ThienNhien.Net – Ngày 29/5, Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (International Rivers – IR) đã công bố Báo cáo Đánh giá độc lập của các chuyên gia về Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và các tài liệu Dự án đập Pak Beng do nhà phát triển đập là Công ty Năng lượng Datang thực hiện.
IR đã ủy thác cho bốn chuyên gia có chuyên môn về nhiều lĩnh vực liên quan để thực hiện rà soát Báo cáo Đánh giá tác động môi trường của dự án thủy điện Pak Beng và các tài liệu đi kèm bao gồm Đánh giá tác động môi trường và xã hội xuyên biên giới; Đánh giá tác động tích lũy; Đánh giá tác động xã hội; Kế hoạch hành động tái định cư; và Báo cáo thiết kế đường di cư cho cá.
Kết quả rà soát cho thấy tài liệu dự án chỉ cung cấp một bức tranh vô cùng hạn hẹp về các tác động môi trường và xã hội tiềm tàng của dự án Pak Beng, đặc biệt sơ suất trong đánh giá tác động xuyên biên giới và tác động tích lũy của dự án.
Thiếu sót
Bản tóm tắt cho hay dữ liệu được trình bày trong các báo cáo như dữ liệu về thủy sản, thuỷ văn và trầm tích chủ yếu được trích dẫn từ các nghiên cứu năm 2011 và các năm trước đó, ít xem xét đến thông tin gần đây và những thay đổi của sông Mê Kông bao gồm cả việc xây dựng hai đập Xayaburi và Don Sahong. Nhìn chung, các báo cáo cho thấy sự thiếu hiểu biết về hệ sinh thái phức tạp của sông Mê Kông và các hoạt động phát triển hiện có trên dòng sông này. Việc không đầy đủ dữ liệu nền cũng đồng nghĩa rằng các biện pháp giảm thiểu được đề xuất nhằm hạn chế thiệt hại do mất đường di cư của cá và giải quyết các tác động xã hội của đập Pak Beng không phải là những giải pháp đáng tin cậy.
Các chuyên gia độc lập cũng chỉ ra những thiếu sót quan trọng của các nghiên cứu cụ thể là:
- Thông tin không đầy đủ do việc lấy mẫu hạn chế nên khó khăn trong việc xác định các nguồn cá đang đối mặt với rủi ro và đánh giá tác động dự kiến đối với cá. Các biện pháp được đề xuất để giảm thiểu tác động đối với luồng di cư cá không được kiểm chứng trong lưu vực sông Mê Kông và do đó không thể đánh giá hiệu quả.
- Hạn chế trong việc đánh giá và tài liệu hóa các tác động xã hội của đập Pak Beng đối với các cộng đồng buộc phải tái định cư và người dân ở thượng nguồn cũng như hạ nguồn dự án. Các kế hoạch giảm nhẹ tác động, bồi thường dựa trên các giả định chưa được chứng minh và phi thực tế, phụ thuộc nhiều vào các mô hình được sử dụng cho các dự án thủy điện quy mô lớn khác ở Lào mà phần lớn đều thất bại trong việc thực hiện các cam kết phục hồi sinh kế hoặc giảm thiểu thiệt hại môi trường.
- Đánh giá chưa đầy đủ các tác động của đập Pak Beng đến các cộng đồng ở Thái Lan do ảnh hưởng của biến động thủy văn đối với dòng sông và cản trở đường di cư của cá, trong đó có cả cá tra dầu trên sông Mê Kông. Tầm quan trọng của nghề cá và sinh kế dựa vào dòng sông Mê Kông ở Thái Lan cũng chưa được đánh giá đúng mức vì các dữ liệu đầu vào không đầy đủ và thiếu cập nhật.
- Không có sự tham gia thiết thực của cộng đồng trong quá triển khai Đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới; không tham vấn các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi dự án; không có các nghiên cứu về những tác động xuyên biên giới tiềm ẩn tới Campuchia và Việt Nam.
- Không xem xét đến các tác động tích lũy của dự án với các đập khác trên sông Mê Kông và trong lưu vực, bao gồm hai đập Xayaburi và Don Sahong.
Từ những đánh giá trên đây, báo cáo rà soát kết luận rằng các tài liệu dự án đập Pak Beng đã gửi tới Ủy ban Sông Mê Kông (MRC) theo Thủ tục thông báo, Tham vấn và Thỏa thuận trước (PNPCA) không thể đưa ra những đánh giá có ý nghĩa về các tác động môi trường và xã hội của dự án cũng như tính khả thi của các biện pháp đề xuất để giảm nhẹ tác động.
