ThienNhien.Net – Thời gian qua, nạn phá rừng bùng phát trên diện rộng tại địa bàn tỉnh Bắc Giang, do người dân lấn chiếm đất để trồng rừng kinh tế. Việc phát hiện và xử lý hành vi phá rừng của các địa phương, các ngành chức năng còn chậm, thiếu tính răn đe khiến nạn phá rừng diễn biến ngày một phức tạp.
Bùng phát diện rộng
Mới đây nhất, hơn 1 ha rừng phòng hộ đầu nguồn tại lô 2 và lô 3 xã Vĩnh Khương, huyện Sơn Ðộng đã bị đối tượng Ðặng Hiến Vương, trú tại thôn Khe An, xã Vân Sơn chặt phá trái phép. Vương thậm chí còn thuê máy để ủi đường vào khu vực chặt phá. Khi được hỏi về hành động vi phạm pháp luật của mình, Vương bao biện cho rằng mình là người dân tộc thiểu số, không hiểu biết pháp luật cho nên chặt cây chỉ là để trồng rừng mới. Trước đó không lâu, cũng chính đối tượng này đã bị ngành chức năng xử phạt 1,2 triệu đồng về hành vi phá 0,7 ha rừng.
Cuối năm 2016, cán bộ Công ty lâm nghiệp Mai Sơn phát hiện một số người dân lén lút vào rừng phát nương rẫy, đốt rừng, chiếm đất trồng rừng kinh tế. Họ lợi dụng những lúc vắng người sẽ chặt gốc các bụi tre, nứa, chờ đêm tối châm lửa đốt. Do đất rừng người dân chăm sóc, bảo vệ nằm xen kẽ với đất rừng của Công ty lâm nghiệp Mai Sơn, cho nên các đám cháy đã lan rộng sang rừng trồng của công ty. Hàng chục vụ cháy xảy ra rải rác trong nhiều tháng và kéo dài đến đầu năm 2017 làm thiệt hại 23,7 ha rừng tự nhiên tại thôn Hồng, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam và cháy lan sang 28,7 ha rừng trồng do Ðội sản xuất Vĩnh Ninh thuộc Công ty lâm nghiệp Mai Sơn quản lý. Tổng thiệt hại các vụ cháy rừng lên đến hơn 50ha.
Hiện nay, Công an huyện Lục Nam đã khởi tố vụ án hủy hoại rừng và đang trong quá trình điều tra. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang, trong năm 2016, lực lượng kiểm lâm đã lập hồ sơ và xử lý 73 vụ chặt phá rừng. Tình trạng phá rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế xảy ra nhiều tại các huyện như Sơn Ðộng, Lục Nam, Yên Thế. Ðiều đáng nói là các vụ chặt phá, đốt rừng trái phép chủ yếu diễn ra ở những khu vực rừng được giao cho các hộ dân chăm sóc, bảo vệ.
“Nóng” việc tranh chấp, lấn chiếm đất rừng
Mới đây nhất là việc Công ty TNHH Ðức Thắng tự ý chặt phá 0,83 ha cây keo của gia đình anh Dư Văn Toàn, trú tại thôn Dõng, xã An Lạc, huyện Sơn Ðộng. Năm 2007, gia đình anh Toàn được Lâm trường Sơn Ðộng 1 ký hợp đồng trồng rừng kinh tế từ nguồn ngân sách nhà nước. Gia đình được khoán gây trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng sản xuất trên diện tích hơn 0,83 ha thuộc lô C, khoảnh 59, xã An Lạc. Hợp đồng ghi rõ, trong năm đầu, gia đình được hỗ trợ giống, vốn và kỹ thuật chăm sóc; diện tích rừng này thuộc sở hữu của chủ hộ, được hưởng toàn bộ sản phẩm từ rừng trồng cho đến hết chu kỳ khai thác. Tuy nhiên, tháng 12-2007, Công ty TNHH Ðức Thắng được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang quyết định cấp giấy phép khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng tại mỏ đá làng Dõng với diện tích hơn 4,2 ha, thời hạn sử dụng đến ngày 26-11-2019, trong đó 0,63 ha trùng với diện tích đất rừng của gia đình anh Dư Văn Toàn đang sử dụng.
Song việc giao đất cho Công ty TNHH Ðức Thắng đã không được thống nhất đến chủ rừng đang nhận giao khoán, dẫn đến năm 2014, sau khi thu hoạch rừng trồng đợt một, gia đình anh Toàn tiếp tục trồng rừng đợt hai. Hiện nay, anh Toàn đã có đơn gửi cơ quan chức năng tố cáo Công ty TNHH Ðức Thắng tự ý phá rừng, gây thiệt hại kinh tế cho gia đình anh tới các cơ quan chức năng. Trung tá Ðinh Quang Hiệp, Trưởng Công an huyện Sơn Ðộng cho biết, Công an huyện sau khi xác minh vụ việc đã yêu cầu hai bên tự thỏa thuận hòa giải, bồi thường việc chặt phá cây keo, đồng thời đề nghị các bên gửi đơn đến tòa án để giải quyết tranh chấp đất đai.
