ThienNhien.Net – Sự cố ô nhiễm môi trường biển đã khiến cuộc sống của ngư dân vùng bãi ngang Quảng Bình lâm vào khó khăn, khi biển vừa hồi sinh thì lại phải đối mặt với nạn đánh giã cào của những cặp tàu cá công suất lớn từ nơi khác đến làm cho người dân bức xúc và lo lắng. Không chỉ làm hư hỏng ngư lưới cụ của ngư dân đánh bắt vùng lộng mà kiểu khai thác tận diệt hải sản này đã làm cho hệ sinh thái biển vốn bị thiệt hại nghiêm trọng sau sự cố ô nhiễm môi trường biển càng bị tổn thương thêm.
Khai thác hải sản cách bờ chỉ hai hải lý
Giã cào vốn là một nghề truyền thống của ngư dân các vùng biển ngang, chỉ dành cho những chiếc thuyền nan, thúng đánh bắt ven bờ. Những năm gần đây, người dân đóng tàu lớn hơn để kéo toàn bộ sinh vật ở đáy biển gần bờ, gồm cá lớn, cá bé, tôm, cua, mực, ốc… Nhận thấy tác hại của nghề đánh bắt này, từ nhiều năm nay, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Bình đã tuyên truyền, vận động ngư dân chuyển đổi nghề biển, không cấp giấy cho tàu thuyền ra vào cửa lạch, không cấp phép cho tàu đóng mới đánh bắt bằng nghề giã cào. Vì thế, số lượng tàu thuyền đánh bắt bằng hình thức hủy diệt này giảm còn rất ít và phần lớn ngư dân chuyển nghề vươn khơi.
Song, khi ngư dân Quảng Bình gần như bỏ nghề giã cào thì thời gian gần đây, ở vùng biển gần bờ tại địa phương, tàu giã cào của các tỉnh như Quảng Ngãi, Bình Định… lại hoành hành, gây thiệt hại và bức xúc cho nhân dân. Khi biển vừa hồi sinh sau sự cố ô nhiễm môi trường thì ngư dân vùng bãi ngang Quảng Bình lại phải đối mặt với nạn đánh giã cào của những cặp tàu cá công suất lớn từ nơi khác đến. Ông Nguyễn Văn Kết, ngư dân vùng biển bãi ngang xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy cho biết: “Tàu của họ công suất lớn mà đánh sát vô bờ, quét sạch cá to, cá nhỏ, tận diệt luôn nguồn hải sản đang sinh trưởng. Những tàu này còn làm hư hỏng rất nhiều ngư lưới cụ của chúng tôi. Ngư dân rất bức xúc, ra xua đuổi thì họ chạy ra, lúc sau lại vào càn quét đáy biển”. Còn theo ngư dân Nguyễn Văn Thắng ở xã Ngư Thủy Bắc, ông đã nhiều lần gặp các tàu giã cào lớn đánh gần bờ. Không chỉ đánh bắt trái quy định làm cạn kiệt nguồn hải sản ven bờ, những tàu cá này còn ỷ tàu lớn uy hiếp ngư dân làm nghề lưới thuyền nan và thúng chai. “Nhiều lần lưới của thuyền tui bị các tàu lớn làm hư hỏng hoặc kéo đi mất” – ngư dân Nguyễn Văn Thắng nói thêm.
Theo ngư dân vùng bãi ngang huyện Lệ Thủy, tàu giã cào thường đi theo từng cặp chạy song song với nhau rồi dùng loại lưới lớn, mắt dày và có nhiều lớp để quét hải sản từ tầng đáy đến mặt nước. Với kiểu đánh bắt như vậy, các loại cá nhỏ đến cá trưởng thành đều bị bắt và tình trạng này xuất hiện ngày càng nhiều hơn khi đang vào mùa sinh sản của các loài cá. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình, thời gian gần đây đã xuất hiện rất nhiều cặp tàu cá công suất hơn 400 CV nhưng đánh bắt giã cào chỉ cách bờ hai hải lý.
