Giải quyết thỏa đáng bài toán kinh tế và môi trường

ThienNhien.Net – Tỉnh Thái Bình đang triển khai dự án nâng bãi ổn định đê biển số 8 ở huyện Thái Thụy gắn với mở rộng mặt bằng phát triển Khu công nghiệp-đô thị-thương mại dịch vụ Xuân Hải. Dự án này đặt ra đòi hỏi phải hạn chế những ảnh hưởng tới môi trường, sinh thái, giải quyết tốt bài toán kinh tế-xã hội và môi trường.

Dáng vóc khu đô thị-công nghiệp-dịch vụ ven biển

Làm việc với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, lãnh đạo Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết, Dự án “Nâng bãi ổn định đê biển số 8 phát triển công nghiệp từ K26+700 đến K31+700 huyện Thái Thụy” sẽ tạo mặt bằng phát triển công nghiệp và dịch vụ, hướng tới xây dựng Khu công nghiệp-đô thị-thương mại dịch vụ Xuân Hải.

“Dự án sẽ đắp đê mới cách đê cũ khoảng 800m về phía biển; san lấp toàn bộ diện tích xen kẹt từ đê cũ đến đê mới để bảo đảm ổn định cho đê mới đắp; kết hợp tạo mặt bằng để phát triển công nghiệp-dịch vụ, thu hút nhà thầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển khu kinh tế ven biển…”-ông Đặng Văn Thái, Giám đốc Ban Quản lý dự án cho biết.

Bản đồ trồng rừng của huyện Thái Thụy.

Sau khi san lấp hình thành khu đất có diện tích 320ha, một phần sẽ dùng để phục vụ công nghiệp may gia công để giải quyết việc làm cho người lao động thị trấn Diêm Điền, xã Thụy Hải, xã Thụy Xuân là các địa phương có đông người đến độ tuổi lao động nhưng có rất ít ruộng để sản xuất nông nghiệp (hiện đã xây dựng công ty may với 1.000 công nhân). Một phần khác để xây dựng công viên vui chơi giải trí nhằm góp phần đưa thị trấn Diêm Điền lên thị xã vào năm 2020. Phần diện tích còn lại sẽ đưa các doanh nghiệp chế biến thủy sản nhỏ lẻ hiện nay ở lẫn trong các khu dân cư ở thị trấn Diêm Điền và xã Thụy Hải.

Tại quyết định số 3677/QĐ-UBND ngày 14-12-2016 của UBND tỉnh Thái Bình, dự kiến quy hoạch Khu công nghiệp-đô thị-thương mại dịch vụ Xuân Hải là khu đa chức năng bao gồm: Khu đô thị mới, khu thương mại và dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, khu công nghiệp tổng hợp đa ngành nghề chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo có tính chất công nghiệp, công nghệ kỹ thuật cao, công nghiệp ít gây ô nhiễm…

Triển khai theo đúng quy hoạch của Chính phủ

Cơ sở pháp lý của dự án bắt nguồn từ việc tuyến đê biển số 8 mới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào quy hoạch tuyến đê biển tại Văn bản số 1797/TTg-KTN ngày 06-11-2013. Tỉnh Thái Bình cũng nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế ven biển Việt Nam đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 741/VPCP-KTTH ngày 9-2-2011.

Rừng ngập mặn ở Thái Thụy.

 

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tuyến đê biển số 8. (Ảnh: Văn Thái)

Trên cơ sở quy hoạch đó, ngày 8-7-2014, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 1573/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án phát triển kinh tế biển và khu vực ven biển Thái Bình đến năm 2020, với phương hướng cụ thể là xây dựng Khu kinh tế ven biển, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp ra phía biển để đẩy mạnh phát triển công nghiệp với tốc độ cao và bền vững. Do đó, nhiều dự án được đầu tư ở vùng ven biển như khu công nghiệp Tiền Hải, khu công nghiệp Trà Lý, Cửa Lân, Thụy Tân… đang cho kết quả tốt.

“Dự án nâng cấp tuyến đê biển bảo đảm thủ tục pháp lý, đã được các bộ, ngành, chức năng đồng ý”-ông Đặng Văn Thái khẳng định.

