ThienNhien.Net – Sau nhiều năm quy hoạch theo kiểu “xôi đỗ,” hiện tượng “lạm phát” thủy điện đã làm “nóng” nghị trường Quốc hội, Bộ Công Thương đã quyết định loại bỏ 684 dự án thủy điện ra khỏi quy hoạch. Trong đó có 463 dự án thủy điện nhỏ và 213 dự án không đưa vào diện xem xét quy hoạch.
Việc cắt giảm, loại bỏ hàng trăm dự án thủy điện trên cho thấy việc quy hoạch rất “có vấn đề,” nhất là trong bối cảnh quy hoạch đang có xu hướng chạy theo các dự án để hợp thức hóa, gây ra những hậu quả xấu, ảnh hưởng nặng nề đến môi trường, nguồn nước và sinh kế của người dân.
Quy hoạch theo “cảm hứng” lỗi do ai?
Theo tìm hiểu của phóng viên VietnamPlus, năm 2005, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) ký quyết định phê duyệt quy hoạch thủy điện nhỏ trên toàn quốc. Thời điểm ấy, cả nước chỉ có 239 dự án thủy điện nhỏ được đưa vào kế hoạch phát triển. Nhưng đến nay, tổng số thủy điện trong kế hoạch phát triển đã lên đến hàng ngàn.
Vấn đề đáng quan tâm là hầu hết những dự án mới nằm ngoài quy hoạch 2005 đều được Bộ Công Thương thỏa thuận cho các địa phương đưa vào kế hoạch triển khai thực hiện. Trong khi, chính các địa phương như Cao Bằng, Hà Giang lại xem thủy điện là cơ hội để phát triển kinh tế. Thậm chí, phát triển thủy điện còn được đưa vào nghị quyết của Hội đồng Nhân dân và chiến lược phát triển của địa phương.
Theo nhận định của giới chuyên gia, việc xây dựng thủy điện phát triển thành phong trào, trước hết là do lỗi của các địa phương. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý ngành ở Trung ương cũng góp phần không ít, khi dễ dàng chấp nhận đề xuất của địa phương cho bổ sung hàng loạt dự án vào kế hoạch phát triển.
Ngoài ra, chính sách của Nhà nước cũng ít nhiều tạo nên tình trạng phát triển theo phong trào khi đưa ra những chính sách khuyến khích về tài chính, đã tạo cơ hội cho không ít doanh nghiệp nhảy vào chủ đầu tư theo “cảm hứng” bất chập những hệ lụy về rừng và gánh nặng “đè lên vai” người dân nghèo.
Minh chứng rõ thấy nhất là diện tích rừng ngày càng thu hẹp, hệ sinh thái sông ngòi gần như biến mất dù là mùa khô hay mùa lũ, thậm chí tính mạng, tài sản của người dân hiện nay cũng đang bị đe dọa bởi thủy điện là thực trạng tại các lưu vực sông tại miền Bắc. Thế nhưng những đánh giá tác động trước khi đưa vào vận hành một nhà máy thủy điện còn bỏ sót quá nhiều, gây hệ lụy nặng nề.
Thẳng thắn chia sẻ về “lỗ hổng” trong quy hoạch phát triển thủy điện, ông Hoàng Xuân Ánh – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng cho hay: “Cách đây hai nhiệm kỳ, Cao Bằng có chương trình phát triển trọng tâm vào lĩnh vực thủy điện. Do vậy, thời điểm năm 2004 – 2005, dựa trên cơ sở những quy hoạch từ năm 1980, tỉnh đã cấp phép khá nhiều dự án, chỗ nào quy hoạch là có nhà đầu tư đến đăng ký.”
Ông Ánh cũng thừa nhận, trước đây tỉnh muốn thu hút đầu tư nên doanh nghiệp nào xin cũng đều được hết; tỉnh cũng không biết năng lực tài chính các chủ đầu tư như thế nào, chuyên ngành lĩnh vực ra sao. Tuy nhiên, từ năm 2005 đến 2010, số dự án hoàn thiện rất ít, chỉ khoảng 3-4 dự án ở Bản Hoàng, Thoong Cót, Bản Rạ. Đa phần những nhà đầu tư còn lại không xây dựng được vì thiếu vốn hoặc là có tranh chấp mực nước dâng do lỗi quy hoạch.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang thừa nhận, từ nhiều năm trước, tỉnh này đã xác định phát triển thủy điện là tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Mặc dù, tỉnh đã loại 27 dự án ra khỏi quy hoạch, nhưng đến nay vẫn còn 46 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy gần 800 MW.
Cũng theo ông Sơn, mặc dù các dự án thủy điện đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các nhà đầu tư, thu hút lao động tại chỗ của địa phương, mang lại lợi ích kinh tế-xã hội, song việc đầu tư phát triển thủy điện cũng xuất hiện nhiều vấn đề tiêu cực như chiếm dụng một phần đất đai, tái định cư, an sinh xã hội và ảnh hưởng tới môi trường…
Cho đến nay, tỉnh Hà Giang đã loại bỏ 27 dự án ra khỏi quy hoạch, một số thủy điện chậm tiến độ so giấy chứng nhận đầu tư, có thủy điện thực hiện việc đóng xả nước không đúng quy trình. Chủ đầu tư xây cao trình đập cao hơn thiết kế, có thủy điện đã phát điện 3 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có giấy phép khai thác sử dụng nước mặt.
Kiên quyết loạt bỏ dự án vi phạm
Dù đã loại bỏ hàng loạt dự án thủy điện gây hại, yếu kém, song hậu quả của một thời gian dài làm thủy điện vẫn chưa thể giải quyết. Vậy, các địa phương cần phải có giải pháp như thế nào để có thể “gỡ” được hậu quả từ việc đầu tư thủy điện tràn lan, tàn phá môi trường, đời sống người dân hiện nay?
