ThienNhien.Net – Nhiều đơn vị được tỉnh Quảng Ngãi cấp phép khai thác các mỏ cát béo bở trên sông Trà Khúc đoạn qua TP.Quảng Ngãi để phục vụ cho các dự án. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh này thừa nhận có việc một số đơn vị bán cát ra ngoài hưởng lợi.
Ở khu vực miền Trung, sông Trà Khúc được giới khai thác khoáng sản đánh giá là dòng sông có trữ lượng cát lớn và tốt nhất. Không những vậy, cát ở dòng sông này không bị nhiễm mặn, có đủ 4 loại cát phục vụ xây dựng. Theo thời gian, ở thượng nguồn dòng sông, chính quyền cho cấp phép nhiều dự án thủy điện, quản lý rừng nhiều khi không chặt nên không biết cát có trôi về nhiều hay không nữa.
Mà thực tế từ lâu, con sông Trà đã ‘chết’ vì không có nước về, đá và cát nổi trên mặt sông là vậy. Cả dòng sông bây giờ như một đại công trường với hàng trăm lượt xe lên xuống múc cát đi. Việc khai thác cát này được tiến hành nhiều năm nay. Dòng sông chỗ rộng nhất cũng gần một cây số, nhìn đục ngàu. Ở giữa sông, có vài cồn nổi trồng chuối, trồng rau xanh tốt cũng đang bị phạm vào. Con cá bống sông Trà ngon có tiếng giờ đi tìm cũng đỏ mắt.
Theo số liệu mà Sở TN-MT Quảng Ngãi cung cấp, hiện trên sông Trà riêng đoạn chảy qua TP.Quảng Ngãi có 6 mỏ cát được cấp phép với công suất khoảng 757.320m3. Các công ty được cấp phép gồm Công ty TNHH VISIP Quảng Ngãi (phục vụ cho dự án Khu công nghiệp VISIP), Công ty TNHH Xây lắp Minh Thành, Công ty TNHH Xây dựng Phú Gia Thịnh, Công ty Cổ phần Đầu tư 706 (phục vụ cho dự án khu công viên Nghĩa trang-Sơn viên Lạc cảnh), Công ty Thành An 119 (phục vụ cho dự án khu đô thị mới nam Lê Lợi). Mỗi công ty này được cấp phép khai thác trong thời gian 1 đến 2 năm.
Qua mắt thường có thể nhận diện nhiều bãi cát nổi trên sông Trà khô cạn như bãi ở phía thượng nguồn cầu đường sắt Trường Xuân; bãi mênh mông phía hạ lưu cầu Trường Xuân, gần dự án cầu Thạch Bích đang xây dựng; bãi ở gần cầu Trà Khúc 1; nhiều bãi ở phía hạ lưu cầu Trà Khúc 2…Tất cả những bãi này đã và đang được cấp phép cho múc cát đưa đi bán hoặc phục vụ xây dựng.
Khai thác rầm rộ
Đứng trên cầu đường sắt Trường Xuân nhìn về hai phía thượng lưu và hạ lưu mới thấy được việc khai thác cát trên sông Trà nhộn nhịp thế nào. Ngay cả dưới chân cầu, nhiều người dân dùng xe tải ra xúc cát đổ vào một bãi tập kết ngay ở chỗ giao đường Trần Quốc Toản và Hai Bà Trưng.
Ở dưới dòng sông, hàng trăm thuyền máy của người dân chạy qua lại tấp nập. Họ lên bãi cát phía tây cầu đường sắt múc rồi chạy về đổ ở bãi làng phía đông cầu tầm 200m. Tại đây, các xe tải vào ‘ăn’ cát rồi đi bán cho các nơi.
Một công nhân đường sắt ngày ngày làm việc trên tuyến cầu Trường Xuân kể, ngày trước các bãi bồi còn nguyên, dân sống bằng nghề trồng giá, rau củ. Từ sau khi việc khai thác cát được chính quyền cho phép rầm rộ, không còn chỗ trồng nên dân cũng chuyển qua nghề khai thác cát luôn.
