ThienNhien.Net – Luật Quy hoạch ra đời sẽ loại bỏ các quy hoạch không cần thiết đang tồn tại hiện nay, góp phần loại bỏ những nhóm lợi ích đang chi phối việc lập quy hoạch.
Quy hoạch số lượng khủng, hiệu quả hạn chế
Theo thống kê, hiện nay cả nước có 19.285 bản quy hoạch thuộc mọi lĩnh vực, trong đó đáng kể nhất là đất đai, sản phẩm và xây dựng. Những bất cập, yếu kém của hệ thống quy hoạch hiện nay đang tạo ra những đồ án quy hoạch “đầu Ngô mình Sở”, quy hoạch chồng quy hoạch, thậm chí, có không ít quy hoạch chống quy hoạch.
Không chỉ là chồng chéo, mâu thuẫn nhau, mà còn có tình trạng người lãnh đạo muốn quy hoạch cho tương lai rất… lãng mạn, mà không cần biết nguồn lực và năng lực thực tế là bao nhiêu; cũng như tình trạng cát cứ quyền lực của các bộ, ngành, địa phương đã tạo ra những quy hoạch làm “kìm hãm sự phát triển của đất nước”, thay vì đóng vai trò dẫn đường, dẫn dắt sự phát triển của nền kinh tế.
Đâu đâu cũng muốn cấp ngân sách nhiều, có nhiều dự án. Tất cả đều bắt đầu từ quy hoạch. Vậy là bộ nào, địa phương nào có quyền phê duyệt quy hoạch cũng sẽ kéo theo quyền quyết định rất nhiều chương trình, dự án đầu tư công. Đó là vấn nạn quyền gắn với tiền ngân sách thông qua quy hoạch.
Xoá cơ hội của nhóm lợi ích trong quy hoạch
Ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ KH&ĐT), cho biết, Luật Quy hoạch ra đời sẽ giúp giảm từ 19.285 quy hoạch cho giai đoạn 2011-2020 ở tất cả các cấp xuống chỉ còn 11.413 quy hoạch. Trong đó có 110 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch, bao gồm 1 quy hoạch tổng thể quốc gia, 1 quy hoạch không gian biển quốc gia, 1 quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 38 quy hoạch ngành cấp quốc gia, 6 quy hoạch vùng và 63 quy hoạch tỉnh; 11.305 quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn được lập theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, nông thôn.
Hơn nữa, số lượng quy hoạch sẽ giảm 97%, từ 4.362 quy hoạch được lập cho cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh xuống còn 110 quy hoạch.
Quy hoạch tổng thể quốc gia được lập theo phương pháp tích hợp, đa ngành. Điều này không chỉ khắc phục được xung đột lợi ích hiện hữu không chỉ giữa Nhà nước với xã hội, Chính phủ với doanh nghiệp, người dân… mà còn khắc phục xung đột giữa các bộ, ngành với nhau, giữa Trung ương và địa phương, giữa phát triển vùng và địa phương.
Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch khẳng định, khi làm quy hoạch tổng thể quốc gia theo hướng tích hợp, các quy hoạch ngành sẽ điều chỉnh lại theo tinh thần quy hoạch tổng thể. Một nguyên tắc quan trọng là, các quy hoạch vẫn được thừa kế và giữ lại những điều phù hợp với thực tế phát triển, những gì không phù hợp thì phải chỉnh sửa. Việc quy hoạch phải làm từ trên xuống. Quy hoạch bắt buộc phải gắn với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, Nghị quyết của Đảng…
Luật Quy hoạch cũng loại bỏ các quy hoạch không cần thiết đang tồn tại hiện nay. Thay vào đó, các sản phẩm, ngành nghề phải thực hiện quản lý bằng các điều kiện, tiêu chuẩn công khai, minh bạch, bảo đảm phù hợp với thông lệ, tập quán quốc tế.
Luật Quy hoạch ra đời sẽ giảm số lượng từ 3.372 quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu (thống kê cho giai đoạn 2011-2020) xuống chỉ còn 38 quy hoạch ngành ở cấp quốc gia.
