ThienNhien.Net – Từng ngồi tù vì phá rừng và chống người thi hành công vụ, Cao Xuân Lành – chàng trai Rục ở bản Ón, xã Thượng Hóa, huyện Mình Hóa (Quảng Bình) nay lại là người bảo vệ rừng.
“Lâm tặc” một thời
Mới bước ra từ hang đá, cũng như những người đồng bào Rục khác ở bản, cuộc sống của Cao Xuân Lành – 1 người Rục ở bản Ón, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình chủ yếu dựa vào việc săn bắt, hái lượm, khai thác sản vật từ rừng. Là thanh niên khỏe mạnh, siêng năng nhưng do thiếu hiểu biết về pháp luật, Cao Xuân Lành coi việc vào rừng khai thác gỗ là một công việc hàng ngày để mưu sinh. Với Lành, đó không phải là việc làm vi phạm pháp luật.
“Sau khi được đặc xá trở về địa phương, Cao Xuân Lành đã bỏ hẳn việc khai thác gỗ rừng trái phép và chăm chỉ lao động lắm. Nay Lành trở thành một trong những người mê trồng rừng số 1 ở bản Ón rồi. Không những thế Lành còn biết giúp đỡ, vận động thanh niên trong bản cùng trồng rừng để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đấu tranh với những đối tượng phá rừng trái phép” .
Ông Trần Xuân Tư – Trưởng bản Ón |
Nhiều năm khai thác gỗ trái phép, Cao Xuân Lành đã trở thành một “lâm tặc” cộm cán ở bản Ón. Không dừng lại ở việc phá rừng, đã nhiều lần Lành đã có những hành vi chống đối lại lực lượng kiểm lâm. Đỉnh điểm là ngày 27.7.2011, tổ công tác của Trạm kiểm lâm Thượng Hóa (Hạt Kiểm lâm Minh Hóa) gồm 3 người đi tuần tra tại khu vực rừng ở bản Ón đã phát hiện trong lán của Lành có nhiều gỗ không có giấy tờ hợp lệ nên đã lập biên bản và tiến hành tiêu hủy tại chỗ. Ngay sau đó, tổ công tác đã bị Cao Xuân Lành cùng các đối tượng khác dùng hung khí khống chế rồi bắt giữ và đòi tiền chuộc với giá 25 triệu đồng.
Nhờ sự vận động của chính quyền, người uy tín trong bản, Lành và nhóm của anh mới thả 3 cán bộ kiểm lâm đồng thời ra đầu thú để được hưởng lượng khoan hồng. Việc làm manh động đã khiến Cao Xuân Lành phải trả giá bằng án phạt tù hơn 1 năm.
Hoàn lương trả nợ rừng
Nhận thức được việc làm sai trái của mình nên vào trại Cao Xuân Lành đã ăn năn hối cải, cải tạo tốt. Chưa đầy 1 năm Lành đã được đặc xá. Trở về địa phương, Lành tiếp tục được chính quyền địa phương, bà con dân bản quan tâm, động viên giúp đỡ nên đã bỏ hẳn “nghề” lâm tặc và quyết tâm chuộc lỗi với rừng. Lành mạnh dạn nhận gần 10ha đất trống, đồi trọc cách nhà chừng 2km để trồng rừng. Lúc mới ra tù, tài sản còn lại của gia đình là con trâu đã được Lành đem bán để phát cây, mua giống trồng rừng. Hàng ngày, vợ chồng Lành băng đèo vượt suối vào rừng để dọn thực bì, làm hàng rào và trồng những mầm cây đầu tiên. Cả năm quần quật với việc trồng rừng, gần 5 ha cây rừng đã được vợ chồng Lành phủ kín. Trồng xong rừng cũng là lúc cuộc sống gia đình anh lâm vào cảnh thiếu ăn, thiếu mặc. Trồng rừng là để lâu dài, không phải ngày một ngày hai thu hái được. Nhưng dù khó khăn, Lành vẫn quyết không quay lại con đường làm lâm tặc.
Để nuôi vợ và 4 đứa con đang trong độ tuổi ăn học, anh tiếp tục vào rừng nhưng không phải để khai thác gỗ mà chỉ lấy những sản vật nhỏ từ rừng như lá nón, mây, măng, cỏ máu, mật ong rừng… về bán kiếm tiền đong gạo. Ở nhà, vợ Lành cũng phải tần tảo nuôi thêm vài con gà. Bán gà xong, vợ anh lại dành dụm mua lợn rồi tiếp tục bán lợn mua trâu bò. Ngoài ra, anh còn đầu tư trồng lúa rẫy, sắn, ngô để đáp ứng nguồn lương thực hàng ngày.
Sau những ngày tháng vất vả, bây giờ Cao Xuân Lành đã được đánh giá là người “mê trồng rừng số 1” ở bản Ón. Toàn bộ 10ha đất rừng mà vợ chồng anh nhận được nay đã được phủ xanh bởi những cánh rừng keo xanh tốt.
Năm vừa qua, Lành khoe với chúng tôi đã bán được lứa keo đầu tiên thu về gần 200 triệu đồng. Nhờ nguồn thu từ trồng rừng, cuộc sống của gia đình Cao Xuân Lành đã dần ổn định, không còn thiếu đói lúc giáp hạt. Cao Xuân Lành cũng dựng được một căn nhà gỗ khá khang trang và nhiều vật dụng sinh hoạt đắt tiền khác.
“Trước đây, để có cái ăn, miềng phải vô rừng chặt gỗ, rồi phạm phải một sai lầm lớn là bắt cóc cán bộ kiểm lâm. Chừ nhờ các cán bộ xã, bộ đội biên phòng giúp đỡ cấp đất và bày cách trồng cái rừng để sống. Trồng được cái rừng, miềng sẽ có nhiều tiền hơn, cuộc sống sẻ ấm no hơn. Chừ miềng không đi chặt gỗ phá rừng nữa mô” – Lành chia sẻ.
Nhận xét về Cao Xuân Lành, ông Trần Xuân Tư – Trưởng bản Ón cho biết: “Sau khi được đặc xá trở về địa phương, Cao Xuân Lành đã bỏ hẳn việc khai thác gỗ rừng trái phép và chăm chỉ lao động lắm. Nay cậu ấy trở thành một trong những người mê trồng rừng số một ở bản Ón rồi. Không những thế Lành còn biết giúp đỡ, vận động thanh niên trong bản cùng trồng rừng để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đấu tranh với những đối tượng phá rừng trái phép”.