“Họ sống nhờ nghề sông nước, trồng rau trồng giá; giờ cá không có, đất trồng cũng không thì phải kiếm cái ăn thôi. Chính quyền có xử lý họ nhưng có cho họ được việc làm không nữa”, người công nhân nói.
Ở bờ phía bắc của cầu Trường Xuân, người ta đã thấy đất bị sạt lở. Mà xuôi về phía cầu Trà Khúc thì ôi thôi một đại công trường được sử dụng tất cả các loại máy móc chuyên dụng như máy múc, xe tải hạng nặng…
Chiều 24.5, qua quan sát của chúng tôi, nhiều xe tải xuống lấy cát tại bãi cát gần cầu Trà Khúc 1 lên theo đường Phạm Quang Ánh và lưu thông qua phố chở đến các dự án. Đáng nói, nhiều xe được chất đầy cát và có ngọn nhưng vẫn lưu thông bình thường trên đường phố mà không bị xử lý như xe 76C-001.91, xe 3 trục BKS: 76C-005.05 gắn logo của công ty Cổ phần Đầu tư 706…
Có chuyện bán trộm cát ra ngoài
Theo thông tin mà sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi cung cấp thì ngoài 6 điểm mỏ với công suất khoảng 757.320m3 đã cấp phép cho các công ty kể trên thì tỉnh Quảng Ngãi còn ra 2 quyết định cho phép 2 đơn vị đang thi công cầu Thạch Bích được phép tận thu cát để phục vụ công trình này.
Cụ thể, Công ty TNHH Xây dựng Đồng Khánh được phép đăng ký tận thu trên diện tích 1,233ha nằm trong phạm vi giới hạn cầu Thạch Bích với khối lượng khai thác 25.208m3. Công ty TNHH Thương mại Hương Lúa được cho phép đăng ký tận thu trong phạm vi giới hạn cầu Thạch Bích là 1 ha với khối lượng đăng ký khai thác trong năm 2017 là 4.000m3.
Tỉnh Quảng Ngãi ràng buộc trong quyết định đối với việc tận thu cát của các công ty này là cấm cung cấp cho các công trình, dự án khác. Việc khai thác cát không vượt cao trình độ sâu -0,6m theo hệ tọa độ quốc gia và không làm ảnh hưởng đến sạt lở bờ sông và các công trình lân cận trong khu vực.
Nguồn cát khủng trên sông Trà hẳn nhiên là nơi thu mua lý tưởng cho các dự án khác ngoài giấy phép được cấp. Ông N.T, một chủ cung cấp các loại cát trên địa bàn TP.Quảng Ngãi cho biết: “Số lượng phương tiện đến đây để mua và chở đi nơi khác lúc cao điểm tính bằng con số vài trăm lượt xe/ngày. Tùy theo loại cát dùng để đổ nền, xây, tô…mà số tiền người dân phải trả khác nhau, với mức dao động từ 300-500.000 đồng/xe”.
Thừa nhận với phóng viên tại buổi làm việc vào trưa ngày 24.5, ông Đỗ Minh Hải, Giám đốc sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi nói: “Trong thời gian cấp phép cho mấy đơn vị này chắc chắn có việc lấy cát bán ra ngoài không như mục đích phục vụ dự án”.
Ông Hải cũng thừa nhận Sở này có trách nhiệm trong việc quản lý giám sát việc các doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát có làm đúng như giấy phép tỉnh cấp hay không. “Sở quản lý không nổi, phòng có trách nhiệm thì chỉ có 3 người nên cũng khó. Nhiều hôm trưởng phòng cũng phải đi. Thực ra trong chức năng giám sát của Sở là khó và không xuể”, ông Hải thừa nhận và cho rằng cần có sự phối hợp từ nhiều ngành để ngăn chặn tình trạng trên.