Về vấn đề dự án sẽ gây ảnh hưởng tới gần 150ha rừng ngập mặn, tại Thông báo số 115/TB-BTNMT ngày 6-12-2016 thông báo ý kiến kết luận của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình nêu rõ: “Về việc dịch chuyển 176,21ha rừng phòng hộ thuộc hai xã Thụy Xuân và Thụy Hải, huyện Thái Thụy ra ngoài đê mới đắp (đê biển số 8) để nâng bãi triều phía trong đê phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh: Bộ Tài nguyên và Môi trường nhất trí với chủ trương trên của tỉnh trên cơ sở phải bảo tồn nguyên vẹn diện tích, chất lượng, giá trị của rừng phòng hộ ven biển để đảm bảo hệ sinh thái của khu vực… Xây dựng kế hoạch dịch chuyển rừng phòng hộ cụ thể, bảo đảm đủ diện tích và chất lượng của rừng phòng hộ như hiện nay…”.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Công Tuấn trong công văn số 10349/BNN-TCLN ngày 7-12-2016 gửi UBND tỉnh Thái Bình cũng đã thống nhất chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng 149,14ha rừng phòng hộ sang mục đích khác không phải lâm nghiệp để phát triển kinh tế-xã hội như đề nghị của UBND tỉnh Thái Bình.

Sẽ trồng bổ sung 150ha rừng ngập mặn

Hiện nay Bản báo cáo đánh giá tác động môi trường lần thứ hai đã được gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét. Song trước đó, Hội đồng thẩm định chỉ ra khá nhiều vấn đề cần bổ sung, làm rõ như: Tại sao phải lấy tới 320ha, trong đó có 150ha rừng ngập mặn, có thể tìm phương án khác giảm lấy rừng ngập mặn không, sẽ ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái như thế nào?

Ban Quản lý dự án giải trình: Trước đây tuyến đê đi song song với tuyến đường bờ, sau đó do nhu cầu quai đê lấn biển, tuyến đê đã được điều chỉnh một đoạn từ km24 đến km26+700 để bảo vệ khu nuôi trồng thủy sản xã Thụy Xuân và mở rộng quỹ đất để phát triển kinh tế tuy nhiên lại tạo ra một tuyến đê gấp khúc tại đây về lâu dài sẽ gây ra điểm xung yếu cục bộ. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh tuyến đê biển số 8 để tạo một tuyến đê trơn thuận, không gấp khúc.

Theo ông Nguyễn Thế Đồng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, khi thực hiện việc nắn đê mới sẽ dẫn tới việc suy thoái của các diện tích rừng ngập mặn ở phía trong đê là điều tất yếu do đặc điểm sinh thái của rừng ngập mặn. Về mặt khoa học, nếu lấy 150ha rừng ngập mặn ở khu vực này (là rừng trồng sau năm 1990) thì trong giai đoạn nhất định đa dạng sinh học khu vực sẽ có sự suy giảm, tuy nhiên sẽ phục hồi do đặc thù của khu vực Thái Thụy được bồi tụ, lấn biển và sinh thái thực vật tương đối đồng nhất…

TS Tô Văn Trường, Chuyên gia độc lập về Tài nguyên nước và Môi trường cho rằng, về tổng thể chắc chắn dự án có ảnh hưởng đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học khu vực này. Tuy nhiên, thực tế, nhiều bãi bồi phát triển dọc bờ biển từ Hải Phòng đến Thanh Hóa hiện nay khu vực phía trong bìa rừng rất nhiều nơi đưa vào khai thác phát triển thủy sản, xây dựng đê quai, phát triển các loại hình sinh thái, dịch vụ… Do vậy, khó tránh khỏi xu thế phát triển lấn biển, lập khu dân cư, khu kinh tế ở mỗi khu vực này… Dự án mở tuyến đê Thái Thụy-Thái Bình là cần thiết vì nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, cần bổ sung làm rõ những giải pháp giảm các tác động xấu đến môi trường sinh thái.

Theo phương án đề xuất, chủ đầu tư đã lập phương án trồng rừng thay thế với diện tích rừng trồng mới là 150ha nằm trên địa bàn hai xã Thụy Xuân và Thụy Hải. Phương án trồng thay thế đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt tại Quyết định số 3826/QĐ-UBND ngày 22-12-2016.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình cho biết: Dự án có ảnh hưởng đến hàng trăm hộ nuôi trồng thủy sản và phải dịch chuyển, trồng thay thế rừng ngập mặn nhưng sẽ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng, giúp Thái Bình phát triển kinh tế biển gắn với công nghiệp, dịch vụ, du lịch và phát triển đô thị.