Trong phạm vi điều chỉnh, luật chỉ nên thể hiện tính chất định hướng, lý luận, trên cơ sở đó, các luật chuyên ngành sẽ phải “theo đường ray” để làm. Đồng thời phải có lộ trình khi ban hành Luật Quy hoạch để tất cả các luật khác, các lĩnh vực, các ngành không bị phá vỡ và không bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, với việc quy định cụ định cụ thể về điều kiện được điều chỉnh quy hoạch, trình tự và thủ tục điều chỉnh quy hoạch, Luật sẽ khắc phục được thực trạng điều chỉnh tùy tiện hiện nay, xin-cho, đưa vào-đưa ra các dự án khỏi quy hoạch một cách tùy tiện, hạn chế được sự lãng phí các nguồn lực quốc gia. Dự thảo Luật cũng nâng cao trách trách nhiệm người đứng đầu và có quy định cả về chế tài với việc vi phạm, điều chỉnh tùy tiện.
Lập quy hoạch phải dựa trên lợi ích quốc gia, dân tộc
Việc chấn chỉnh lại công tác quy hoạch được lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như nhiều chuyên gia quan tâm. Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành KH&ĐT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu các nguyên tắc cốt lõi về vấn đề này. Đó là, việc lập quy hoạch phải xóa lợi ích nhóm, loại bỏ việc đan xen bất hợp lý các lợi ích cục bộ của bộ, ngành, các tập đoàn trực thuộc và những doanh nghiệp thân hữu.
Lập quy hoạch phải dựa trên lợi ích quốc gia, dân tộc; lợi ích ngắn hạn không được mâu thuẫn với lợi ích chiến lược dài hạn.
Thủ tướng cũng nhận định trước việc, Bộ KH&ĐT cũng như các cơ quan kế hoạch và đầu tư trong lập quy hoạch, kế hoạch chắc chắn có va chạm, vì vậy Bộ cần có dũng khí trong vấn đề này. Nếu tự tin điều đó là đúng thì phải quyết tâm bảo vệ cho được.
Nhận xét về dự án Luật Quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đây là luật khung, phải khắc phục được tình trạng chồng chéo, phân tán, lãng phí khi ngành ngành, tỉnh tỉnh quy hoạch mà không liên kết được với nhau, tránh tình trạng “địa phương nào cũng quy hoạch sân bay, cảng biển. Các ngành không mất chức năng quy hoạch, chỉ là không được trái quy hoạch tổng thể quốc gia, mà phải ngồi lại với nhau để khắc phục được quy hoạch hiện nay.
Có cùng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, làm tốt dự thảo Luật Quy hoạch sẽ hạn chế được lợi ích nhóm và góp phần loại bỏ những nhóm lợi ích đang chi phối việc lập quy hoạch hiện hành.
Nếu theo tinh thần của dự thảo Luật thì các thẩm quyền xây dựng, phê duyệt các quy hoạch kiểu như quy hoạch khai thác khoáng sản sẽ chấm dứt. Thay vào đó, việc khai thác khoáng sản sẽ phải thực hiện đấu thầu công khai. Cho nên, rất dễ hiểu, khi dự thảo Luật đưa ra lấy ý kiến công luận, sẽ có lãnh đạo bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo địa phương phản đối.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh khi bàn về dự thảo Luật Quy hoạch cũng đồng tình cần dứt khoát chấm dứt quy hoạch sản phẩm.
Theo ông Khánh, không khó để ẩn quy hoạch sản phẩm vào quy hoạch ngành cấp quốc gia. Ví dụ, người ta lấy lý do tạo động lực phát triển, phát huy lợi thế… để lập quy hoạch phát triển ngành sản xuất bia ở khu vực ĐBSCL, quy hoạch phát triển sản xuất đường ở Tây Nguyên, quy hoạch phát triển sản xuất chè ở Tây Bắc… Nói là quy hoạch ngành, nhưng thực ra là quy hoạch sản phẩm và đây chính là rào cản bất hợp lý cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh; là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực, xin-cho, sách nhiễu phát triển.
“Với tư cách là Thứ trưởng Bộ Công Thương trong thời gian vừa qua tôi đã loại bỏ ít nhất 3 quy hoạch sản phẩm do các đơn vị của Bộ xây dựng, trong đó có quy hoạch sản xuất bia, quy hoạch sản xuất vùng Đồng bằng sông Hồng”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chia sẻ.