tẩy trắng – xảy ra khi xuất hiện các điều kiện bất thường như nhiệt độ nước biển ấm hơn khiến các vỉa san hô phải đẩy tảo sống ra khỏi cơ thể mình, dẫn tới bị vôi hóa và chuyển sang màu trắng – cũng đang xuất hiện ngày một nhiều hơn đối với các thảm san hô ở những khu vực nước sâu hơn, vượt qua cả độ sâu mà các thợ lặn có thể tiếp cận để lấy mẫu khảo sát.

Tuy nhiên, tình trạng các rạn san hô bị chết hiện chưa thể được đánh giá một cách có hệ thống.

Ban quản lý rạn san hô Great Barrier (GBRMPA) quan ngại sâu sắc trước thực trạng nói trên, đồng thời cho biết tại thời điểm này, mặc dù các báo cáo đang trong quá trình được hoàn tất, nhưng nhiều khả năng tổng diện tích che phủ của các rạn san hô không chỉ giảm xuống trong năm ngoái mà sẽ còn giảm tiếp vào cuối năm nay.

Trong khi đó, giới khoa học cho rằng các rạn san hô chỉ có thể phục hồi được nếu nhiệt độ nước giảm, tảo biển có thể trở lại và sống cộng sinh trên đó.

Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải mất ít nhất một thập kỷ.

Rạn san hô Great Barrier. (Nguồn: Australian Geographic)

Tuần qua, GBRMPA đã chủ trì một hội nghị đặc biệt với sự tham dự của hơn 70 chuyên gia đại dương học hàng đầu thế giới để bàn thảo kế hoạch tìm phương thức tối ưu nhằm ứng phó với các mối đe dọa đang đặt ra với hệ sinh thái rạn san hô.

Tại đây, các nhà khoa học đã đề xuất một số biện pháp như phát triển các khu ươm trồng san hô, mở rộng hệ thống giám sát, xác định những khu vực ưu tiên phục hồi các vỉa san hô…

Tuy nhiên, trọng tâm của các cuộc thảo luận tập trung đặc biệt vào việc cần thiết phải giảm thiểu hiện tượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, để từ đó ngăn chặn tình trạng nước biển ấm dần lên, bởi đây là “kẻ thù chính” của san hô.

Các rạn san hô ngầm là một trong những hệ sinh thái biển quan trọng và hữu ích nhất của ngành du lịch và giúp duy trì nghề cá.

Rạn san hô Great Barrier là một địa điểm du lịch quan trọng đóng góp hơn 7 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế Australia và cũng là sinh kế của khoảng 70.000 dân địa phương.

Nguồn: