ThienNhien.Net – Thời gian gần đây, người tiêu dùng Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ sức khỏe nên đã chú trọng đến thực phẩm an toàn, lối sống lành mạnh. Vì thế, theo các chuyên gia, khuynh hướng tiêu dùng của năm 2017 sẽ là “sản phẩm xanh”.
Mua bán online được ưa chuộng nhất
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, với dân số đông thứ ba ở khu vực Đông Nam Á, gần 70% dân số thuộc độ tuổi lao động (16-60 tuổi), Việt Nam là thị trường lớn của ngành hàng tiêu dùng và có sức hấp dẫn lớn đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng của người dân đang có sự thay đổi rõ rệt.
Tại diễn đàn “Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam 2017” tổ chức ngày 25/5, ông Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, với những tiện ích về cơ sở hạ tầng cũng như kết nối xã hội thuận tiện đã khiến cho hành vi tiêu dùng của người Việt thay đổi. Khi người dân có xu hướng mua hàng đa kênh sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển cho thị trường thương mại điện tử Việt Nam.
Nhu cầu tiêu dùng có sự thay đổi lớn từ người giàu cho đến người nghèo, nhất là khi bước vào kỷ nguyên số. Trước đây, khi muốn mua sắm, người dân phải đến chợ, hay cửa hàng, thì nay có thể ngồi nhà và mua hàng trên mạng. Điều này làm cho các tập đoàn phân phối lớn thế giới cũng có thể đứng trước khủng hoảng nếu vẫn tiếp tục bán hàng theo cách bày trên kệ, siêu thị, chứ không chỉ riêng doanh nghiệp nhỏ.
Nghiên cứu của Công ty Nghiên cứu thị trường toàn cầu Nielsen cũng cho thấy sự gia tăng liên tục trong việc chấp nhận di động và thâm nhập băng thông rộng, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, đã đưa châu Á-Thái Bình Dương luôn vượt mức trung bình toàn cầu để áp dụng tất cả các lựa chọn bán lẻ trực tuyến và cung cấp dịch vụ trực tuyến qua thiết bị di động.
Đặc biệt, đặt hàng online để giao hàng tận nhà là phương án bán lẻ linh hoạt được ưa chuộng nhất trong khu vực.
Tuy nhiên, theo bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, đại diện Nielsen Việt Nam khu vực phía Bắc, khi mua sắm online không phải người tiêu dùng nào cũng thấy an toàn.
“Ở Việt Nam chỉ khoảng 34% người tiêu dùng có sự tin tưởng nhất định khi mua sắm online, còn lại họ đều có lo lắng bị hack khi chuyển tiền qua mạng, cũng như chất lượng, giá cả và chi phí vận chuyển”, bà Hà nói.
Lo ngại thực phẩm bẩn, hướng đến tiêu dùng xanh
Bà Đặng Thúy Hà cũng cho biết, điều khách hàng quan tâm trong 3-4 năm gần đây là yếu tố sức khỏe như thực phẩm, lối sống lành mạnh giữa công việc và vui chơi giải trí, nhưng họ quan ngại nhất vẫn là an toàn thực phẩm.
“Đây vừa là thách thức cũng là cơ hội để doanh nghiệp hiểu được sự quan tâm khách hàng khi đưa ra sản phẩm. Trong năm 2017, khuynh hướng người tiêu dùng chọn lựa sản phẩm xanh vẫn sẽ là chủ đạo và thực tế cũng cho thấy những doanh nghiệp đi theo hướng sản xuất xanh sẽ thành công”, bà Hà đưa ra nhận định.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trần Hưng, Khoa Hệ thống thông tin và thương mại điện tử (Đại học Thương mại) cho rằng, người tiêu dùng Việt Nam đang có sự quan tâm và tiêu thụ mạnh mẽ những sản phẩm thân thiện với môi trường và có đòi hỏi cao hơn về chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Theo ông Hưng, đại bộ phận người dân Việt Nam đã bắt đầu quan tâm và có thái độ tích cực đối với vấn đề về bảo vệ môi trường. Sau một loạt sự cố về ô nhiễm môi trường biển 2016 và những vụ liên quan đến thực phẩm bẩn bị phanh phui khiến người tiêu dùng phải “rùng mình” như, thịt hôi thối được phù phép đưa ra thị trường bán, nội tạng thối hô biến thành những món ăn khoái khẩu của dân nhậu, dùng dầu nhớt tưới rau muống tại Sài Gòn hay mỡ bẩn, giấm gạo làm từ acid… khiến người tiêu dùng quan tâm hơn đến nguồn gốc các loại thực phẩm.
Ông Hưng cho biết, người Việt Nam đang có nhu cầu tăng đột biến về các sản phẩm là thực phẩm hữu cơ (organic food). Đây chính là minh chứng tốt nhất cho xu hướng tiêu dùng các sản phẩm sạch, giàu dưỡng chất tự nhiên, không hóa chất và thân thiện với môi trường trong thời gian sắp tới.