Khuyến nghị
Từ các thiếu sót được nêu ra, nhóm chuyên gia độc lập cho rằng các nhà phát triển dự án cần thực hiện một Báo cáo Đánh giá tác động môi trường mới, sử dụng các dữ liệu thu thập trong mười năm gần đây cũng như các nghiên cứu cập nhật về thủy sản, thủy văn và các tác động xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, cần triển khai một chương trình giám sát môi trường toàn diện và thực hiện các nghiên cứu ngay lập tức, trước khi đưa ra các quyết định liên quan đến đập Pak Beng. Điều quan trọng là các nghiên cứu nền phải được tiến hành trước quyết định xây dựng, trước khi khu vực bị tác động và môi trường bị thay đổi.
Các nhà khoa học khẳng định các nghiên cứu giám sát môi trường cần bao gồm: Thu thập dữ liệu về cá trong khu vực dự án trong tất cả các mùa và trong ít nhất 2 năm, sử dụng các kỹ thuật thu thập chủ động và thụ động. Đặc tính của các loài cá di cư và không di cư cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. Quá trình giám sát nên định lượng số lượng và sinh khối của cá không di cư; số lượng cũng như thời điểm cá sinh sản di cư lên thượng nguồn và trứng cá, cá con xuôi xuống hạ nguồn. Cùng với đó, hoạt động nghiên cứu tại phòng thí nghiệm và nghiên cứu thực địa cần được tiến hành để đánh giá hiệu quả của các đề xuất cầu thang ở thượng nguồn nhằm giảm nhẹ ảnh hưởng cũng như hậu quả của tuabin đối với cá khi di chuyển xuống hạ nguồn.
Các nghiên cứu toàn diện về các tác động xã hội tiềm tàng ở phía thượng lưu và hạ lưu khu vực dự kiến xây đập đập, định lượng số lượng thực tế các cộng đồng bị ảnh hưởng dựa trên dữ liệu cập nhật cũng cần phải được thực hiện. Các nghiên cứu phải thực hiện trên các dữ liệu nền chi tiết về các cộng đồng bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi đập Pak Beng dựa trên bối cảnh xã hội, kinh tế và văn hoá đặc thù.
Thêm vào đó, cần có các cơ chế giải quyết thỏa đáng tác động xã hội cần được thiết lập, bao gồm cơ chế cho các cộng đồng sẽ phải di dời và những người vốn sống dựa vào sông này bị gián đoạn sinh kế do đập. Một cơ chế giám sát độc lập là vô cùng cần thiết để đảm bảo rằng công ty xây dựng đập hoặc các cơ quan chức năng có trách nhiệm giải trình nếu các cam kết bồi thường và các phúc lợi tái định cư không được hiện thực hóa hoặc nếu các tác động của dự án tệ hơn so với dự kiến trong thỏa thuận và văn kiện dự án. Ngoài ra, một cơ chế đánh giá độc lập về phân bổ đất đai cho tái định cư được triển khai với sự tham gia của những người dân buộc phải tái định cư, cũng là yêu cầu cấp bách.
Cuối cùng, các chuyên gia khẳng định cần tham vấn một cách thực chất với các cộng đồng bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi đập Pak Beng, bao gồm cộng đồng ở các quốc gia láng giềng, phải được thực hiện theo các tiêu chuẩn quốc tế trước khi quyết định triển khai dự án.
Báo cáo rà soát kết luận các nghiên cứu dự án cập nhật phải được trình lên Uỷ ban Sông Mê Kông (MRC) để nhóm đánh giá kỹ thuật của MRC cùng với các quốc gia thành viên MRC xem xét theo thủ tục Tham vấn trước. Bên cạnh đó, việc đưa ra quyết định, quá trình chuẩn bị và ký các thỏa thuận dự án cho đập Pak Beng phải tạm dừng cho đến khi có đủ thông tin để đánh giá tác động của dự án một cách cẩn trọng trong bối cảnh hiện tại của lưu vực sông Mê Kông. Chỉ khi các nghiên cứu dự án được coi là phù hợp dựa trên các đánh giá độc lập thì quá trình tham vấn khu vực và ra quyết định về đập Pak Beng mới nên được phép triển khai.
Bích Ngọc