Không chỉ tranh chấp giữa cá nhân, tổ chức mà rừng của Bắc Giang hiện ngày càng “nóng” hơn với vụ tranh chấp đất rừng dai dẳng hơn một năm qua giữa người dân thôn Khe Táu, xã Yên Ðịnh, huyện Sơn Ðộng với thôn Vách, xã Phú Nhuận, huyện Lục Ngạn. Tháng 4-2016, gần 200 người dân thôn Khe Táu đã chặt phá hơn 63 ha rừng của ba hộ dân thuộc thôn Vách đã được Nhà nước giao quyền sử dụng. Người dân thôn Khe Táu cho rằng, phần đất rừng này là của thôn Khe Táu và đã được cha ông họ bảo vệ khai thác lâu đời. Vì thế, dù được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tuyên truyền giải thích, người dân thôn Khe Táu sau đó vẫn phóng lửa đốt rừng và trồng rừng mới trên phần đất lấn chiếm.
Công an huyện Lục Ngạn đã khởi tố vụ án hủy hoại rừng nhưng đến nay vẫn chưa xác định được đối tượng cụ thể. Trong khi đó, ba hộ dân có rừng thuộc thôn Vách và nhiều hộ dân thôn Khe Táu cùng mang đơn khiếu kiện đến các cấp chính quyền, cơ quan chức năng để “đòi rừng”. Tình hình an ninh trật tự tại khu vực hai thôn trở nên căng thẳng. UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo nhiều ban, ngành trong tỉnh và hệ thống chính trị cơ sở chung tay giải quyết, nhưng đến nay, tình hình an ninh trật tự tại đây vẫn tiềm ẩn nguy cơ xung đột khó lường.
Làm gì để ngăn chặn phá rừng?
Nguyên nhân của nạn phá rừng bùng phát tại Bắc Giang được xác định là do những năm gần đây, việc trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao khiến các hộ dân vì lợi nhuận sẵn sàng phá rừng tự nhiên để trồng rừng mới. Theo ông Hà Minh Quý, Chi Cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang, tình trạng người dân chặt phá rừng bùng phát ở nhiều địa bàn với cách thức tinh vi khiến các lực lượng chức năng và chính quyền cơ sở rất khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Khó khăn là bởi người dân lén lút chặt phá từ vài trăm mét vuông đến một, hai nghìn mét vuông để trồng rừng mới trên chính mảnh rừng của gia đình được Nhà nước giao khoanh nuôi bảo vệ.
Ông Quý cho rằng, nếu cuộc chiến chống lâm tặc khó mười phần thì việc chống người dân phá rừng đang khó gấp trăm phần. Khi lực lượng kiểm lâm tổ chức ngăn chặn, xử lý phá rừng cũng có nghĩa là đối đầu với người dân được nhận đất rừng. Thậm chí, nhiều hộ dân chấp nhận bị xử phạt hành chính để trồng rừng. Ông Quý khẳng định, việc người dân tự ý phá rừng được giao thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về người được giao trông coi bảo vệ rừng, sau đó là cấp chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm trên địa bàn.
Trước diễn biến của việc phá rừng tự nhiên ngày một lan rộng, từ năm 2014 đến nay, Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố hàng chục vụ án hủy hoại rừng. Ðã có nhiều người dân phá rừng phải chịu mức án phạt tù, nhiều cán bộ đảng viên cấp thôn, xã, thị trấn và cán bộ bảo vệ rừng đã phải chịu những hình thức kỷ luật. Ngoài ra, hàng trăm trường hợp người dân bị phạt hành chính vì phá rừng để trồng rừng kinh tế… Song tất cả những biện pháp mang tính răn đe ấy dường như vẫn chưa đủ “nặng”.
Ðể có thể giải quyết dứt điểm thực trạng này, tỉnh Bắc Giang đang cần một giải pháp tổng thể huy động nhiều nguồn lực và sức mạnh hệ thống chính trị không chỉ để ngăn chặn nạn phá rừng, mà còn cùng tìm hướng phát triển kinh tế rừng cho người dân, tạo thêm nguồn thu cho các hộ nhận giao khoán rừng. Khi rừng tự nhiên được bảo vệ và khai thác hiệu quả, trở thành một trong những nguồn sinh kế thì mới bảo đảm hài hòa lợi ích giữa cuộc sống của người dân và mục tiêu bảo vệ rừng đang được đặt ra cấp thiết.