Trả lời cho câu hỏi trên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho hay, trong việc phát triển thủy điện, tỉnh luôn khuyến khích và tạo điều kiện tốt cho các nhà đầu tư đến đầu tư. Tuy nhiên, tỉnh này sẽ không cấp phép đầu tư đối với các dự án đầu tư có ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội và cảnh quan môi trường.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh khẳng định, sau một thời gian quy hoạc thủy điện ồ ạt, tỉnh này cũng đã rà soát lại và kiên quyết thu hồi những dự án thủy điện các nhà đầu tư chưa thực hiện đúng cam kết. Còn những thủy điện đã xây dựng nhưng chưa hoàn thành, như thủy điện Hoa Thám thì vẫn phải cho xây tiếp.
“Quan điểm của tỉnh là sẽ không đánh đổi môi trường cho sự phát triển của tỉnh, cố gắng hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tới môi trường và phương hướng phát triển trong giai đoạn mới là tập chung tìm các nhà đầu tư giải quyết được những tồn tại trước mắt của các nhà đầu tư cũ,” ông Ánh nhấn mạnh.
Trao đổi với báo chí, từ góc độ chuyên gia, ông Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu nhấn mạnh, Quốc hội và các Bộ, ngành đã có nhiều đánh giá và dừng hàng trăm thủy điện nhỏ. Lý do là khi làm thủy điện, người ta không chú ý đến môi trường, phá rừng đầu nguồn, khai thác gỗ gây hại cho môi trường rất lớn.
Ông Tứ cũng khẳng định, trong quá trình đi thực tế, các địa phương không những không dừng mà vẫn đang tìm kiếm, kêu gọi và doanh nghiệp tranh nhau đầu tư thủy điện bởi lợi nhuận từ đầu tư thủy điện không ít. Việc các tỉnh liên tục bổ sung các dự án thủy điện nhỏ vào quy hoạch là không nên, bởi vì mỗi lần bổ sung đều phải đánh giá lại tác động môi trường và tính toán rất nhiều vấn đề.
“Vì thế, thủy điện nhỏ này phải thân thiện với môi trường thì mới nên làm, còn cứ làm kiểu thủy điện như hiện nay thì có rất nhiều hệ lụy đến môi trường và dân cư. Thủy điện đang làm cho vấn đề môi trường ngày càng trở nên căng thẳng hơn,” ông Tứ nói.
Vị chuyên gia này cũng lưu ý rằng: “Ở rất nhiều thủy điện nhỏ, chúng tôi thấy họ bỏ qua rất nhiều hạng mục, máy móc cũ kĩ, xây dựng bừa bãi. Nên tránh việc lấy thiên nhiên sinh lời cho bản thân một số người”. Theo đó, ông Tứ đề nghị các tỉnh phải nghĩ đến lợi ích chung của môi trường, nghĩ đến rừng đầu nguồn, đến khô hạn, lũ lụt và các hệ lụy khác, trước khi nghĩ đến việc làm ra tiền.
“Các nhà đầu tư được hưởng lợi thủy điện, chứ không phải là người dân, không phải ngành điện cũng không phải môi trường. Vì thế cần đánh giá xem hiện nay việc phát triển của chúng ta cần bao nhiêu điện, có thiếu điện hay không mà phải làm những thủy điện quá nhỏ như thế,” ông Tứ nhấn mạnh.
Có chung quan điểm này, ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng cho rằng, thủy điện đi đến đâu đều phá rừng. Vấn đề là đã phá rừng rồi thì phải tìm cách trồng lại rừng. Nhưng hầu hết các dự án thủy điện mới đầu tư những năm gần đây do tư nhân làm đều không có tiền. Có dự án thì chây ỳ không chịu làm, làm cho môi trường, đời sống người dân sau dự án thủy điện càng khó khăn.
“Vì thế, chúng ta phải có giải pháp mạnh như đình chỉ, thậm chí đưa ra tòa án thì mới có thể buộc nhiều nhà máy thủy điện tàn phá môi trường thực hiện đúng nghĩa vụ cam kết của họ khi đầu tư xây dựng thủy điện,” ông Ngãi khuyến cáo.
Phát biểu tại Hội nghị “Quản lý, vận hành an toàn, hiệu quả công trình thủy điện” diễn ra mới đây tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, sẽ chủ động cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập nhóm công tác liên Bộ làm việc cụ thể với một địa phương có hồ thủy điện lớn, số lượng hồ thủy điện nhiều để thống nhất các giải pháp cụ thể.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ làm rõ vai trò các cơ quan quản lý đồng thời theo dõi, xây dựng kế hoạch theo dõi, kiểm tra công tác chấp hành pháp luật liên quan đến hồ, đập thủy điện; chủ động điều chỉnh một số cơ chế chính sách cụ thể để đảm bảo hiệu quả của các hồ thủy điện tham gia phòng chống lụt bão, cũng như đảm bảo hiệu quả hoạt động của thủy điện./.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, hiện cả nước có 330 công trình thủy điện được đưa vào khai thác, sử dụng với tổng công suất lắp đặt 17.615MW; trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc và miền Trung – Tây Nguyên. Tổng sản lượng điện phát của các công trình thủy điện năm 2016 là 63.730 triệu kWh so với năm 2012 (48421 triệu kWh), phát tăng thêm 15.309 triệu kWh.
Bên cạnh đó, Việt Nam có khoảng 193 dự án (tương đương 5.662MW) đang thi công xây dựng; 245 dự án (3.006MW) đang nghiên cứu đầu tư.