Kiên quyết xử lý tàu cá vi phạm
Trước tình trạng nhiều tàu cá công suất lớn đánh bắt bằng nghề giã cào ngay trong vùng lộng, lực lượng kiểm ngư tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều đợt tuần tra và xử lý các tàu cá vi phạm. Mới đây, ngày 20-5, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình lập tổ công tác do Phó trưởng Chi cục Hoàng Viết Thông dẫn đầu tiến hành tuần tra, xử lý các tàu cá có công suất lớn đánh bắt giã cào trái phép trên vùng biển Quảng Bình. Có mặt trên tàu kiểm ngư, phóng viên ghi nhận, khi tuần tra cách bờ biển Hải Ninh hai hải lý, lực lượng tuần tra phát hiện cặp tàu cá QNg 97258 TS và QNg 92015 TS đều có công suất 540 CV do Nguyễn Thanh Diêu (sinh năm 1988, trú tại xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) vừa chủ tàu vừa làm thuyền trưởng đang đánh bắt trái phép bằng nghề giã cào. Lực lượng chức năng áp sát và lập biên bản xử lý vi phạm hành chính với số tiền 24 triệu đồng, đồng thời yêu cầu chủ tàu viết bản cam kết không được tái phạm.
Tiếp tục tuần tra trên biển, lực lượng kiểm ngư Quảng Bình phát hiện thêm hai cặp tàu cá khác đang khai thác giã cào tại tọa độ 17 độ 13 phút bắc, 108 độ 48 phút đông. Điều đáng nói, khi thấy sự xuất hiện của lực lượng chức năng, bốn tàu cá này đã cắt lưới bỏ chạy và liên tục có hành vi chống đối, đâm va nhằm ngăn chặn lực lượng thực thi nhiệm vụ trên biển. Trước tình hình đó, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình đã liên hệ với Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình điều tàu hỗ trợ. Bộ đội Biên phòng đã nhanh chóng sử dụng tàu cao tốc tiếp cận, áp sát và bắt giữ các tàu cá vi phạm. Hai cặp tàu giã cào trái phép bị bắt giữ gồm QNg 97091 TS, QNg 97073 TS do Trần Văn Nghĩa (sinh năm 1986, trú tại tỉnh Quảng Ngãi) làm chủ và QNg 91748 TS, QNg 91847 TS do Lê Văn Hiền (Quảng Ngãi) làm chủ tàu. Hai cặp tàu cá này đã bị lực lượng chức năng lập biên bản và xử phạt hành chính mỗi cặp tàu 48 triệu đồng. Trước đó, lực lượng kiểm ngư và Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã phát hiện và xử phạt nhiều tàu cá đánh bắt giã cào trái phép trên vùng biển địa phương. Trong đó có cặp tàu cá mang số hiệu QNg 92665 TS và QNg 92662 TS do Nguyễn Đình Tây, trú tại Quảng Ngãi làm chủ bị xử phạt hai lần liên tiếp chỉ cách nhau hai ngày.
Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình cho biết, từ đầu tháng 4 đến nay, hàng chục vụ tàu giã cào đã được tàu tuần tra phát hiện, xử lý và phần lớn cũng là tàu của tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, con số bắt giữ được là quá ít so với thực tế đang diễn ra trên vùng biển gần bờ của Quảng Bình. Điều đáng nói là trong khi các tàu giã cào có công suất 500 đến 600 CV thì tàu của kiểm ngư tỉnh Quảng Bình chỉ có công suất 380 CV và đã sử dụng gần 20 năm, không thể truy đuổi tàu vi phạm. Cũng do tàu nhỏ, cho nên chỉ sóng gió cấp năm thì tàu tuần tra của kiểm ngư phải nằm bờ. Phó trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình Hoàng Viết Thông cho biết, tàu yếu, công cụ hỗ trợ không có, cho nên việc thực thi nhiệm vụ trên biển cũng hạn chế. Nhiều tàu giã cào thậm chí còn qua mặt lực lượng kiểm ngư tuần tra và không ít lần, ngư dân trên các tàu giã cào khi bị đuổi bắt đã có hành động tiến công lại lực lượng kiểm ngư…
Theo quy định, những tàu vi phạm chỉ bị lập biên bản xử phạt hành chính chứ không có hình phạt bổ sung nào khác. Vì vậy, khi tàu tuần tra rời đi, tàu giã cào lại quay vào tiếp tục thả lưới đánh bắt ở khu vực cấm. Mặt khác, nhiều tàu giã cào cố tình để mầu sơn số hiệu tàu bị bong tróc, rất khó đọc chính xác được số hiệu. Đây cũng là cách họ né tránh sự phát hiện của lực lượng kiểm ngư.